"Thợ săn" cào cào ở ngoại ô Sài thành

(Dân trí) - “Làm nghề này sướng lắm, sáng được hít khí trời trong lành, lại quơ vợt tập thể dục nữa nên sức khỏe tốt, ít bệnh vặt. Bỏ ra khoảng 3 giờ đi săn là có thể đút túi 300.000 đồng. Ai cũng coi là nghề lông bông nhưng giờ lại sống khoẻ", anh Minh chia sẻ.

"Thợ săn" cào cào!

c4-1482127172870

Một "thợ săn" cào cào bắt đầu ngày làm việc.

Dụng cụ đơn giản, không cần vốn đầu tư...những người làm nghề săn cào cào ở ngoại ô Sài thành đang nhộn nhịp vào mùa. Những người làm nghề săn cào cào thường bắt đầu công việc từ 6h sáng hàng ngày. Họ gặp nhau ở cầu An Hạ - Củ Chi (huyện Hóc Môn giáp ranh với huyện Củ Chi, TP.HCM) uống cà phê sáng, nói dăm ba câu chuyện rồi túa đi nhiều ngả để vợt cào cào. Miễn nơi nào có bãi cỏ lớn, ruộng hoang là những "thợ săn" lùng sục bắt cào cào.

Đội ngũ "thợ săn" này người già, người trẻ có đủ cả, người gắn bó lâu thì hơn 20 năm bám nghề, dân mới vào cũng ngót 10 năm. Trước đây họ làm phụ hồ, sửa xe, chạy xe ôm… rồi chuyển qua đi săn bắt cào cào. Số khác làm nghề cắt lúa du canh dưới miền Tây bị thất nghiệp khi máy gặt đập liên hợp ra đời, dạt lên thành phố rồi vô tình “bén duyên” với cào cào.

Những thợ săn cào cào thường phải chọn địa điểm rất kỹ trước khi hành nghề.
Những "thợ săn" cào cào thường phải chọn địa điểm rất kỹ trước khi "hành nghề".

Anh Tư Hữu (ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, một người bắt cào cào lâu năm) cho biết : “Trước người ta nghe tụi tui nói bắt cào cào kiếm sống là chê bai đủ thứ vì cho rằng chỉ có dân lông bông, không nghề ngỗng mới đi bắt cào cào nên kiếm vợ cũng khó. Do anh em nghĩ nghề nào cũng vậy, miễn là kiếm sống chân chính là làm thôi, đến giờ thì mọi người sống khỏe với con cào cào”.

Anh Minh (người có gần 15 năm với nghề) tình nguyện dắt chúng tôi trải nghiệm vợt cào cào. Đến mấy cánh đồng gần cầu An Hạ, sương đêm còn ướt đẫm trên ngọn cỏ, anh vác vợt quơ vài đường quanh ruộng cỏ, cào cào bay tứ tung. Cứ hết “quyền” này đến “trượng” kia, chẳng mấy chốc cây vợt dài hơn 2m và nặng khoảng 3kg đã có vô số cào cào.

Nghề săn cào cào cho nhiều người có thu nhập ổn định.
Nghề "săn" cào cào cho nhiều người có thu nhập ổn định.

“Làm nghề này sướng lắm, sáng được hít khí trời trong lành, lại quơ vợt tập thể dục nữa nên sức khỏe tốt, ít bệnh vặt. Nhưng nhớ cái thời mới vào nghề tối về ê ẩm cả người, có khi mệt mà không thu hoạch được gì vì chưa biết chiêu bắt cào cào", anh Minh vui vẻ kể.

Quơ vợt khoảng 3 giờ, anh Minh thu dọn dụng cụ trở về để kịp giờ đi bán. “Cỡ này cũng được khoảng 300.000 đồng. Tui thì hay bỏ mối cho thương lái ở chợ côn trùng khu Chợ Lớn, số khác thì tự bán tại trường đua Phú Thọ hay bán luôn cho các quán cà phê chim”, anh Minh nói.

"Sống khoẻ" nhờ cào cào

Cào cào được đóng thành từng bịch đem đi giao cho các điểm bán trên địa bàn thành phố.
Cào cào được đóng thành từng bịch đem đi giao cho các điểm bán trên địa bàn thành phố.

Mấy năm gần đây, người chơi chim ngày một tăng và kỹ thuật chăm sóc chim cũng phát triển. Cám và trái cây được hạn chế lại trong khẩu phần chim kiểng, thay vào đó là thịt cào cào tươi sống, thơm ngon để chim khỏe, lông mượt, hót hay… nhờ đó mà nghề cào cào mới thịnh.

Xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) 10 năm năm trước chỉ ngót nghét vài ba hộ sống bằng nghề này, giờ cả xã có gần 200 hộ đi săn cào cào. Nổi tiếng nhất phải kể đến Năm Cắt, Ba Hữu, Út Hướng, Tư Hải… những người được mệnh danh là “cây vợt vàng” vì chỉ sau 2 giờ quơ vợt bắt cào cào thu về cả triệu đồng, hôm nào bết bát cũng đảm bảo thu nhập 300.000 đồng/người.

Ông Hà Văn Hữu (Ba Hữu, ấp 2 Xuân Thới Thượng, một lão làng trong nghề) cho hay: “Tôi năm nay đã ngoài 60, năm 15 tuổi đã bắt cào cào để bà nội bán cho dân chơi chim ở chợ nhỏ trên đường Hàm Nghi. Do đó, tôi nghĩ nghề này phải tồn tại 70 - 80 năm chứ chẳng chơi. Giờ đã lớn tuổi rồi nhưng tụi nhỏ vợt chưa chắc ăn tui đâu vì cách chọn bãi cỏ và cách vợt rất quan trọng, nghề này ăn nhau ở hai điểm đó”.

"Thợ săn" cào cào ở ngoại ô Sài thành - 5
Cào cào được bày bán tại chợ côn trung trên địa bàn quận 5 - Ảnh Nguyễn Quang.
Cào cào được bày bán tại chợ côn trung trên địa bàn quận 5 - Ảnh Nguyễn Quang.

Hầu hết những “cao thủ” có thâm niên trong nghề đều vừa đi vợt vừa làm lái cào cào, bỏ mối cho các đầu mối lớn ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Bà Phạm Thị Tơi (vợ Ba Hữu) bật mí: “Trước tui với ông đi vợt chung, ngày cũng kiếm được hơn 1 triệu, giờ còn mỗi ông đi, tui và mấy đứa con chuyển qua bỏ mối cho người ta bán khoảng 800 xâu/ngày (tương đương 8.000 bịch, mỗi bịch có từ 10-20 con - PV), mỗi bịch lời vài trăm đồng. Đa số những người đi vợt lâu năm có nhiều bạn hàng nên dễ chuyển qua thu mua tại địa phương”.

Bà Huỳnh Thị Lao (một lái cào cào ở ấp 2) khẳng định: “Nghề này mà siêng thì có tiền dữ lắm, nhiều thanh niên trong xã trước làm những nghề lao động chân tay hoặc một số dân tỉnh vào đây định cư đều chuyển sang nghề này. Trung bình thu nhập một buổi của họ phải từ 300.000 đồng trở lên mà chẳng bao giờ sợ thất nghiệp".

Khách nuôi chim cảnh tìm đến chợ côn trùng để mua cào cào - Ảnh Nguyễn Quang.
Khách nuôi chim cảnh tìm đến chợ côn trùng để mua cào cào - Ảnh Nguyễn Quang.

Từ một nghề “chẳng giống ai” và được xã hội đánh giá thấp, giờ đây nghề vợt cào cào đã giúp nhiều gia đình từ thoát nghèo. Những “thợ săn” cào cào cũng giúp nông dân tiêu diệt bớt “đối thủ” phá hại hoa màu. Dẫu đang thịnh và được nông dân ủng hộ nhưng những người trong nghề vẫn còn đó nỗi lo. “Tốc độ đô thị hóa nhanh quá, đồng lúa ngày càng thu hẹp, đất hoang cũng chẳng còn. Anh em tụi tui ngày một đi xa hơn mới có cào cào để bắt. Một ngày nào đó sẽ không còn đất để làm nữa, sẽ lại phải vất vả để mưu sinh”, anh Minh tâm sự.

Trung Kiên