Phát triển sản phẩm OCOP ở Quảng Yên: Còn nhiều khó khăn, hạn chế

Cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, từ năm 2013 đến nay, TX Quảng Yên đã tích cực tham gia Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Từ chương trình này, nhiều nông sản của thị xã đã có thương hiệu được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Tuy nhiên, để giữ vững uy tín và phát huy giá trị của thương hiệu đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn của chính quyền, doanh nghiệp và người sản xuất.

Phát triển sản phẩm OCOP ở Quảng Yên: Còn nhiều khó khăn, hạn chế - 1

Cán bộ Sở KH&CN kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sử dụng mẫu bao bì, nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hoá, mã số, mã vạch các sản phẩm tham gia Chương tình OCOP của TX Quảng Yên.

CÁC SẢN PHẨM OCOP CỦA TX QUẢNG YÊN

Thuyền nan Nam Hòa, bánh gio Hà Nam, nem chua Quảng Yên, hà sú Hoàng Tân, trứng gà Tân An, rau mầm Song Hành, cao thiên môn, gạo chất lượng cao, mật ong Hoàng Tân, tranh bột điệp và vịt trời Sông Khoai.

Nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, thời gian qua, UBND thị xã hoàn thành đầu tư Trung tâm OCOP Quảng Yên. Trung tâm nằm ở vị trí thuận lợi, trong phạm vi chợ Rừng, phường Quảng Yên, có diện tích gần 100m2. Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm là địa chỉ tin cậy cung cấp cho người dân trên địa bàn những sản phẩm OCOP của thị xã, cũng như các địa phương khác. Ban Điều hành OCOP thị xã phối hợp hỗ trợ các cơ sở SXKD, HTX, doanh nghiệp tham gia trưng bày các sản phẩm tại các hội chợ lớn của tỉnh: Lễ hội Hoa Anh Đào; Mỗi xã, phường một sản phẩm; Hội chợ Thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung..., cũng như hỗ trợ tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài nước. Thông qua các hoạt động này, các cơ sở SXKD, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác, mở rộng quan hệ giao thương, thúc đẩy SXKD phát triển.

Cùng với đó, Ban Điều hành OCOP thị xã đã hướng dẫn các cơ sở SXKD, HTX, doanh nghiệp tranh thủ tối đa chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 19 dự án phát triển sản phẩm OCOP đã được hỗ trợ, với mức đầu tư gần 160 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở SXKD còn được cung cấp những kiến thức về pháp luật, kỹ năng giao tiếp, văn hoá, văn minh thương mại, thương mại điện tử, sản xuất an toàn... Đặc biệt là được tham quan, học tập các mô hình sản xuất; trao đổi, học tập kinh nghiệm gắn kết giao thương, tìm kiếm đối tác để xúc tiến các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp nông thôn của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP Quảng Yên vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trưởng Phòng Kinh tế TX Quảng Yên Vũ Ngọc Hùng cho biết: Nhằm tạo cơ hội phát triển các sản phẩm truyền thống cho người dân, chúng tôi rất tích cực lựa chọn, phát triển các sản phẩm OCOP. So với các địa phương khác trong tỉnh, Quảng Yên là một trong những địa phương có khá nhiều sản phẩm OCOP. Mặc dù vậy, trong quá trình phát triển sản phẩm cho thấy năng lực sản xuất, quản trị kinh doanh của hầu hết các cơ sở SXKD, HTX, doanh nghiệp đều hạn chế. Chính vì vậy, quy mô sản xuất hàng hoá theo hướng tập trung rất khó khăn. Các sản phẩm nem chua Quảng Yên, bánh gio Hà Nam, gạo chất lượng cao, hà sú Hoàng Tân, cao thiên môn là những sản phẩm đặc trưng, truyền thống của thị xã có tiềm năng phát triển, đã được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể và nhiều hỗ trợ khác. Nhưng cho đến nay, các sản phẩm này vẫn chưa tìm được cơ sở SXKD, HTX, doanh nghiệp có đủ quyết tâm, năng lực thực hiện.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Khổng Ngọc Thành, phố Trần Khánh Dư, phường Quảng Yên, cho hay: “Gia đình tôi đã có 5 đời làm nem chua, thị trường tiêu thụ cũng ổn định. Mỗi ngày gia đình bán khoảng 1.500-2.000 quả nem chua. Khi được mời tham gia Chương trình OCOP của thị xã, cơ sở sản xuất của gia đình chưa có thay đổi về sản lượng, doanh thu, cũng như chưa tìm được thị trường mới, đồng thời không thấy được trách nhiệm đảm bảo và phát triển sản phẩm của các cơ quan chức năng”. Còn với ông Vũ Đức Hồi, thôn 16, xã Hiệp Hoà, TX Quảng Yên đã được thị xã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu “Cao thiên môn Hồng Hồi”, nhưng đến nay chỉ khi nào sản phẩm mang đi trưng bày, giới thiệu thì ông Hồi mới sản xuất. Bởi theo ông, đầu ra của sản phẩm cao thiên môn chưa ổn định, nên gia đình không dám sản xuất nhiều.

Hy vọng rằng, TX Quảng Yên tiếp tục nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế; lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, HTX, cơ sở SXKD để các sản phẩm OCOP của thị xã vươn xa hơn trong thời gian tới.

Theo Nguyễn Hoa

Báo Quảng Ninh