Tâm thư của cựu học sinh khiếm thính gửi các thầy cô năm xưa

Trường Thịnh

(Dân trí) - Với mong mỏi đem lại âm thanh, tiếng nói cho chúng em, các thầy cô đã không quản ngại bao gian khó… Có phải chúng em đã phiền các thầy cô lắm phải không ạ?!

Mỗi mùa tựu trường! Cũng như bao trẻ em khác, những đứa trẻ bị khiếm thính nói riêng và khuyết tật nói chung không khỏi háo hức được đi học. Nhớ lại những năm tháng may mắn được đi học từ cách đây 30 năm ấy, cựu học sinh (khóa 1991 - 2000) Nguyễn Hoàng Lâm (SN 1981) không khỏi bùi ngùi, xúc động… Hiện anh đang là Giảng viên khoa Ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) trường Đại học Đồng Nai – TP Biên Hòa – Tỉnh Đồng Nai; Thành viên Trung tâm nghiên cứu Thúc đẩy văn hóa Điếc – Đại học Đồng Nai. Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Nắng mới (Hỗ trợ Kỹ năng giao tiếp NNKH người điếc).

Tâm thư của cựu học sinh khiếm thính gửi các thầy cô năm xưa - 1

Trường PTCS dạy trẻ câm điếc Nhân Chính Hà Nội đã giúp nhiều trẻ em khuyết tật trưởng thành và tự chủ cuộc sống

Hôm nay, Lâm nhận được email của cô giáo tiểu học cách đây gần 30 năm, bao kỷ niệm lại ùa về như mới hôm qua với những hình ảnh thân thương của thầy cô, bạn bè và ngôi trường cũ. Là một trong những thế hệ học sinh đầu tiên của Trường PTCS dạy trẻ câm điếc Nhân Chính Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập trường, Lâm xin được bày tỏ tình cảm và xưng "em" trong bức tâm thư này.

Ngày đó, em đi học bằng xe đạp đến trường - ngôi trường nhỏ nhắn, đáng yêu ấy là nơi gắn bó với em trong nhiều năm, nơi có những người bạn còn giữ liên lạc cho tới ngày hôm nay.

Tâm thư của cựu học sinh khiếm thính gửi các thầy cô năm xưa - 2

Trường liên tục nhận các cháu có hoàn cảnh đặc biệt để dạy dỗ, đào tạo

Thời ấy, chúng em là những cô cậu học trò khiếm thính. Với mong mỏi đem lại âm thanh, tiếng nói cho chúng em, các thầy cô đã không quản ngại bao gian khó khi vừa nói vừa ra ký hiệu. Dẫu vậy, mấy đứa nhóc chúng em vẫn thiếu tự tin nên “trốn” ký hiệu khi không có thầy cô. Ôi ngày ấy, em cũng chẳng hiểu vì sao mình lại phải sợ khi "múa dấu" nữa…!

Nhưng ngay từ hồi đó, chúng em hiểu sự khiếm khuyết của bản thân nên trong khi giờ học luôn chăm chú, "lắng nhìn" thay vì lắng nghe các cô giáo giảng bài. Các cô giáo của em đã cố gắng giải thích nghĩa của từ vựng và viết nhiều lần lên bảng.... Các cô ơi, có phải chúng em đã phiền các cô thầy lắm phải không ạ? Là do đồng vọng ngược chiều, các cô thì vất vả giải thích, còn chúng em thì tập trung nhìn miệng của các cô để cố gắng hiểu được thông điệp truyền tải, dù chúng em đã đeo máy trợ thính.

Sau khi tốt nghiệp Cấp I, nhiều bạn đã đi làm các nghề khác nhau nhưng còn em đã đi học tiếp Cấp II, III và Cao đẳng, Đại học ở trường xa nhà. Em muốn mở rộng kiến thức với mơ ước sau này được làm giáo viên như các thầy cô.

Năm ngoái, em vừa thành lập Công ty chuyên về giảng dạy Ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính và dịch vụ phiên dịch. Mỗi khi có bạn cũ Cấp I tới thăm, em lại nhớ những kỉ niệm vui buồn ngày ấy, càng trân trọng hơn công ơn của các cô giáo trong Trường câm điếc Nhân Chính Hà Nội đã hết mực giúp đỡ, quan tâm dạy dỗ chúng em để trưởng thành như ngày hôm nay.

Sau gần 30 năm, các bạn học cùng lớp em cũng đã trưởng thành và lập gia đình. Mỗi người mưu sinh mỗi hướng, đi làm kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình của mình. Em cũng rất tự hào về các bạn của mình, họ có khả năng làm mọi thứ, sống như những người bình thường trong xã hội.

Tâm thư của cựu học sinh khiếm thính gửi các thầy cô năm xưa - 3

Không chỉ là Giảng viên đại học, anh Nguyễn Hoàng Lâm (mặc áo đen đứng giữa) hiện đang là Giám đốc Công ty hỗ trợ kỹ năng giao tiếp Ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính ở TP. Hồ Chí Minh

Bây giờ, em đã tốt nghiệp đại học và làm giáo viên như ước mơ của mình. Hơn nữa, với tư cách là Giám đốc Công ty hỗ trợ kỹ năng giao tiếp Ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính ở TP. Hồ Chí Minh, em luôn mong muốn lan tỏa ngôn ngữ kí hiệu đến cộng đồng, nhằm dạy Ngôn ngữ ký hiệu dành cho những người muốn học và động viên những người giao tiếp bằng Ngôn ngữ ký hiệu; thêm vào đó, khuyến khích những người làm phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu phục vụ cho cộng đồng người Điếc ở Việt Nam.

Giờ đây, khi em hiểu rằng ngôn ngữ ký hiệu chính là ngôn ngữ mẹ đẻ của cộng đồng người Điếc, do người Điếc tạo ra, và xem cộng đồng mình như một dân tộc thiểu số có ngôn ngữ riêng, văn hóa riêng, thì em đã yêu quý bản thân mình hơn bao giờ hết.

Tâm thư của cựu học sinh khiếm thính gửi các thầy cô năm xưa - 4

Anh Nguyễn Hoàng Lâm trong buổi Lễ trao chứng nhận ngôn ngữ kí hiệu của công ty Nắng mới

Một lần nữa, em kính gửi lời cảm ơn đến các thầy cô trong trường Nhân Chính luôn tâm huyết để dạy cho chúng em một nền tảng cơ bản quan trọng, truyền cho em những kiến thức hữu ích trong cuộc sống để có được như ngày hôm nay.

Trường PTCS dạy trẻ câm điếc Nhân Chính Hà Nội được thành lập từ năm 1990 do cố Bác sỹ Nguyễn Quý Hưng, nguyên Vụ trưởng Vụ Phục hồi chức năng, nguyên Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình - Bộ Lao động, Thương Bình và Xã hội; trực thuộc Hội chữ thập đỏ Thành phố Hà Nội; Trường có trụ sở tại số 39 phố Hoàng Ngân, quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Trong 30 năm qua, Trường đã vượt qua nhiều khó khăn và liên tục phát triển. Không chỉ giới hạn ở dạy trẻ điếc, Trường còn nhận và mở lớp học dành cho trẻ tự kỷ, bị bệnh down, bại não, trẻ chậm phát triển, giúp các em nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hiện tại, trường có 06 lớp tiểu học và 02 lớp mẫu giáo với tổng số học sinh khoảng gần 100 em.

Đặc biệt, nguồn ngân sách hoạt động của Trường hoàn toàn dựa vào sự ủng hộ của cộng đồng, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để phục vụ mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, lo cho bữa ăn, đồng phục của các em. Bất kỳ học sinh nào đến xin học Trường đều tiếp nhận mà không phải đóng học phí. Từ đầu năm 2020, do kinh tế khó khăn nên nguồn tài trợ đang giảm, Trường rất cần sự giúp đỡ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để duy trì được hoạt động của Trường, tiếp tục đào tạo các cháu có hoàn cảnh đặc biệt.

Ghi nhận những đóng góp đối với cộng đồng và xã hội trong việc giáo dục trẻ khuyết tật, trong nhiều năm qua, Trường đã nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Hội chữ thập đỏ TP Hà Nội …..; đặc biệt phải kể đến Huân chương Lao động hạng Ba các năm 1999, 2020 và Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2004 do Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng.