Quái chiêu tinh vi của các siêu lừa gắn mác kiều nữ, thiếu gia

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Theo PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn, các siêu lừa luôn sử dụng chiêu "thả con săn sắt, bắt con cá rô". Chúng tạo vỏ bọc hào nhoáng, xuất thân danh giá, đưa ra những miếng mồi béo bở để nâng cao uy tín bản thân.

Những kẻ túi rỗng tuếch ở nhà siêu đẹp, đi xe siêu sang

Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn vô cùng tinh vi. Nạn nhân sập bẫy với số tiền lớn hàng trăm tỷ đồng.

Để có thể lấy được tiền từ trong ví của những người giàu, các đối tượng thường tìm cách tạo cho mình vỏ bọc là các kiều nữ, quý bà, đại gia có xuất thân danh giá, sở hữu nhiều nhà lầu, siêu xe, chuyên sử dụng những dịch vụ đắt tiền, sang chảnh.

Trao đổi với PV Dân trí, PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, phương thức, thủ đoạn lừa đảo này mới xuất hiện và nở rộ trong mấy năm gần đây.

Lý giải về nguyên nhân xuất hiện ngày càng nhiều các "siêu lừa đảo" tiền tỷ, PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, sự phát triển của nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa về kinh tế giúp đất nước phát triển.

Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển là tình trạng toàn cầu hóa tội phạm.

Những thủ đoạn mới của tội phạm quốc tế theo đó du nhập vào Việt Nam khiến cho hành vi, phương thức của tội phạm trong nước ngày càng tinh vi, xảo quyệt và gây hậu qua lớn. Bên cạnh đó, độ phủ sóng ngày một rộng rãi của internet đã tạo ra những mảnh đất màu mỡ để tội phạm lợi dụng.  

Trước đây, khi lừa đảo, các đối tượng phải gặp gỡ trực tiếp, đưa ra những thông tin, những câu chuyện ngay từ đầu đã giả dối để cho nạn nhân chuyển tiền, tài sản cho đối tượng một cách ngay thẳng, hợp pháp. Sau đó, những kẻ gian sẽ chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản này.

Ngày nay, kẻ gian đã biết cách kết hợp các chiêu trò cũ với mạng xã hội để tạo ra những câu chuyện lung linh tác động vào nhận thức, tâm lý của nạn nhân.

Để lừa đảo thành công, các đối tượng dù là những kẻ túi rỗng tuếch nhưng sẽ khiến các nạn nhân tin mình bằng cách đưa ra những thông tin, hình ảnh, thông điệp không có thực.

"Những siêu lừa tiền tỷ khoác lên mình vỏ bọc của những người giàu có, đi xe siêu sang, ở nhà siêu đẹp, quen biết rộng, có quan hệ thân thiết với những người có chức có quyền, luôn đầu tư làm ăn lớn. Khi thì chúng lại gợi chuyện mình đang cần vốn đầu tư vào một thương vụ có lợi nhuận cao…

Thực tế, các đối tượng có thể dùng hình ảnh cắt ghép để đăng tải lên mạng xã hội làm lóa mắt người khác. Khi đi gặp mặt, giao dịch, chúng thuê xe, thuê nhà, làm giả giấy tờ và nói rằng những tài sản đắt tiền đó là của mình. Sự kết hợp này khiến các nạn nhân bị ám thị và dễ dàng bị dẫn dắt, đặt lòng tin nhầm chỗ", PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn nhấn mạnh.

Quái chiêu tinh vi của các siêu lừa gắn mác kiều nữ, thiếu gia  - 1

Vụ việc một cô gái tên N.T.V.A. (27 tuổi, quê ở Bắc Giang) bị tố cáo có hành vi lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt số tiền lớn, với những màn kịch tinh vi, dù chưa rõ thực hư nhưng đã gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Thế nào là "thao túng tâm lý"?

Vị chuyên gia này cũng chỉ rõ chiêu thức lừa đảo mà các siêu lừa thường sử dụng. Cụ thể, các đối tượng sẽ đánh vào lòng tham, tính vụ lợi và sự thiếu hiểu biết về luật pháp và xã hội của nạn nhân. Các siêu lừa cũng luôn sử dụng chiêu "thả con săn sắt, bắt con cá rô".

Chúng đưa ra những miếng mồi béo bở để nâng cao uy tín của bản thân. Ban đầu, khi rủ đầu tư, chúng sẵn sàng ăn chia sòng phẳng. Khi vay tiền, chúng trả lãi suất rất cao để nạn nhân tin rằng mình đang đầu tư đúng chỗ và tiền đang dễ dàng "đẻ" ra tiền. Tuy nhiên, khi nạn nhân giao nộp số tiền lớn, tài sản lớn thì chúng sẽ chiếm đoạt và biến mất.

"Xã hội ngày nay có rất nhiều người giàu có bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều người có tiền nhưng không hiểu biết về pháp luật. Có những người là tri thức nhưng kỹ năng phân tích hạn chế, không nắm rõ các quy định về đầu tư, kinh doanh.

Nhiều người thấy lợi nhuận, lãi suất cao còn huy động tiền của người thân hoặc đi vay để giao nộp cho kẻ lừa đảo. Từ mình là nạn nhân mà biến bạn bè, người thân thành nạn nhân.

Chính vì vậy, nhiều người sau khi bị mất tiền bạc thì ảnh hưởng về tâm lý, xáo trộn về gia đình, thậm chí có người trầm cảm, tự tử hoặc dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật…", PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn chia sẻ.

Lý giải về cụm từ "thao túng tâm lý" gần đây nhiều người sử dụng khi nói về các vụ lừa đảo, PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn cho biết, đó thực chất là cách nói dùng để chỉ các chiêu thức tác động về mặt tâm lý, nhận thức, tinh thần để nạn nhân không đủ tỉnh táo, mắc bẫy. Việc khoe mẽ giàu sang, tạo vỏ bọc danh giá là một dạng như vậy.

Theo PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn, để ngăn chặn các phi vụ lừa đảo, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thì bản thân mỗi người cần nâng cao hiểu biết về pháp luật và kiến thức xã hội.

Quái chiêu tinh vi của các siêu lừa gắn mác kiều nữ, thiếu gia  - 2

Âu Thị Thanh Hằng tạo vỏ bọc là một doanh nhân bất động sản, có cuộc sống sang chảnh trên mạng xã hội. (Ảnh: Công an Nghệ An).

Ông nhấn mạnh: "Vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở mỗi cá nhân. Cần có sự tỉnh táo, đừng tự biến mình thành những nạn nhân tự nguyện. Sẽ không có chuyện "việc nhẹ, lương cao", kinh doanh lành mạnh mà có được những lãi suất cao đến mức phi lý".

Theo chuyên gia này, nếu hiểu biết về luật pháp, kiến thức xã hội thì các nạn nhân sẽ phát hiện được yếu tố bất thường về lợi nhuận, tỷ lệ ăn chia trong kinh doanh mà các đối tượng nêu ra. Họ cũng nắm rõ những chiếc "bánh vẽ" mà các đối tượng lừa đảo đưa ra bất hợp lý và nằm ngoài quy định của pháp luật, Nhà nước… Nếu không có đủ sự hiểu biết nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia tài chính, luật sư hoặc những người có chuyên môn.

Những "mỹ nhân" Việt ngụy tạo vỏ bọc giàu sang để lừa đảo gây chấn động   

Giữa tháng 5/2022, nhiều người quen của Âu Thanh Hằng (SN 1996, trú phường Vinh Tân, thành phố Vinh, Nghệ An) bàng hoàng khi nghe tin "kiều nữ" này bị Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An tạm giữ để làm rõ hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, Hằng được biết đến là một kiều nữ ăn chơi, sành điệu. Dù thất nghiệp nhưng cô ta "nổ" bản thân là một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản. Hằng thường xuyên đăng tải các hình ảnh ăn chơi tại các địa điểm sang trọng, đi xe sang, ở chung cư cao cấp.

Bằng vỏ bọc hotgirl thành đạt, trong thời điểm sốt đất cao trào, Hằng kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn để mở rộng kinh doanh từ đó lừa đảo chiếm đoạt 8 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1986, trú tại phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) cũng từng được biết đến là một người thành đạt khi sở hữu nhiều ô tô, căn hộ hạng sang, nhà đất...

Thế nhưng, sau khi Trang bị công an bắt, nhiều người mới hay, tất cả những thứ đó chỉ là vỏ bọc gian dối để nữ quái này thực hiện hành vi lừa đảo tổng số tiền hơn 160 tỷ đồng. Với vỏ bọc giàu có, Nguyễn Thị Thùy Trang còn vay tiền của 3 người gần chục tỷ đồng nhưng không trả.

Gần đây nhất, dư luận cũng đang tập trung sự chú ý vào cô gái tên V. A (27 tuổi, quê huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Theo tố cáo của người phụ nữ tên L. (ở TPHCM), V.A đã tiếp cận gia đình chị với vẻ ngoài giàu sang, hào nhoáng để hẹn hò, qua lại với em chồng chị từ đó lừa đảo, chiếm đoạt 17 tỷ đồng.

Người tố cáo cho rằng, V.A. đã thuê biệt thự, căn hộ hạng sang, thuê xế hộp sang trọng ở để "làm màu", thuê người đóng giả bố giàu sang, thuê người tham gia dự tiệc cưới, thuê người đóng giả nhân viên công chứng để giao dịch bất động sản...