Phía sau video cảnh sách vở học sinh phơi đầy đường cho khô ở Yên Bái
(Dân trí) - Chủ trương của tỉnh Yên Bái sẽ trích từ nguồn ngân sách, mua hoàn toàn sách giáo khoa, dụng cụ học tập mới cho học sinh.
Trong những ngày qua, đoạn video ghi lại khoảnh khắc hàng nghìn cuốn sách giáo khoa của học sinh được phơi dọc theo hai bên đường, nhận được lượng tương tác lớn.
"Đây là cảnh sách vở của các cháu học sinh bị ngập nước và phơi la liệt trên đường ở bên ngoài cổng trường xã Đào Thịnh. Năm học mới đã bắt đầu, nhưng sách vở của học sinh đều bị ướt hết nên phải phơi nắng cho khô xem có khắc phục được phần nào hay không", người trong video chia sẻ.
Nhìn hình ảnh trong video, hai bên đường gần như được phủ kín bởi sách vở khiến người xem không khỏi xót xa.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, thầy Nguyễn Tuấn Dũng, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học & THCS Đào Thịnh, cho biết, từ ngày 16/9, khoảng 98% học sinh đã tới trường học tập bình thường.
Chủ trương của tỉnh Yên Bái sẽ trích từ nguồn ngân sách, mua hoàn toàn sách giáo khoa, dụng cụ học tập mới cho học sinh. Đến nay các em tại trường Tiểu học & THCS Đào Thịnh đã có đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập.
Cũng theo thầy Dũng, trước đó, các mạnh thường quân từ Hà Nội đã chủ động liên hệ với nhà trường, xin danh mục loại sách giáo khoa học sinh tại trường đang sử dụng để quyên góp các đầu sách cho phù hợp.
Hình ảnh phơi sách vở ngoài cổng trường được đăng tải trên mạng xã hội là của gia đình chị Khoa Thị Hoa (một hộ dân ở Thôn 1, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên), làm nghề thu mua giấy vụn, nhà ở gần trường, do nhà kho của gia đình đã bị ngập nên sau khi nước rút gia đình đã mang giấy thu mua ra phơi ở gần cổng trường từ ngày 15/9, thời điểm học sinh của trường chưa tập trung học trở lại.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện UBND xã Đào Thịnh cho biết, địa phương có 2 điểm trường gồm trường mầm non và trường Tiểu học & THCS Đào Thịnh.
"Đối với học sinh bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhà trường đã có các biện pháp hỗ trợ như: Huy động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân hỗ trợ sách giáo khoa, gần 4.000 quyển vở cấp trung học cơ sở, 2.000 quyển vở cấp tiểu học, ba lô, bút, thước kẻ... 100% học sinh của trường đã có đủ sách, vở và đồ dùng học tập", vị đại diện này nói.
Ở thời điểm hiện tại, cơ bản nước lũ đã rút khỏi 7 thôn trong xã, còn 2 thôn vẫn đang ngập úng nước và bùn. Thậm chí, lớp bùn lầy ngập tới mắt cá chân.
UBND xã đã chỉ đạo điều phối, dùng máy xúc múc bùn tạo ra lối đi cho người dân. Các cơ quan tại địa phương chưa thể hoạt động bình thường vì đang tập trung ưu tiên lo ổn định cho cuộc sống của bà con.
Nhờ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trên cả nước, trước mắt mỗi khẩu trong xã nhận được 5kg gạo có thể duy trì được trong một tháng.
"Hiện rất nhiều cát non xâm lấn đồng ruộng khiến việc trồng cấy rất khó khăn. Ngoài nhu yếu phẩm, bà con địa phương rất cần hạt giống như lúa giống, ngô giống, rau hoa màu giống và phân bón để sớm tái thiết phục hồi cuộc sống", vị đại diện này nói.
Ngày 11/9, khi nước vừa rút, người dân nơi đây phải sống trong cảnh thiếu nước sạch nghiêm trọng và phải đối diện với những khó khăn về lương thực, thực phẩm và các đồ nhu yếu phẩm thiết yếu.
Ngay sau khi báo Dân trí tiếp nhận thông tin về những thiệt hại tại địa phương, sáng 12/9 đoàn phóng viên báo đã nhanh chóng xuất phát từ Hà Nội đến xã Báo Đáp và Đào Thịnh, mang theo 6 tấn gạo, 5 tấn hàng nhu yếu phẩm gồm mì tôm, xúc xích, lương khô, nước lọc, bánh chưng, ủng bảo hộ, đèn pin, bỉm, sữa, thuốc y tế.
Đoàn phóng viên của Dân trí đã thay mặt nhà hảo tâm kịp thời trao tận tay cho người dân ở "vùng rốn lũ".