Nghệ An:

Ông “vua” đất dứa kể chuyện làm giàu

(Dân trí) - Nhiều năm nay, người dân ở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã biết đến ông Lê Đăng Tiến, một cựu binh “chân đất” vươn lên trồng dứa thu về bạc tỷ mỗi năm.

Công nhân của ông Tiến đang thu hoạch dứa trên đồng (Ảnh: Như Sương)
Công nhân của ông Tiến đang thu hoạch dứa trên đồng (Ảnh: Như Sương)

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn nhân giống, truyền dạy kỹ thuật chăm sóc cho bà con các nơi khác. Đồng thời, ông cũng “kiêm” luôn cả đầu ra cho cây dứa giúp bà con trong xã yên tâm sản xuất.

Đất không phụ công người

Theo lời chỉ dẫn của những người trồng dứa trong vùng, chúng tôi tìm về khu đồng dứa của gia đình ông Tiến trong một ngày đầu vụ thu hoạch. Nằm trải dài trên cả sườn đồi thoải rộng hàng chục héc ta, những quả dứa mắt căng tròn nằm ngổn ngang, đợi ngày rộ vàng. Phía xa, từng đám công nhân thoăn thoắt bê những sọt dứa lên xe tải. Mùi thơm ngọt dịu hòa lẫn trong cơn gió chiều từ khu đập nước thổi về mát lịm.

Theo lời kể của những người trồng dứa trong vùng, gia đình ông Tiến là một trong những hộ có diện tích đất trồng dứa lớn nhất nhì ở xã Tân Thắng. Và được mệnh danh là ông “vua” đất dứa với mức thu nhập từ loại cây trồng này lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Hơn 20 ha dứa của ông Tiến cho thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.
Hơn 20 ha dứa của ông Tiến cho thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.

Nghe có khách đến thăm đồng dứa, dù đang tất bật với việc thu hái nhưng vợ chồng ông Tiến vẫn nhiệt tình tiếp chuyện và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc mà mình chắt lọc được suốt nhiều năm qua. Theo ông Tiến, quá trình phát triển kinh tế của gia đình có lúc được lúc không, giai đoạn vất vả nhất là vào những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, khi cây dứa mới bắt đầu trồng trên vùng Tân Thắng này.

Thành công không phụ người chịu khó, sau những ngày đầu chật vật vay vốn đầu tư chăm sóc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cây dứa dần phát triển ổn định và cho những lứa quả đầu tiên ngoài sự mong đợi. Tuy nhiên, được mùa chưa hẳn là điều may mắn đối với người dân nơi đây.

“Những năm đầu, mọi người phải đem dứa đi bán lẻ tại các chợ trong vùng. Không ít lần dứa chín bán không kịp phải đem bỏ. Song, sau thời gian cất công mở thị trường, “thương hiệu” dứa Quỳnh Lưu dần được biết đến, các thương lái ở khắp nơi đổ về thu mua tại ruộng ngay từ ngày đầu vụ. Kể từ đó, diện tích trồng dứa dần được mở rộng với năng suất, chất lượng ngày một tăng lên nhờ việc áp dụng các tiến bộ khoa học mới. Và đó cũng là lý do cây dứa “ngự trị” trên vùng đất này đến ngày hôm nay và trở thành loại quả đặc sản”, ông Tiến chia sẻ.

Tay trắng khởi nghiệp thu bạc tỷ

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1991, ông trở về quê hương lập gia đình rồi tham gia lao động sản xuất. Song, những ngày đầu của các cư dân di tản chiến tranh vô cùng chật vật khi địa hình chỉ toàn đồi núi khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, nước phục vụ sản xuất rất khó khăn. Và nghề nông với cây lúa, cây ngô chẳng thể giúp đời sống bà con khấm khá hơn.

Ông “vua” đất dứa kể chuyện làm giàu - 3

Trước đó, một số người dân từ các vùng Hoàng Mai, Thanh Hoá,... khi di tản chiến tranh đã đem theo cây dứa trồng thử nghiệm trên đất này và cho kết quả khả quan.

“Ban đầu họ cũng chỉ trồng một số ít để ăn. Nhưng về sau họ thấy dứa trồng ở đất này có vị thơm ngọt, không úng, quả to, lúc chín ngả màu vàng tươi bắt mắt. Trong khi khả năng chịu hạn của cây dứa khá tốt, thích hợp với vùng đất đồi. Vì vậy, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng diện tích hướng đến việc trồng dứa thương phẩm”, ông kể.

Và cứ như vậy, theo thời gian, người người, nhà nhà đua nhau trồng dứa khiến diện tích không ngừng được mở rộng. Từ quy mô dăm bảy sào, nhiều hộ trong vùng không ngần ngại đầu tư mở rộng diện tích cả chục héc-ta, đưa cây dứa trở thành cây trồng chủ lực ở nơi này. Riêng đồng dứa nhà ông Tiến có diện tích lớn nhất nhì vùng với hơn 20 héc ta, bao trọn cả quả đồi.

Theo ông Tiến, ở Tân Thắng hiện nay trồng giống dứa Queen là phổ biến vì có năng suất cao và chất lượng thơm ngon (Ảnh: Như Sương)
Theo ông Tiến, ở Tân Thắng hiện nay trồng giống dứa Queen là phổ biến vì có năng suất cao và chất lượng thơm ngon (Ảnh: Như Sương)

Khi được hỏi về cái tên ông “vua” đất dứa mà mọi người thường gọi, ông lý giải: Ngày trước, cũng một phần vì thấy lợi nhuận do cây dứa đem lại khá cao, phần khác là ham muốn làm giàu khiến tôi có suy nghĩ cần làm ăn lớn mà “làm liều” vay vốn đầu tư trồng diện tích khá lớn. Rồi dần qua từng năm, lấy lãi vụ trước làm vốn vụ sau mà hiện giờ, tôi có hơn 20 héc-ta trồng dứa với hàng chục công nhân được mướn công quanh năm.

Đối với bất cứ người làm nông nghiệp nào thì đầu ra cho sản phẩm là điều rất quan trọng và những người trồng dứa cũng chẳng phải ngoại lệ. Đó là những lần bị thương lái ép giá, bị nhà máy chế biến dứa từ chối nhận hàng,... khiến bà con phải đem đổ bỏ. Trăn trở mãi chuyện đầu ra cho sản phẩm mà sau vài năm gom vốn, ông đầu tư mua xe tải rồi lần mò đến các công ty chế biến hoa quả để chào hàng.

Sau khi quen các mối hàng, ông tiếp tục thu mua dứa của bà con trong vùng rồi trở thành “chủ buôn” lúc nào không hay.

Và cũng từ những chuyến hàng đó, trái dứa đất Quỳnh càng được nhiều người biết đến. Hiện nay, không chỉ ở trong địa bàn tỉnh Nghệ An mà dứa đất Quỳnh đã có mặt ở khắp các địa phương xa gần như Thanh Hoá, Huế hay Gia Lai, Hà Nội... và trở thành thứ đặc sản có giá trị được thị trường ưa chuộng.

Nhờ tinh thần ham học hỏi, chịu khó cùng ham muốn làm giàu, giờ đây gia đình ông Tiến đã có nguồn thu nhập ổn định từ cánh đồng dứa với mức thu sau trừ chi phí khoảng hơn 1 tỷ đồng/vụ. Ngoài trồng dứa, ông Tiến còn là nguồn tiêu thụ cho khoảng 70% diện tích dứa của bà con trong xã. Đồng thời, ông còn phát triển hơn 100 héc-ta đất rừng trồng keo lai sắp sửa đến ngày thu hoạch.

Và dường như chừng đó chưa đủ thỏa mãn khát khao làm giàu của mình, ông còn mở thêm trạm cân điện tử và đầu tư 6 chiếc xe tải lớn nhỏ để thu mua dứa của bà con trong vùng đi bán cho các nhà máy chế biến. Ước tính tổng thu nhập hàng năm của ông Tiến (trừ chi phí) đạt trên 1,5 tỷ đồng.

Không chỉ phát triển kinh tế của gia đình, ông còn hỗ trợ cây giống, kinh nghiệm và vốn cho nhiều hộ dân trong vùng để phát triển vùng chuyên canh dứa sạch cho năng suất cao. Đồng thời, với diện tích 20 héc-ta dứa, 100 héc-ta keo, ông còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên và hàng chục lao động mùa vụ, đưa địa phương phát triển theo hướng nông thôn mới.

Chính sự táo bạo, dám làm của bản thân mà nhiều năm liền ông được vinh danh là hộ nông dân tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngoài ra, ông cũng là một hội viên cựu chiến binh tích cực, xứng đáng là một tấm gương cho nhiều người học tập.

Như Sương