Bến Tre:
Quất kiểng hình “siêu độc” tất bật chuẩn bị ra chợ Tết
(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, gần đến Tết Nguyên đán là dân làng hoa Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) lại tất bật tạo dáng cây quất (tắc) thành hình con thú, hình tháp, búp hoa sen… độc đáo để cung ứng thị trường. Đây là sản phẩm “độc quyền” chỉ có ở “vương quốc” hoa kiểng Chợ Lách.
Những ngày đầu tháng chạp, nghệ nhân Lê Văn Tý (ngụ ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) tất bật “tạo dáng” quất thành hình con gà, con rồng, tháp… nhằm kịp giao hàng. Nghệ nhân Tý cho biết: “Để làm ra được kiểng quất hình con thú hay hình dáng theo yêu cầu của khách hàng phải chuẩn bị rất kỹ từ việc tìm nguồn nguyên liệu, tạo khung sắt rồi kết những cây quất thành hình theo ý muốn.
Thông thường, mỗi hộ dân làm kiểng hình phải có vườn quất lâu năm để tháng 2 chiết nhánh và trồng đến tháng 10 sẽ chuẩn bị đưa vào chậu để tạo hình. Để làm hình đẹp đòi hỏi phải có sự khéo léo, tỉ mỉ từng chi tiết sao cho quả quất chín vàng lộ ra bên ngoài và mô phỏng giống như hình con vật”.
Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm nay, cơ sở của nghệ nhân Tý đã xuất hàng 100 con gà bằng cây quất với giá từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/con (tùy lớn nhỏ) và khoảng 200 kiểng hình rồng, tháp, búp hoa sen cho khách hàng khắp các vùng từ Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, miền Trung cho đến miền Bắc... Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông Tý thu về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng nhờ trồng quất rồi ghép lại thành hình độc đáo theo yêu cầu của khách hành.
Hàng năm, nghệ nhân Nguyễn Văn Vị (ngụ xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) cũng thu nhập khá nhờ tạo dáng quất thành hình con vật. Nghệ nhân Vị cho biết: “Năm nào cầm tinh con gì thì tôi làm hình con đó để bán cho khách hàng có nhu cầu. Năm nay tôi làm 10 cặp kiểng hình gà và 1 cặp kiểng hình rồng với giá bán từ 6 đến 8 triệu đồng/cặp”.
Theo nghệ nhân Vị, giá bán kiểng quất hình thú hay những hình khác theo yêu cầu của khách hàng có chênh lệch là do nguyên liệu từ cây quất với số lượng nhiều hay ít. Nếu làm con gà nhỏ sẽ tốn 20 cây, gà lớn 30 cây, hình rồng hay tháp từ 30 đến 50 cây. Ngoài ra, nếu những hình tháp hay lục bình lớn sẽ tốn nhiều cây quất hơn và giá bán vì vậy cũng cao hơn.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: “Kiểng hình thú rất khó làm và đòi hỏi kỳ công nên ở địa phương không có nhiều nghệ nhân làm và giá trị luôn ở mức cao. Những cây kiểng độc đáo này ngoài việc góp phần làm phong phú của vườn kiểng tại địa phương, tính độc đáo của nó cũng giúp thương hiệu kiểng Chợ Lách ngày càng được nhiều người biết đến trong thị trường cả nước. Một số sản phẩm còn xuất sang nước ngoài…”.
Do khó làm, đòi hỏi kỹ thuật cao nên nhiều năm liền quất kiểng hình thú, hình tháp vẫn là sản phẩm “độc quyền” của làng hoa Chợ Lách (Bến Tre). Những sản phẩm độc đáo xuất hiện ở khắp các chợ Tết trong cả nước góp phần tăng thu nhập đáng kể cho nhà vườn.
Minh Giang