Sự thật về những chiếc “kính hàng hiệu” siêu đắt
(Dân trí) - Ngoài quần áo, túi xách thì kính cũng là một “phụ kiện” được giới đại gia săn đón. Tuy nhiên, đằng sau những nhãn hiệu kính siêu đắt là cả một câu chuyện về “luật chơi” của một ông trùm đến từ nước Ý.
Với những ai đã từng mua kính mắt của những nhãn hiệu thời trang, như Ray-Ban, Prada, Chanel, Oakley thì đều biết được rằng giá bán của chúng có thể là 300, 400 USD thậm chí lên tới 4.000 USD. Tuy nhiên, một điều mà tất cả mọi người cần phải hiểu, dù được gắn mác của các “đại gia” nhưng hầu hết các kính mắt hiện nay đều được sản xuất tại Trung Quốc, với tỷ lệ lên tới 90%.
Vậy ai là người có quyền quyết định về thị trường kính mắt trên toàn cầu? Câu chuyện đằng sau đó là gì? Luxottica Group, một tập đoàn sản xuất kính mắt có trụ sở tại Milan, Ý chính là “ông trùm” và điều hành luật chơi riêng trên thị trường này. Tuy nhiên, tên tuổi của Luxottica hoàn toàn không xuất hiện trên bất kỳ chiếc kính nào. Luxottica hiện đang kiểm soát tới hơn 80% nhãn hiệu kính mắt trên toàn cầu, từ gọng kính thuốc cho đến kính chống nắng.
Người ta vẫn tin rằng các nhãn kính mắt vẫn đều có nguồn gốc từ nước Ý bởi vì đây là nước dồi dào nhựa ZYL (viết tắt của zylonite, hay cellulose acetate) - là một thành phần quan trọng để sản xuất gọng kính nhựa nhưng bền bỉ, chắc chắn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ còn một số hãng sản xuất gọng kính của Ý, như Alain Mikli, Lafont, và Silhouette, là tiếp tục sản xuất tại quê nhà. Hầu hết các nhãn hiệu khác đều đã chuyển nhà máy sản xuất sang Trung Quốc với lợi thế nhân công rẻ mạt.
Luxottica Group đang thống lĩnh thị trường kính toàn cầu, sở hữu tới 80% nhãn hiệu kính nổi tiếng.
Câu chuyện giữa nhân công rẻ mạt với giá bán “cao ngút ngàn” dường như quá mâu thuẫn với nhau. Một chiếc kính 300 USD vẫn được bán đắt như tôm tươi dưới những nhãn mác có tiếng dù chúng chỉ mất khoảng 30 USD để sản xuất. Tuy nhiên, luật chơi luôn thuộc về kẻ mạnh.
Luxottica đã mua lại hầu hết các nhãn hiệu sản xuất kính trên toàn cầu, kể cả các nhãn hiệu “sừng sỏ” của Mỹ. Luxottica đã và đang sản xuất kính cho các thương hiệu nổi tiếng, như Ray-Ban, Persol, Oakley và cả vô số các thương hiệu thời trang hạng sang khác, Chanel, Prada, Giorgio Armani, Gucci, Burberry, Versace, Dolce & Gabbana, Donna Karan, Stella McCartney, và Tory Burch. Và đương nhiên, kính hàng hiệu của những “đại gia” này cũng được sản xuất tại Trung Quốc.
Luxottica Group làm chủ hàng loạt chuỗi cửa hàng bán kính lớn nhất thế giới, như Sunglass hut.
Tất cả các gọng kính của Luxottica được sản xuất tại Trung Quốc và sau đó chuyển về những nước đã đặt hàng. Ở đó, người ta sẽ lắp mắt kính theo đơn hàng đặt sẵn. Những chiếc kính này có thể sẽ được gắn mác “Made in Italy” hoặc “Made in America”.
“Chân rết” của Luxottica lan toả khắp thế giới. Riêng tại Mỹ, Luxottica sở hữu gần như tất cả các hãng kính lớn nhất nước này, và cả các chuỗi cửa hàng bán kính nổi tiếng, như LensCrafters, Pearle Vision, Sears Optical, Target Optical, Sunglasses Hut, và công ty bảo hiểm mắt kính Eyemed vision.
Tính đến tháng 5/2015, giá trị thị trường của Luxottica được ước tính khoảng 30,9 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận chính của Luxottica không thuộc về bất kỳ một nhãn hiệu thời trang cao cấp nào khác, chính là thương hiệu kính mà hãng đã thâu tóm: Ray-Ban.
Ray-Ban là nhãn hiệu kính mang lại doanh thu lớn nhất cho Luxottica Group.
Được thành lập bởi John Jacob Bausch và Lomb Henry để sản xuất kính cho Quân đội Mỹ, kể từ thời Tổng thống John F. Kennedy, gần như tất cả Tổng thống Mỹ đều đeo kính của Ray-Ban, đó là chưa kể thương hiệu này luôn xuất hiện trong các bộ phim nổi tiếng, như hình ảnh Tom Cruise đeo kính Ray-Ban trong phim “Risky Business” và “Top Gun”. Tuy nhiên, do sự quản lý yếu kém, cuối cùng Ray-Ban đã buộc phải bán mình. Năm 1999, “ông trùm” nước Ý Luxottica đã mua lại và có một chiến lược đặc biệt để đảo ngược mọi khó khăn.
Andrea Guerra, CEO của Luxottica, từng tiết lộ đã biến một nhãn hiệu kính giá 29 USD bán ở trạm xe lửa trở thành thương hiệu kính bán chạy nhất thế giới.
Luxottica Group sản xuất cho hầu hết các nhãn hiệu kính trên toàn cầu.
Sự thống trị của Luxottica trên thị trường kính mắt của toàn thế giới là một sức ép đối với tất cả các đối thủ. Câu chuyện “châu chấu đá voi” của Oakley là một ví dụ điển hình. Oakley từng là một đối thủ lớn của Luxottica, và để dễ bề thâu tóm đối thủ, Luxottica đã sử dụng chiêu bài: “Chúng tôi sẽ không bán kính của Oakley trong các cửa hàng của chúng tôi nữa”. Và giá cổ phiếu của Oakley suy sụp. Một điều dễ hiểu rằng làm sao Oakley có thể bán được hàng tới người tiêu dùng nếu kính của họ không có mặt trong Sunglass Hut - chuỗi cửa hàng bán kính lớn nhất thế giới, cũng đã thuộc sở hữu của Luxottica. Năm 2007, “ông trùm” này đã mua lại Oakley.
“Nếu bạn sản xuất kính thì bạn sẽ muốn bán chúng ở trong các cửa hàng của Luxottica. Nếu bạn có cửa hàng thì bạn muốn bán kính của họ. Vì thế, Luxottica có thể niêm yết giá cao mức nào tuỳ họ, và bạn sẽ phải tuân theo cuộc chơi của họ”, giới phân tích nhận xét.
Khôi Linh