Phóng sinh đầu năm mới: Bắt rồi lại thả có khác gì sát sinh?
(Dân trí) - Hành động phóng sinh thể hiện sự nhân từ, cái tâm từ bi của con người. Tuy nhiên ngày nay việc làm này đang bị hiểu sai làm mất đi những ý nghĩa tốt đẹp…
Tục lệ phóng sinh là một nét đẹp văn hóa đã có từ lâu đời của người Việt, nó thể hiện tấm lòng từ bi, nhân ái của con người nhằm cứu vớt các loài vật khỏi bị giết hại hay giam nhốt, thả chúng về với tự nhiên. Phóng sinh thường được hiểu đơn giản là khi gặp một con vật bị nạn thì ra tay cứu thoát.
Đặc biệt, vào các dịp Tết, mùng 1 hay ngày rằm, người dân thường hay mua các con vật để thực hiện việc phóng sinh, cầu mong năm mới, tháng mới gặp nhiều may mắn, tốt lành.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của tục lệ này. Tại nhiều ngôi chùa xảy ra tình trạng, chim phóng sinh bị cắt cụt cánh, làm cho yếu đi rồi đem bán cho khách làm lễ hay người dân thả phóng sinh ồ ạt rùa tai đỏ gây ra những hậu quả xấu về môi trường.
Trao đổi với PV Dân trí, GS Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, việc phóng sinh nếu không hiểu về bản chất và cách làm rất dễ tạo nên sự sai lệch và không có ý nghĩa hiện thực.
“Ngày nay, nhiều người thực hiện việc phóng sinh một cách vô lối, hình thức gây ra những hệ lụy khác nhau. Ví dụ, khi thả cá xuống nước, họ vứt cả rác, túi bóng xuống ao hồ… như vậy vô hình chung đã làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng, tốt đẹp của tục lệ này. Bởi phóng sinh là đem đến sự sống mới chứ không phải là gieo rắc mầm mống tai họa, sự chết chóc hay ô nhiễm môi trường”, GS Trần Lầm Biền nói.
Chuyên gia này cũng phân tích, ngày nay nhiều người còn đem phóng sinh các loài rắn độc, rùa tai đỏ, ốc bươu vàng… những loài có khả năng sinh sản nhanh, làm phá hủy môi trường nước, đe dọa đến sự sống của các loài sinh vật khác. Đáng buồn hơn, có hiện tượng rất nhiều người đi bắt những con vật đang tự do, bắt xong lại bán cho những người phóng sinh.
Điều này khiến những con chim trời đang được tự do ca hát, những con cá đang bơi lội dưới nước trở thành những kẻ nô lệ. Vòng luẩn quẩn “bắt lại rồi thả” khiến những con vật tội nghiệp “chết dần, chết mòn”. Đây là sự “tàn ác” chứ không phải điều tốt.
“Người đi bắt tàn ác một, thì kẻ phóng sinh tàn ác mười. Phóng sinh tức là mình nhìn thấy các loài vật bị giam giữ, gặp nạn hay có nguy cơ đe dọa tính mạng thì phát tâm từ bi, dang tay giúp đỡ, phóng thích, cứu lấy mạng sống. Còn việc, con chim đang bay, con cá đang bơi dưới nước mình mua về để phóng sinh thì không phải là làm phước, ban ơn”, GS Biền nói.
Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi: “Trước khi bỏ tiền mua con vật về phóng sinh, họ có dám thả tự do những con chim mình đang nuôi nhốt trong lồng hay không? Nếu không làm được điều đó, thì có mua hàng trăm con cá, hàng trăm con chim rồi thả ra môi trường cũng chỉ là vô ích”.
Theo GS Trần Lâm Biền, việc phóng sinh không nên làm một cách hình thức, vô lối mà nên làm một cách tùy duyên, ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Đơn cử, khi gặp một con vật bị nạn hãy ra tay cứu thoát. Việc cứu chúng trong thời điểm này mới thực sự có ý nghĩa và mang đúng tinh thần của phóng sinh.
Ngoài ra, khi thực hiện việc phóng sinh phải xuất phát từ cái tâm thiện nguyện, không được kỳ vọng “cái cho đi, cái nhận lại”. Bởi phóng sinh là sự tự nguyện nếu mưu cầu báo đáp, mong muốn đổi lại tài lộc thì hành động này sẽ mất hết ý nghĩa tốt đẹp vốn có.
Hiệp Nguyễn