Phụ nữ nông thôn Trung Quốc rửa bát bằng cám lợn, dư luận bùng tranh cãi
(Dân trí) - Đoạn video chia sẻ cảnh người phụ nữ đến từ Quý Châu, Trung Quốc, rửa bát đĩa bằng cám lợn, gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận nước này.
Đoạn video được một phụ nữ họ Nhâm đến từ Quý Châu, một tỉnh nằm ở phía tây nam Trung Quốc, chia sẻ cách rửa bát đĩa bằng cám lợn, đang thu hút sự chú ý.
Sau khi đăng tải trên Weibo, video nhanh chóng thu hút 5,5 triệu lượt xem và hơn 2.700 bình luận, với nhiều tranh luận trái chiều.
Theo cô Nhâm, phương pháp rửa bát đĩa bằng cám lợn vốn là cách truyền thống được người dân địa phương quen dùng. Cách làm này giúp chén bát sạch sẽ hơn, thân thiện với môi trường chứ không cần dùng các loại nước tẩy rửa thường được quảng cáo.
Hình ảnh trong đoạn video cho thấy người phụ nữ rửa bát đĩa trong một chậu lớn chứa thứ nước màu nâu đục ngầu, nổi lên nhiều loại thức ăn thừa và các thành phần khó xác định là thứ gì. Vừa rửa, người này vừa lý giải cách rửa bát truyền thống của địa phương dựa trên phong tục có từ nhiều đời nay. Sau đó, cô lấy bát đĩa trong chậu, cho vào thùng nước sạch, rửa tráng lại dưới nước.
Tuy nhiên, ở đoạn cuối video, cô Nhâm cho biết không thường xuyên rửa kiểu này.
Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội của Trung Quốc đã "nổ ra" cuộc tranh luận "nảy lửa". "Tôi biết một số vùng nông thôn Trung Quốc còn dùng trấu để rửa bát. Nó thân thiện với môi trường hơn các chất tẩy rửa, đồng thời tiết kiệm nước vì không phải xả quá nhiều như cách chúng ta rửa hàng ngày", một tài khoản Weibo bình luận.
Tuy nhiên phần đông ý kiến cho rằng, họ "thấy khó chịu trước cách làm mất vệ sinh" như vậy. "Nhìn chậu nước quá ghê khiến tôi thấy buồn nôn", SCMP trích dẫn lại lời nhận xét của một cư dân mạng bên dưới đoạn video.
Được biết, so với các tỉnh thành khác tại Trung Quốc, Quý Châu được đánh giá là tỉnh khá nghèo với nền kinh tế chưa phát triển. Bù lại, tỉnh này rất giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa lâu đời. Hiện 37% dân số của tỉnh là người dân tộc thiểu số như người Miêu và người Dao.