Táo bạo ý tưởng xây ngôi đền đầu tiên... ngoài không gian
(Dân trí) - Các nhà sư tại đền Daigoji ở Kyoto, Nhật Bản có kế hoạch tạo ra một "ngôi đền không gian" tên là Jotenin Gounji với đầy các vật phẩm thiêng liêng của Phật giáo.
Đền Daigoji ở Kyoto được thành lập năm 874 và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Đền Daigoji có thiết kế đặc biệt với một bàn thờ ở giữa ao và một tòa tháp năm tầng thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm.
Trong khi ngôi đền đã được xây dựng hơn 1.100 năm, các nhà sư hiện đang có kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng một ngôi đền khác trong không gian. Họ đã hợp tác với Terra Space, một công ty nghiên cứu và phát triển vệ tinh có trụ sở tại Kyoto, Nhật Bản và muốn tạo ra nơi thờ tự đầu tiên của thiên hà với hình dáng một ngôi đền Phật giáo.
Các nhà sư đã lên kế hoạch tạo ra nơi thờ cúng trong một vệ tinh liên lạc mà họ đặt tên là Jotenin Gounji và muốn cống hiến ngôi đền để "bảo vệ vũ trụ".
Ngôi đền sẽ được lấp đầy với các vật phẩm Phật giáo thiêng liêng như tượng Mạn-đà-la và một tượng đức Phật Vairocana (Đại Nhật Như Lai). Nó cũng sẽ quay quanh quỹ đạo Trái Đất 90 phút một vòng ở độ cao khoảng 278 dặm (447 km).
Trên trang web của ngôi đền, các nhà sư giải thích rằng đức Phật Vairocana sẽ trông coi toàn bộ Trái Đất từ vũ trụ. Một khi ngôi đền được đưa vào quỹ đạo, mọi người sẽ được mời tham gia "cầu nguyện không gian". Khi đó, các nhà sư ở Kyoto sẽ cầu nguyện cho những điều ước của họ và sau đó gửi nó dưới dạng dữ liệu đến ngôi đền không gian.
Soranews cho biết khi dữ liệu đã được nhận trong ngôi đền, nó sẽ được lưu trữ, miễn là vệ tinh vẫn ở trong không gian. Theo các nhà sư, "các dịch vụ Phật giáo không gian" sẽ được tổ chức thường xuyên tại đền nhằm hỗ trợ "hòa bình của toàn thể vũ trụ".
Các nhà sư đã mô tả ngôi đền là nơi cầu mong hạnh phúc và bình yên, nơi mọi người có thể "kết nối với nhau thông qua không gian bên ngoài". Quá trình phát triển vệ tinh nhân tạo chứa đựng ngôi đền sẽ bắt đầu vào tháng 2 và dự kiến nó sẽ được phóng vào vũ trụ trong năm 2023.
Tuổi thọ của vệ tinh là từ 5 đến 10 năm và các nhà sư nói rằng sau khi được phóng lên, nó sẽ "trở thành một ngôi sao băng trong bầu khí quyển của Trái Đất tỏa sáng hết mình". Họ tin rằng ngôi đền sau đó sẽ thực sự trở thành một phần của vũ trụ và "ở bên chúng ta mãi mãi".
Vào ngày 8/2 tới, đền Daigoji sẽ tổ chức "lễ cầu nguyện không gian" đầu tiên. Buổi lễ sẽ được tổ chức vì hòa bình và an toàn của nhân loại.