Quán ăn Hà Nội bị tố gài thiếu nữ rủ rê khách: Hiểm họa từ ứng dụng hẹn hò
(Dân trí) - Hai trong số các nạn nhân cho biết đều "mắc bẫy" cùng một công thức. Sau khi quen "bạn gái" thông qua ứng dụng hẹn hò trên mạng xã hội, họ được rủ đến quán ăn rồi mắc chiêu "dí bill" thanh toán.
Quán ăn "gài" các cô gái rủ khách tới để "chặt chém"?
Cuối tháng 6, một vài nam thanh niên ở Hà Nội đăng bài "tố" một quán ăn trên phố Tạ Hiện (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) "gài" các cô gái trẻ rủ khách tới để "chặt chém".
Hai trong số các nạn nhân tên T. và H. cho biết đều "mắc bẫy" cùng một công thức. Sau khi quen "bạn gái" thông qua ứng dụng hẹn hò trên mạng xã hội, họ được rủ đến quán ăn nêu trên.
Tại đây, những cô "bạn gái" sẽ gọi nhiều món trong thực đơn, điển hình như ốc hương nướng, hàu nướng, cua hấp, đĩa gà ủ muối, bia,… Hóa đơn lên đến 3,1 - 3,5 triệu đồng.
Đến lúc thanh toán, "bạn gái" nói có việc riêng, ra ngoài một lát rồi… mất hút, chặn liên lạc. Các "nạn nhân" sau đó mới tá hỏa nhận ra bị mắc chiêu "dí bill", ngậm ngùi chi trả khoản tiền "trên trời".
Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội xuất hiện "vấn nạn" này. Năm 2019, tại quán bar Magic Lounge trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), nữ quản lý đã dùng các nữ nhân viên trẻ đẹp, lên các trang mạng xã hội hẹn hò để làm quen, lôi kéo khách đến quán.
Theo kế hoạch, nếu nhận thấy khách là "người giàu có", nhân viên sẽ tìm cách đẩy thêm đồ ăn, hoa quả, rượu bia và bóng cười để ép thanh toán. Để gây sức ép, quán bar này cho lập đội bảo an gồm các nhân viên nam hoạt động như tổ bảo kê, sẵn sàng đánh đập khách nếu không trả tiền.
Các đối tượng bị Công an quận Đống Đa bắt, khởi tố điều tra về tội "cướp tài sản". Trong phiên tòa phúc thẩm chiều 17/5/2023, TAND TP Hà Nội tuyên y án các đối tượng từ 2 đến 7 năm tù.
Hiểm họa lừa đảo trên mạng xã hội
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, những ứng dụng hẹn hò, diễn đàn mạng xã hội luôn là "mảnh đất màu mỡ" cho các đối tượng lừa đảo.
Tại đây, chúng tìm kiếm các "con mồi", rồi thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư, trong vụ việc tại quán ăn trên phố Tạ Hiện, có hai vấn đề cần làm rõ: "Gài" người lôi khéo khách và "chặt chém".
Về vấn đề "chặt chém", hai nạn nhân cho biết giá hàu nướng mỡ hành là 60.000 đồng/con, gà hun khói 500.000 đồng/con, hai con cua hấp giá 1,1 triệu đồng, ốc hương nướng 350.000 đồng/đĩa.
Luật sư phân tích, theo nguyên tắc, các cá nhân, tổ chức kinh doanh có quyền tự định giá hàng hóa, dịch vụ tự sản xuất, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc "Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá".
Các tổ chức, cá nhân này có thể điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, song phải phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá.
Đồng thời, họ có nghĩa vụ phải niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết (căn cứ khoản 5 Điều 12 Luật giá 2012).
"Sau quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng xác minh quán ăn này có hành vi "gài" khách để chặt chém, thì có thể xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý giá", luật sư Trần Xuân Tiền cho hay.
Cụ thể, chủ quán có thể bị xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng về hành vi "chặt chém" (bán giá cao hơn niêm yết) theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2016/NĐ-CP).
Trong trường hợp quán ăn không niêm yết hoặc niêm yết giá dịch vụ không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng, thì chủ quán có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2016/NĐ-CP).
Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng xác minh quán ăn có hành vi "gài" người lôi kéo khách, thì tùy theo tính chất, mức độ, chủ quán có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh cụ thể.
Sau vụ việc, luật sư khuyến cáo người dân, nhất là giới trẻ, nên cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội, các ứng dụng hẹn hò, không nên quá tin tưởng những thông tin mà người lạ cung cấp về lai lịch, nhân thân…
"Người dùng mạng cũng cần tỉnh táo trước những yêu cầu, đề nghị liên quan đến tài sản như vay tiền, chuyển tiền để thực hiện thay các thủ tục như du học nước ngoài, xuất khẩu lao động…", ông Tiền nói.
Để phòng ngừa hiệu quả tội phạm lừa đảo thông qua hình thức kết bạn, hẹn hò trực tuyến trên không gian mạng, luật sư Trần Xuân Tiền kêu gọi sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Bên cạnh công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi lừa đảo, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về những hành vi lừa đảo qua mạng, giúp người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác.