Phận người "sống mòn" trong những căn nhà quan tài ở Hong Kong
(Dân trí) - Đằng sau những "nhà quan tài" là biết bao phận người nghèo khổ giữa Hong Kong (Trung Quốc) hoa lệ và giàu có.
Yeung, 70 tuổi là người đàn ông sống ở Hong Kong, Trung Quốc. Giữa thành phố có giá cả đắt đỏ bậc nhất thế giới với nhiều đại gia và tỷ phú nhưng người đàn ông này lại sống trong một không gian được gọi là "nhà quan tài". "Nhà quan tài" là kiểu căn hộ được chia nhỏ thành các giường tầng rồi cho thuê, mỗi giường là một người ở.
Người đàn ông này cho biết, thà sống trong căn nhà "quan tài" còn hơn là sống trong căn hộ chung cư có diện tích lớn hơn vì "ít nhất tôi có người để nói chuyện".
Lời trần tình xót xa của ông Yeung đã thu hút sự chú ý của mọi người sau khi Gingko House - một đơn vị hỗ trợ việc làm cho người già đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội.
Địa điểm ông Yeung sống là một căn hộ được chia thành các giường tầng, nhỏ, hẹp nằm tại quận Tai Kok Tsui hơn 1 thập kỷ qua. Những ngôi nhà kiểu này được biết đến là nơi ở của nhiều người nghèo khổ nhất Hong Kong. Họ không thể có đủ tiền để mua bất động sản với giá "trên trời" ở thành phố này.
Mặc dù, Hong Kong có chính sách cấp nhà ở xã hội nhưng cụ ông Yeung từ chối nộp đơn, do không muốn sống một mình.
Được biết, hoàn cảnh của ông rất éo le, cả em trai và mẹ đều đã qua đời. Đến nay, ông chỉ còn một thân một mình, không có vợ con nên niềm vui tuổi già là có người trò chuyện. Nếu sống trong căn hộ chung cư một mình, sẽ chẳng có ai bầu bạn, cuộc sống càng hiu quạnh ở tuổi "xế chiều".
Hoàn cảnh của Yeung khó khăn đến nỗi, không có đủ tiền lo đám tang cho mẹ và em trai. Đối diện với nỗi mất mát và nghèo khổ, ông chưa quên được khoảnh khắc đứng bật khóc trên phố. "Tôi không biết sao mình trở nên như thế này nữa", Yeng chia sẻ.
Câu chuyện đáng thương của ông Yeung đã hút 2000 lượt bình luận trên mạng. Thông qua câu chuyện này, tổ chức Gingko House mong muốn mọi người thấu hiểu hoàn cảnh của những người xung quanh chúng ta như ông Yeung.
"Cô đơn là vấn đề lớn với người già sống một mình, đó là lý do các tình nguyện viên phải đến thăm, nói chuyện và đi siêu thị cùng họ", một người chia sẻ.
"Tôi hy vọng nhiều công ty có thể cung cấp việc làm cho người già và giúp họ sống tự tin và thoải mái" một người khác nói.
Nỗi khổ đằng sau những "nhà quan tài"
Nhà quan tài có thể xa lạ với nhiều người nhưng tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) không ai là không biết. Nhiều người có tài chính eo hẹp phải chấp nhận thuê những "nhà quan tài" chật chội với giá từ 1.800 đô la Hong Kong - 2.500 đô la Hong Kong (5,4 triệu đồng - 7,5 triệu đồng).
Theo The Guardian, đến nay, Hong Kong vẫn là thị trường nhà đất đắt đỏ bậc nhất thế giới. Một người ở đặc khu hành chính này sẽ phải tiết kiệm hơn 18 năm tiền lương và không tiêu pha gì mới đủ mua được một căn hộ ở đây.
Phóng viên Benjamin Hass của The Guardian từng thâm nhập vào bên trong cuộc sống của cư dân thuê "nhà quan tài" tại khu nhà Lucky House. Cái tên Lucky - may mắn trong tiếng Anh nghe thật mỹ miều, nhưng đây lại là nơi sống của những người nghèo nhất thành phố.
Tại một căn hộ rộng 46m2, có 30 người sống trong những giường tầng được ngăn cách nhau bằng ván ép. Mỗi giường có một cửa riêng. Bên trong căn hộ có 2 hàng giường tầng, mỗi hàng với 16 giường.
Cư dân ở đây là những người lao động nghèo, nhân viên đã nghỉ hưu hay người mắc bệnh tâm thần... Hầu hết họ không thể thuê hay mua nhà với giá bất động sản của Hong Kong.
Nơi ở của mỗi người trông như giường nằm trên tàu hỏa, nhưng không gian chật chội và khó chịu, không hề có khung cảnh lãng mạn nào như khi đi tàu. Trong 1 tuần, phóng viên này sống tại Lucky House và ở trên chiếc giường chật chội, suốt ngày nằm dài mà chẳng có việc gì làm ngoài tán gẫu với những người bên cạnh hoặc dán mắt vào điện thoại hay đi ngủ "giết" thời gian.
Ban đêm, Benjamin nghe đủ mọi âm thanh từ những cú đấm hay đá phát ra từ bộ phim võ thuật của người bên cạnh đang xem tivi, tiếng động phát ra khi ăn cơm với thịt nướng, cuộc cãi cọ xem ai là người dùng phòng tắm tiếp theo và tất nhiên cả tiếng ngáy phát ra từ "nhà quan tài".
Sáng hôm sau, đồng hồ báo thức báo hiệu 5h30 sáng, nhưng dường như Benjamin Hass không có khái niệm về thời gian. Bất kể thời gian nào trong ngày cũng không có ánh sáng chiếu vào phòng.
Muốn được nhìn thấy ánh sáng, Benjamin Hass phải ra khỏi giường và lại gần chiếc cửa sổ duy nhất của căn hộ.