Nghệ An:

Rét đậm, rét hại "thổi bay" gần 1.000 con gia súc tại 2 huyện nghèo

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Chỉ trong một thời gian ngắn, hai huyện nghèo ở Nghệ An đã bị rét đậm, rét hại "thổi bay" gần 1.000 con gia súc, thiệt hại lên đến nhiều tỷ đồng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn hai huyện Quế Phong và Kỳ Sơn (Nghệ An) đã xảy ra rét đậm, rét hại dù được thông báo, cảnh báo nhưng người dân chủ quan không kịp lùa trâu bò về nên đã xảy ra tình trạng chết hàng loạt. 

Rét đậm, rét hại thổi bay gần 1.000 con gia súc tại 2 huyện nghèo - 1

Bò chết rét tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.

Theo thống kê chưa đầy đủ của huyện Kỳ Sơn, huyện có trên 633 con trâu bò chết, còn tại Quế Phong cũng có trên 300 con trâu bò chết do giá rét. 

Chiều tối 24/2, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, trong những ngày qua do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, địa phương đã phải chứng kiến cảnh gia súc chết hàng loạt, trong đó có nhiều xã chết lên đến cả trăm con. 

Rét đậm, rét hại thổi bay gần 1.000 con gia súc tại 2 huyện nghèo - 2

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện Quế Phong có hơn 300 con trâu bò chết do rét đậm rét hại.

"Theo thống kê chưa đầy đủ, trong mấy ngày gần đây do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại đã làm thiệt hại đàn gia súc trên địa bàn huyện, trong đó chủ yếu là trâu và bò, số ít còn lại là dê. Năm nay do giá lạnh bất ngờ, người dân chủ quan nên mới xảy ra tình trạng gia súc chết hàng loạt như vậy. Đây là con số thống kê chưa đầy đủ, chắc chắn sẽ còn lớn hơn nhiều, bởi hiện nay người dân vẫn chưa tìm được số lượng trâu bò thả rông trong rừng", ông Thò Bá Rê cho biết. 

Cũng theo ông Thò Bá Rê, đây là trận rét đậm rét hại nhất trong hàng chục năm qua, làm thiệt hại nặng nề nhất cho đàn gia súc trên địa bàn. 

Rét đậm, rét hại thổi bay gần 1.000 con gia súc tại 2 huyện nghèo - 3

Đốt lửa sưởi ấm cho bò ở huyện Tương Dương.

"Hiện chúng tôi đang tiếp tục cắt cử cán bộ, thành lập đoàn xuống tận cơ sở phối hợp cùng chính quyền địa phương để kiểm tra lại và hướng dẫn cho đồng bào công tác phòng, chống rét đậm, rét hại cho đàn gia súc. Đồng thời, thống kê thiệt hại một cách chính xác, công bằng nhất. Hiện nay trên địa bàn huyện thời tiết nhiều nơi vẫn ở mức 7 độ C, có nơi 6 độ C…", ông Thò Bá Rê cho biết thêm.

Ông Thò Bá Rê lý giải thêm, sở dĩ đàn gia súc trên địa bàn chết nhiều là do thời tiết chuyển rét quá đột ngột, mặc dù đã được các cấp cảnh báo, nhưng người dân chủ quan: "Hàng chục năm qua, bà con trên vùng chúng tôi họ chỉ quan tâm giá lạnh nhất là vào tháng 11, tháng 12 và một phần đầu tháng 1 năm sau. Nhưng dịp này, thời tiết rơi vào cuối tháng 2, mặc dù đã được cảnh báo, nhưng không ngờ lạnh đột ngột và bà con chủ quan mới để xảy ra tình trạng gia súc chết nhiều", ông Thò Bá Rê nói.  

Rét đậm, rét hại thổi bay gần 1.000 con gia súc tại 2 huyện nghèo - 4

Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã có khoảng 633 con gia súc chết vì giá rét. Trong ảnh là người dân huyện Kỳ Sơn đốt lửa sưởi ấm cho đàn gia súc (Ảnh: Hữu Minh).

Huyện Kỳ Sơn hiện nay có 10.400 con trâu, bò hơn 40.000 con, đàn lợn hơn 25.000 con, dê 8.000 con, khoảng 160.000 con gia cầm. 

Ông Mùa Bá Giờ - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) cho biết, trên địa bàn xã có tổng 98 con trâu bò bị chết, trong đó có những hộ chết đến 4 con. 

"Trâu bò trên địa bàn người dân toàn thả rông trong rừng, khi phát hiện không khí lạnh xã cũng đã thông báo đến bà con, nhưng họ chủ quan nên mới xảy ra tình trạng chết nhiều như vậy. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập xã đến giờ mới có trận rét đậm rét hại làm trâu bò chết nhiều như thế này", ông Mùa Bá Giờ cho biết. 

Còn theo ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, trong những ngày qua, rét đậm, rét hại khiến gần 300 con trâu bò của bà con trên địa bàn bị chết. Hiện xã đang cử cán bộ trực tiếp đến từng nhà dân để kiểm tra tình hình trâu, bò chết do giá rét.

Rét đậm, rét hại thổi bay gần 1.000 con gia súc tại 2 huyện nghèo - 5

Ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong đi kiểm tra phòng chống rét đậm rét hại trâu bò tại các nhà dân trên địa bàn (Ảnh: H.V).

Ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cũng xác nhận thông tin nói trên và cho rằng có thể số trâu, bò chết trên thực tế còn nhiều hơn: "Hiện huyện đã và đang chỉ đạo các đoàn xuống tận xã phối hợp cùng địa phương, các bản để kiểm tra, đánh giá số lượng trâu bò chết một cách chính xác nhất".

Kỳ Sơn và Quế Phong là hai huyện nghèo của tỉnh Nghệ An có số lượng đàn gia súc chết nhiều nhất trong đợt rét đậm, rét hại mấy ngày qua. 

Rét đậm, rét hại thổi bay gần 1.000 con gia súc tại 2 huyện nghèo - 6

Người dân xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn lùa trâu từ rừng về nhà để đảm bảo an toàn tránh rét đậm, rét hại (Ảnh: CTV).

Trước tình hình giá lạnh nói trên, UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống đói, rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Chỉ đạo các Đoàn công tác tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, cơ sở để tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị đầy đủ vật tư, vaccine cho đợt tiêm phòng gia súc, gia cầm trong vụ Xuân; thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện khẩn về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn; các phòng, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn; ký cam kết các hộ chăn nuôi tuyệt đối không thả rông gia súc trong mùa Đông; những hộ chăn nuôi nào cố tình thả rông gia súc, không thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét nếu bị thiệt hại thì không hỗ trợ thiệt hại theo quy định của Nhà nước.

Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra cấp huyện, cấp xã xuống tận thôn bản, hộ dân để kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đặc biệt chú trọng các khu vực vùng núi, núi cao.