Rau sạch vườn nhà: Kỹ thuật trồng giá đỗ và rau mầm tại gia
(Dân trí) - Với các gia đình đô thị không sở hữu khuôn viên ngoài trời nhưng vẫn có nhu cầu tự trồng rau sạch tại nhà thì giá đỗ và rau mầm chính là hai lựa chọn sáng giá nhất bởi chúng có thời gian thu hoạch ngắn, kỹ thuật chăm sóc đơn giản và thậm chí có thể trồng mà không cần đến đất!
Theo kỹ sư Đặng Công Dự (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), giá đỗ và rau mầm có nhiều đặc tính tương tự nhau. Cả hai loại rau này trong quá trình phát triển từ lúc gieo hạt cho đến khi thu hoạch chỉ sử dụng các chất dinh dưỡng được tích lũy trong lá mầm. Vì vậy, trên thực tế, chúng ta không cần cung cấp bất kỳ loại phân bón nào cho rau. Thay vào đó, ta cần quan tâm đến các yếu tố khác như chất lượng hạt giống, độ ẩm, điều kiện chiếu sáng…
Kỹ thuật trồng rau mầm
Theo kỹ sư Đặng Công Dự, để có thể sản xuất rau mầm tại gia, các hộ gia đình cần chuẩn bị:
Hạt giống rau: Bởi vì cây rau mầm hầu như là chỉ sử dụng các chất dinh dưỡng được tích tụ sẵn ở trong hạt để phát triển, nên cần sử dụng loại hạt giống có chất lượng tốt. Lời khuyên cho các gia đình là hãy lựa chọn các sản phẩm hạt giống chuyên dành cho rau mầm (có kích thước lớn gấp đôi hạt giống thường.
Giá thể: Mục đích của giá thể trồng rau mầm là để giữ ẩm, đồng thời tạo ra chỗ bám cho cây nên có thể lựa chọn xơ dừa, trấu hun hay thậm chí là cát để trồng rau mà không cần bón thêm một chút dinh dưỡng nào.
Chậu trồng cây: Có thể tận dụng chậu cây cảnh, thùng xốp, khay trồng rau thông minh. Ngoài ra cần đảm bảo sự thoát nước của chậu để chống ngập úng dẫn đến chết cây.
Sau khi đã chuẩn bị đủ các nguyên, vật liệu cần thiết, ta tiến hành trồng rau mầm theo các bước sau:
Trước tiên, ta tiến hành ngâm hạt giống để kích thích nảy mầm. Nhiệt độ nước ngâm nên ở khoảng 45oC và thời gian ngâm là từ 1-2 tiếng. Tiếp theo, cho giá thể vào chậu. Chú ý, nhằm tránh lãng phí, ta chỉ cần cho một lớp giá thể có bề dày 3-5 cm. Bên cạnh đó, theo kỹ sư Dự, để rau có thể phát triển tốt, thân dài, xanh, cần đặt ở nơi có ánh sáng (có thể là ánh đèn điện hoặc ánh sáng tự nhiên nhưng không bị chiếu trực tiếp). Nếu trồng rau ở ngoài trời, cần có lưới đen chắn nắng. Tuy nhiên hàng ngày vẫn cần phải mở lưới 2-3 tiếng để cây quang hợp. Sau khi đã chuẩn bị xong chỗ trồng rau, ta tiến hành rải hạt đều tay lên bề mặt giá thể với mật độ được ghi trên bao bì hạt giống.
Tiếp theo, phủ một lớp giá thể khoảng 1 cm lên trên bề mặt hạt giống vừa gieo. Hàng ngày, cần tưới nước để duy trì độ ẩm cho giá thể. Khi dùng tay sờ vào bề mặt giá thể thấy ẩm ướt nhưng khi ấn tay xuống thì lại không thấy có lớp nước xăm xắp thì có nghĩa là giá thể đã đạt được độ ẩm hợp lý.
Sau thời gian chăm sóc khoảng 7-10 ngày khi quan sát thấy phần lá mầm to bằng hạt đỗ là ta đã có thể thu hoạch bằng cách dùng kéo cắt sát góc. Nếu muốn tiến hành trồng vụ tiếp theo, cần đổ bỏ lớp giá thể cũ vì trong đó có chứa phần rễ của cây đã thu hoạch sẽ rất dễ bị thối rữa gây bệnh cho lứa rau tiếp theo.
Kỹ thuật trồng giá đỗ
Theo kỹ sư Đặng Công Dự, trồng giá đỗ khác với rau mầm là ở chỗ ta không cần đến các loại giá thể để như xơ dừa, trấu hun, cát…Thay vào đó mọi người chỉ cần chuẩn bị một chỗ trồng sao cho hạn chế được tối đa ánh sáng lọt vào. Có thế, cây giá mới mập và trắng được. Những lựa chọn tối ưu và dễ kiếm nhất chính là xoong, nồi, hũ sành, sứ thường dùng để muối dưa.
Đỗ xanh sau khi mua về cần ngâm vào nước ấm (khoảng 40oC), các bạn có thể pha nước với tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh như kinh nghiệm dân gian. Vì hạt đỗ có lớp vỏ rất mỏng nên thời gian ngâm cũng ngắn hơn so với rau mầm, chỉ khoảng 30 phút- 1 tiếng là đủ.
Sau khi ngâm xong, rải đều hạt giá đỗ vào hũ chứa. Sau đó phun nước đều lên hạt đỗ đến khi trong hũ chứa xăm xắp nước. Nếu là người bận rộn thì ta có thể phủ một tấm khăn ướt lên toàn bộ bề mặt giá giúp giữ ẩm, hạn chế việc phải tưới nước thường xuyên.
Dùng một chiếc đĩa sứ phẳng đặt đè lên trên bề mặt hạt đỗ. Kỹ sư Dự cho biết, khi ta nén chặt hạt như vậy sẽ hạn chế được việc ra rễ, giúp cây giá thành phẩm thu được sẽ mập và chắc hơn. Đậy nắp hũ lại để đảm bảo ánh sáng mặt trời không lọt vào rồi đặt ở chỗ mát mẻ (trong phòng, gầm cầu thang…).
Sau một đêm, ta tiến hành đảo hạt đỗ (lúc này đã bật mầm) trong hũ nhằm đưa những hạt nằm ở vị trí ngoài thành hũ vào trung tâm và ngược lại. Lý giải cho công đoạn này, kỹ sư Dự nói: “Các hạt đỗ ở vùng ngoại vi có xu hướng mọc rễ rất nhanh làm giảm chất lượng giá. Vì vậy cần đưa chúng vào vị trí giữa để kìm hãm sự ra rễ. Ngoài ra, làm như vậy còn giúp lứa giá thành phẩm đạt được sự đồng đều”.
Bên cạnh việc đảo hạt đỗ, ta cũng tiến hành tưới nước bằng cách dùng bình xịt phun đều lên bề mặt. Việc tưới nước nên được thực hiện đều đặn hàng ngày. Đến ngày thứ 3 là ta đã có giá đỗ thành phẩm để thu hoạch. Với 1 lạng hạt giống, lượng giá thu được sẽ đủ để chế biến món ăn cho gia đình có 4 người trong vòng 2-3 ngày tùy theo nhu cầu sử dụng.
Minh Nhật