Rụng răng: Dấu hiệu của bệnh lý cần lưu ý và cách khắc phục

Trường Thịnh

(Dân trí) - Răng rụng không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như làm giảm cảm nhận vị giác, khiến thức ăn không được nghiền kỹ ảnh hưởng hệ tiêu hóa, bị tiêu xương hàm, khó phát âm và ảnh hưởng đến tâm lý.

Bị rụng răng có sao không? 

Khi bị rụng răng, lực nhai sẽ bị suy giảm, khiến thức ăn không được nghiền kỹ gây khó tiêu và ảnh hưởng tiêu hóa. Ngoài ra, việc mất răng còn làm giảm khả năng cảm nhận vị giác, gây chán ăn. 

Khi bị mất răng lâu ngày sẽ dẫn đến bị tiêu xương hàm và lõm nướu. Tình trạng này sẽ dẫn đến má bị hóp, mặt chảy xệ, khuôn mặt biến dạng và bị lão hóa sớm.

Khoảng trống do rụng răng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nha chu và sai lệch khớp cắn. Khi mất răng cửa sẽ dẫn đến tình trạng dễ nói ngọng và làm ảnh hưởng giao tiếp.

Mất răng gây ảnh hưởng tâm lý, làm giảm sự tự tin và chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, trong trường hợp mất nhiều răng hoặc mất toàn bộ răng, nếu không phục hình sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lâu dài.

Rụng răng: Dấu hiệu của bệnh lý cần lưu ý và cách khắc phục - 1

Bị rụng răng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tính thẩm mỹ của hàm răng (Ảnh: Nha khoa I-Dent).

Bị rụng răng có phải là dấu hiệu của bệnh lý tiềm ẩn không? 

Ngoài việc bị rụng răng do chấn thương lúc chơi thể thao, dùng răng cắn vật cứng hay dùng lực nhai quá mạnh thì việc rụng răng có thể cũng là dấu hiệu mắc các bệnh lý răng miệng tiềm ẩn như: 

Viêm nha chu: viêm nha chu làm viêm nhiễm nướu và mô nâng đỡ răng, nếu tiến triển nặng sẽ khiến xương ổ răng bị tiêu, răng lung lay và tự rụng.

Loãng xương: làm giảm mật độ xương, gây suy yếu xương hàm, khiến răng không còn được nâng đỡ chắc chắn. Tình trạng này thường xảy ra ở người lớn tuổi và phụ nữ sau mãn kinh. 

Tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc viêm nướu, viêm nha chu. Lượng đường trong máu cao tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây tổn thương mô nướu và xương nâng đỡ răng. 

Thiếu dinh dưỡng: thiếu canxi, vitamin D, C và khoáng chất làm răng yếu, dễ lung lay. Ngoài ra, chế độ ăn uống thiếu sự cân bằng cũng gây hại cho nướu và xương hàm. 

Rối loạn nội tiết: thay đổi hormone ở phụ nữ mang thai, mãn kinh, người có bệnh tuyến giáp dễ gây tổn thương nướu và tiêu xương.

Ung thư khoang miệng hoặc bệnh xương hàm có thể làm cấu trúc răng suy yếu dần và khiến răng rụng bất thường.

Rụng răng: Dấu hiệu của bệnh lý cần lưu ý và cách khắc phục - 2

Viêm nha chu là nguyên nhân phổ biến gây rụng răng (Ảnh: Freepik.com).

Cách khắc phục tình trạng rụng răng

Trồng răng Implant: trồng răng Implant là giải pháp phục hình tối ưu cho trường hợp bị mất một răng, nhiều răng hay thậm chí toàn hàm. Phương pháp này sẽ sử dụng trụ Titanium cấy vào xương hàm thay thế chân răng, sau đó lắp mão sứ lên trên.

Ưu điểm nổi bật của phương pháp trồng răng Implant là mang lại khả năng ăn nhai chắc chắn, thẩm mỹ như răng thật, ngăn tiêu xương hàm và duy trì vẻ đẹp tự nhiên của khuôn mặt. Ngoài ra, răng Implant có độ bền cao, có thể sử dụng suốt đời nếu được chăm sóc tốt.

Hiện nay, giá trồng răng Implant dao động 13-35 triệu đồng/1 răng và 110-290 triệu đồng/1 hàm, tùy vào loại trụ Hàn Quốc, Mỹ hay Đức và phương pháp trồng răng All on 4 hay All on 6.

Rụng răng: Dấu hiệu của bệnh lý cần lưu ý và cách khắc phục - 3

Phương pháp trồng răng Implant có thể khắc phục tình trạng mất răng toàn hàm. 

Sử dụng răng giả tháo lắp: sử dụng hàm giả tháo lắp phù hợp với người lớn tuổi hoặc mất nhiều răng. Ưu điểm của phương pháp này là có chi phí thấp, dễ thực hiện nhưng nhược điểm là mang lại khả năng ăn nhai kém, dễ lỏng lẻo, tuổi thọ không cao.

Rụng răng: Dấu hiệu của bệnh lý cần lưu ý và cách khắc phục - 4

Phương pháp sử dụng hàm giả tháo lắp (Ảnh: Freepik.com).

Cầu răng sứ: phương pháp cầu răng sứ được áp dụng khi mất 1 hoặc vài răng liền kề, giúp cải thiện ăn nhai và thẩm mỹ tốt hơn răng giả tháo lắp. Tuy nhiên, phương pháp này cần mài răng thật làm trụ, có thể gây ảnh hưởng đến răng khỏe và không ngăn được tiêu xương hàm.

Rụng răng: Dấu hiệu của bệnh lý cần lưu ý và cách khắc phục - 5

Phương pháp cầu răng sứ (Ảnh: Freepik.com).

Cách phòng tránh bị rụng răng

Dưới đây là một số cách để phòng tránh việc bị rụng răng sớm: 

Đánh răng 2 lần/ngày với kem chứa fluoride, kết hợp chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch vi khuẩn và mảng bám; tăng cường thực phẩm giàu canxi, vitamin D và khoáng chất; hạn chế đường, nước ngọt có gas để ngăn sâu răng và viêm nướu. 

Mỗi người nên kiểm tra răng miệng mỗi 6 tháng để kịp thời phát hiện các bệnh lý như viêm nha chu, sâu răng… không dùng răng cắn vật cứng, tránh hút thuốc và rượu bia. Nếu nghiến răng khi ngủ, nên dùng máng bảo vệ để tránh mòn răng.

Bị rụng răng ảnh hưởng rất lớn đến tính thẩm mỹ và sức khỏe răng miệng tổng thể. Do đó, người gặp tình trạng này nên đến nha khoa để bác sĩ thăm khám và đề xuất giải pháp khắc phục tối ưu.