Tâm sự xúc động của người đàn ông nhận hiến thận từ một "người dưng"
(Dân trí) - Mang trong mình nhiều căn bệnh hiểm nghèo, có lúc tưởng chừng cái chết cận kề nhưng rồi may mắn đã mỉm cười với những bệnh nhân được ghép mô tạng từ người chết não. Để rồi, giờ đây cuộc sống của họ đã được “hồi sinh”.
Từ khi được thay thận từ một người đã chết não, sức khỏe của anh Cường đã ổn định hơn rất nhiều. Trong thâm tâm anh luôn có suy nghĩ phải tìm đến người mẹ với tấm lòng đầy bao dung đã trao tặng sự sống này cho anh. Gặp người mẹ ấy, tự dưng anh bật khóc như một người con đi xa lâu ngày mới nhìn thấy mẹ.
Được “hồi sinh” nhờ người xa lạ
Anh Vũ Xuân Cường (51 tuổi, ở Sơn La) là người bệnh nhận một bên thận từ con trai bà Cấn Thị Ngần (Quốc Oai, Hà Nội) sau khi đã chết não. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Cường luôn gọi bà Ngần là mẹ. Anh nói, bà Ngần chính là người mẹ đã sinh ra anh lần thứ 2.
Được hỏi về câu chuyện của chính mình, anh Cường xúc động cho biết, những chuyện xảy ra với anh giống như một phép màu mà có trong mơ anh cũng không dám nghĩ đến.
Mắc bệnh suy thận nhiều năm, cuộc sống của anh Cường gắn chặt với nỗi đau đớn do bệnh tật dày vò. Hàng ngày, không chỉ phải uống đủ các loại thuốc điều trị, anh còn phải đến bệnh viện chạy thận để duy trì sự sống từng ngày.
Không may mắn, bệnh tình của anh Cường tiến triển ngày một nặng, gia đình phải tìm cách đưa anh đi nước ngoài. Tuy nhiên, tại đây các bác sỹ cũng đành lắc đầu, nói anh khó có hy vọng.
Bế tắc, anh Cường đành nuốt nước mắt, trở về nước và gắn mình với những buổi chạy thận dài dẵng, không có ngày kết thúc.
Căn bệnh đeo bám khiến anh chẳng thiết tha gì đến công việc, gia đình. Tính tình anh thay đổi hẳn. Anh đau đớn, mệt mỏi, hay cáu gắt và muốn buông xuôi mọi thứ.
“17 tháng chạy thận cũng là 17 tháng tôi bị giằng xé bởi quá nhiều thứ. Tôi không thể sống vui vẻ như trước được vì những cơn đau hành hạ. Khi ấy, tôi chỉ ước giá như mình không tồn tại để đỡ khổ cho gia đình. Trong lúc tuyệt vọng nhất thì như có một tia sáng le lói vào cuộc đời tôi. Tôi nhận được tin sẽ ghép thận từ một người chết não. May mắn cho tôi là cùng chung nhóm máu với người hiến thận”, anh Cường chia sẻ.
Rất nhanh sau đó, ca ghép tạng của anh Cường đã được thực hiện và thành công. Sau khi ghép tạng sức khỏe anh thay đổi hẳn, không còn mệt mỏi như trước nữa. Giờ chỉ 1 tháng anh Cường mới phải đi thăm khám sức khỏe một lần.
Chi phí thuốc thang cũng không còn nhiều như trước đây. Cả gia đình anh ai cũng vui mừng vì từ nay anh không bị những cơn đau dày vò. Anh sẽ khỏe mạnh và tiếp tục làm việc, làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình.
“Vậy là tôi đã sống, sống đến tận bây giờ. Nhưng trong lòng tôi vẫn luôn cánh cánh về người mẹ đã quyết định hiến tạng con trai ngay sau khi chết não để dành sự sống cho những người hoàn toàn xa lạ. Trong lòng tôi nôn nao khó tả, tôi thật sự muốn tìm gặp “mẹ” để nói lời cảm ơn, nói với “mẹ” rằng tôi được sống như ngày hôm nay là nhờ trái tim nhân hậu ấy”, anh Cường bày tỏ.
Nhìn thấy mẹ là khóc...
Nói đến đây, anh Cường bày tỏ sự xúc động. Có lẽ, nhắc đến người đã giúp anh “hồi sinh” cuộc sống anh không thể kìm được lòng. Anh Cường bảo, ơn này anh luôn dành cho mẹ Ngần và em Vàng (con trai bà Ngần). Vì thế, anh đã tìm đến gặp mẹ Ngần để nói lời cảm ơn, và cũng là để mẹ Ngần được “gặp lại” con trai mình theo một cách khác.
Bà Cấn Thị Ngần coi các con như con ruột của mình.
Cũng từ ngày nhận thận của con trai bà Ngần, cảm xúc và suy nghĩ trong anh Cường đã thay đổi rõ rệt. Cứ mỗi lần gặp bà Ngần là anh bật khóc, khóc như một đứa trẻ.
Đó là cảm xúc thật và anh chẳng biết giấu đi đâu. Anh Cường bày tỏ: “Tôi nhớ, có lần gặp lại mẹ Ngần trên trường quay của VTV, tôi đã rất xúc động, sau khi xin phép được gọi là mẹ Ngần thì nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi.
Tôi cảm giác như em Vàng đã cho tôi nhận được thần giao cách cảm. Từ 2 người hoàn toàn xa lạ, tôi bật gọi tiếng mẹ. Mẹ Ngần cũng ôm chầm lấy tôi mừng mừng tủi tủi. Mặc dù trước đó tôi và mẹ Ngần chưa hề điện thoại hay nói chuyện với nhau. Tôi thân thiết với mẹ Ngần như 2 mẹ con đã gặp nhau từ lâu lắm rồi. Không những thế, 2 mẹ con còn có thể thủ thỉ với nhau đủ thứ chuyện, tâm sự cả ngày không chán”.
Anh Cường còn nhớ, có lần mẹ Ngần lên chơi và thăm gia đình anh ở tận trên Sơn La. Tuy mẹ Ngần trước đó không nói, nhưng trong lòng anh cứ bồn chồn không yên, cảm giác như sắp được đón một người thân.
Không ngờ chỉ sau vài hôm, mẹ Ngần điện cho anh thông báo sẽ lên Sơn La thăm gia đình anh. Vậy là linh cảm của anh đúng. Mẹ Ngần đã không ngại đường sá lên thăm “con trai” mình. Vài ngày sau đó mẹ Ngần có mặt trong sự ngỡ ngàng của gia đình anh.
“Lần đó mẹ Ngần lên thăm gia đình tôi 11 ngày. Đó cũng là cuộc trùng phùng ấm áp nhất mà tôi nhận được. Tôi xin phép mẹ Ngần vào những ngày giỗ của Vàng hoặc gia đình có công việc tôi sẽ về.
Đối với tôi, đường sá không quan trọng, chỉ cần được về với mẹ. Tôi và 4 người khác cũng được nhận tạng từ Vàng đã cùng hẹn ước sẽ cùng lo lắng cho mẹ Ngần và công việc trong gia đình. Mẹ Ngần sống rất tình cảm nên hai mẹ con tôi thường xuyên nói chuyện điện thoại với nhau. Thi thoảng tôi đi làm có thời gian là lại vào thăm mẹ Ngần, thắp nén hương cảm ơn em Vàng”, anh Cường tâm sự.
Đối với anh Cường, mẹ Ngần chính là người mẹ đã giúp anh “hồi sinh” thêm một lần nữa. Vì thế, cứ có ai nhắc đến quyết định của mẹ là lòng anh Cường lại thầm biết ơn đến mẹ. “Nếu không có mẹ, không có quyết định của mẹ có lẽ đã không có tôi của ngày hôm nay rồi”, anh Cường bộc bạch.
Dù bận bịu với công việc, lại ở xa Hà Nội nhưng trong thâm tâm anh Cường lúc nào cũng nghĩ tới mẹ Ngần. Anh bảo, Tết năm nay anh cũng mong sẽ đưa vợ con về thăm mẹ, cùng mẹ Ngần ăn bữa cơm, chúc mẹ sống thật khỏe mạnh.
Thanh Hoa