TP Huế:

Thăm làng mứt gừng truyền thống Huế ngày cuối năm

(Dân trí) - Vào thời điểm cận kề cuối năm thì tại phường Kim Long, TP Huế nơi được coi là “làng mứt gừng” lại đỏ lửa sản xuất những mẻ mứt gừng thơm ngon theo phương thức thủ công.

Mứt gừng làm theo cách thủ công

Có mặt tại phường Kim Long, nơi nổi tiếng về chế biến mứt gừng thủ công xứ Huế, đi ngay ngoài đường thì hương gừng tươi từ các lò mứt của hộ dân sản xuất đã xộc ngay vào thơm nức mũi.

Theo các nghệ nhân làm mứt lâu đời tại đây thì làm mứt gừng không khó, nhưng làm ngon thì cần có nhiều kinh nghiệm. Gừng làm mứt thường được mua từ Tuần - vùng đất đồi pha sỏi phía tây bắc TP Huế, nơi hai nhánh tả hữu sông Hương gặp nhau, rất lý tưởng cho cây gừng phát triển. Củ gừng Tuần tuy nhỏ nhưng thơm, cay và chắc.

“Vào những tháng cuối năm khi gừng vừa đủ độ, không quá già và quá non thì bà con bắt đầu thu hoạch, nhà tui với mấy nhà khác cũng bận rộn làm mứt bán tết” - bà Nguyễn Thị Nguyệt (58 tuổi, số nhà 37 đường Hồ Văn Hiền, phường Kim Long, TP Huế) một hộ gia đình làm mứt có tiếng tại đây chia sẻ.

Gừng sau một năm nuôi dưỡng trong đất trời thiên nhiên được đưa về và bắt đầu được gọt sạch vỏ rồi thái thành lát mỏng bằng dao thái. Miếng gừng được làm trắng bằng chanh và quất. Để miếng mứt không bị vỡ nát sau khi sấy thì lát gừng sẽ được luộc khoảng 5 phút.

Công đoạn quan trọng nhất là rim lát gừng với đường. Từng lát gừng được rim với nước đường trên bếp nên miếng mứt gừng sẽ thấm vị, khô và cay nồng. Rim khoảng 10 phút thì mứt được đổ ra cái mâm để làm khô và sấy, miếng mứt có màu vàng ruộm là đạt chất lượng.

 

Gừng sau khi mua về được gọt sạch vỏ. Gừng có màu vàng ruộm là đạt chất lượng
Gừng sau khi mua về được gọt sạch vỏ. Gừng có màu vàng ruộm là đạt chất lượng
Sau khi thái, lát gừng sẽ được rim với đường, đây là công đoạn quan trọng nhất khi làm mứt
Sau khi thái, lát gừng sẽ được rim với đường, đây là công đoạn quan trọng nhất khi làm mứt
Tham gia sản xuất mứt gừng thường là người trong gia đình
Tham gia sản xuất mứt gừng thường là người trong gia đình

 

Làng mứt gừng truyền thống có nguy cơ mai một

Ở Huế thì mứt gừng làng Kim Long là nổi tiếng nhất, mứt được làm theo phương thức thủ công, không phẩm màu, không chất bảo quản. Nghề truyền thống này đã có từ hàng chục năm nay. Với thời điểm tết Nguyên đán đang sắp tới thì mỗi xưởng ở làng có thể sản xuất trên dưới 1 tạ mà vẫn cháy hàng.

Thế nhưng mấy năm trở lại, nghề làm mứt gừng tại Kim Long có rất ít người làm mặc dù nghề cha ông đã truyền lại mấy đời nay. Cả phường hiện tại chỉ có dưới 20 lò sản xuất mứt gừng. Hầu hết những người theo nghề là những hộ gia đình có tiếng làm mứt lâu đời và toàn là những “lão ông” hay “lão bà” vì người trẻ hiện nay đã tìm những công việc khác ổn định hơn.

 

Nhưng hiện nay, sản lượng mứt làm ra ngày càng ít, nỗi lo nghề cha ông sẽ mai một luôn canh cánh trong lòng người dân phường Kim Long, TP Huế
Nhưng hiện nay, sản lượng mứt làm ra ngày càng ít, nỗi lo nghề cha ông sẽ mai một luôn canh cánh trong lòng người dân phường Kim Long, TP Huế

 

“Ngày trước, cứ ngày nào trong năm là hầu như nhà nào cũng làm mứt gừng nhưng hiện nay thì ít rồi. Gần Tết bà con làm nhiều chứ trong năm chỉ làm cầm chừng. Ai đặt hàng chúng tôi mới làm thêm thôi” - bà Nguyệt thoáng buồn nói.

Là một trong những đặc sản của đất cố đô, mứt gừng Huế có hương vị rất lạ miệng. Khi ăn chúng ta có thể cảm nhận được từ đầu lưỡi vị cay ấm của gừng và đọng lại vị ngọt thanh từ đường. Hương vị mứt gừng vẫn vậy: ngon, cay, ấm áp từ bao đời nay. Nhưng với sự đi xuống của nghề cổ truyền cố đô này thì nỗi âu lo về việc giữ được mứt gừng Huế đất Kim Long là có cơ sở. Tết đến Xuân về, mong cho nghề xưa vẫn tồn tại, và tìm được cách phát triển.

 

Tết cổ truyền không thể thiếu đi hương vị cay ấm của mứt gừng. Sau khi ra thành phẩm, mứt gừng cổ truyền Kim Long sẽ cung ứng cho toàn Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận
Tết cổ truyền không thể thiếu đi hương vị cay ấm của mứt gừng. Sau khi ra thành phẩm, mứt gừng cổ truyền Kim Long sẽ cung ứng cho toàn Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận

 

Phạm Công - Đại Dương