Sống cạnh lòng hồ thủy điện vẫn khát khao "ánh sáng" đủ đầy

Phi Hùng

(Dân trí) - Mặc dù sống gần lưu vực lòng hồ thủy điện, nhưng những người dân ở thôn Tà Làng, xã Pải Lủng (Mèo Vạc - Hà Giang) vẫn mơ ước một ngày được sử dụng điện lưới quốc gia, để ổn định cuộc sống sinh hoạt.

Thôn Tà Làng, nằm cạnh bờ sông Nho Quế thơ mộng, heo hút, tách biệt với bên ngoài, cả thôn chỉ có vỏn vẹn 39 hộ gia đình với hơn 200 nhân khẩu. Thôn có 5 dân tộc thiểu số sinh sống gồm: Tày, Giấy, Nùng, Mông, Xuồng.

Để vào được thôn Tà Làng, chúng tôi phải đi xe máy mất gần 1 giờ đồng hồ, vài chục khúc cua "huyền thoại", với những vực sâu hun hút mà chắc chắn người yếu tim sẽ không dám đi.

Sống cạnh lòng hồ thủy điện vẫn khát khao ánh sáng đủ đầy - 1
Thôn Tà Làng, xã Pải Lủng.

Vào mùa này những cây gạo trên các sườn núi đang trổ bông đỏ rực, như tô điểm thêm cho tiết trời mát mẻ trên cao nguyên đá Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc.

"Cảnh vật thì thơ mộng, nhưng trái ngược lại là cuộc sống nơi đây còn vất vả nhiều lắm. Bao đời nay, từ thời ông cha đến thế hệ chúng tôi chỉ biết đến nương rẫy", một người dân chia sẻ. Theo người dân, khó khăn lớn nhất của bà con nơi đây là thiếu điện sinh hoạt.

Sống cạnh lòng hồ thủy điện vẫn khát khao ánh sáng đủ đầy - 2
Mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây được sử dụng lưới điện quốc gia.
Sống cạnh lòng hồ thủy điện vẫn khát khao ánh sáng đủ đầy - 3
Vào mùa khô, tất cả các thiết bị đều ưu tiên cho điện thắp sáng.

Các hộ dân đều phải bỏ tiền túi ra mua tua bin làm máy phát điện nhỏ, dùng sức nước thắp sáng mỗi khi đêm về. Mùa mưa thì không sao, nhưng mùa khô đến các khe suối cạn nước, điện làm ra từ các máy tua bin nhỏ không đủ dùng, bóng đèn chập chờn, lập lòe như đom đóm giữa núi đồi đại ngàn.

Anh Long (người dân) cho biết, mặc dù nằm trong lưu vực lòng hồ thủy điện Nho Quế 1, nhưng tất cả các hộ dân ở thôn Tà Làng vẫn đang phải tự túc, vào mùa khô vài nhà chung nhau một máy phát điện được kéo từ suối về.

Sống cạnh lòng hồ thủy điện vẫn khát khao ánh sáng đủ đầy - 4
Anh Long cho biết, để vận hành máy phát điện dựa vào sức nước, mỗi nhà mất khoảng 5 triệu đồng.
Sống cạnh lòng hồ thủy điện vẫn khát khao ánh sáng đủ đầy - 5
Do nước từ khe suối cạn, anh Long phải chế thêm vỏ chai nhựa mới đủ sức nước phát ra điện.
Sống cạnh lòng hồ thủy điện vẫn khát khao ánh sáng đủ đầy - 6
Thỉnh thoảng anh Long phải đi kiểm tra đường điện.

"Mùa mưa còn đỡ, chứ mùa này chỉ mong đủ ánh sáng buổi đêm là may lắm rồi, chú bảo vài nhà chung nhau thì tải sao được, muốn nấu cơm bằng điện thì phải cắm từ chiều sớm, chứ tối thì điện yếu lắm, điện không tải nổi", anh Long tâm sự.

Theo anh Long, chi phí để vận hành một máy phát điện hộ gia đình mất khoảng 5 triệu đồng, chưa kể tiền dây điện.

"Chục năm nay, các hộ nơi đây vẫn phải ra các nguồn suối gần đó, dùng sức nước để kéo điện về, có lúc suối cạn tôi phải chế thêm nắp chai nước, khoét một lỗ vặn nắp vào để cho nước chảy qua nhỏ, vừa đủ lực ép mới chạy được, đủ cho một bóng điện thắp sáng vào mỗi tối.

Vất vả lắm, thỉnh thoảng lại phải thay ổ bi cho tua bin, có hôm chuột cắn dây điện lại phải lần mò mới nối lại được", anh Long tâm sự.

Sống cạnh lòng hồ thủy điện vẫn khát khao ánh sáng đủ đầy - 7
Bà Nghị (bên trái) cho biết muốn sắm tủ lạnh để đồ, nhưng không sắm được vì điện yếu.

Bà Nghị - một người dân khác cho biết, cả thôn ai cũng muốn buổi tối đến được xem ti vi, đặc biệt là chương trình thời sự lúc 19h, nhưng vì điện yếu nên tất cả đều phải ưu tiên cho bóng thắp sáng.

"Nhiều gia đình ở thôn giờ đây làm ăn khá giả hơn so với trước kia, nhà nào cũng muốn sắm nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh… để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu.

Nhưng rồi lại thôi, hoặc có nhà sắm rồi cũng không đủ điện để dùng, sống gần nhà máy thủy điện nhưng điện vẫn phải tự túc. Mong muốn lớn nhất của người dân chúng tôi là được sử dụng điện lưới quốc gia để ổn định đời sống.

Trao đổi với PV, ông Lý Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Pải Lủng cho biết, thôn Tà Làng nằm trong lưu vực lòng hồ thủy điện Nho Quế 1, mặc dù vậy hiện tại người dân vẫn đang phải tự túc về điện sinh hoạt.

"Chủ yếu người dân tự làm máy phát điện nhỏ dùng sức nước thắp sáng, nhưng điện sử dụng không ổn định, không đảm bảo. Chúng tôi đang kiến nghị lên các cấp, các ngành để được xem xét, hy vọng sớm tháo gỡ được vấn đề khó khăn này cho nhân dân", vị lãnh đạo xã nói.