‘Ông trùm hoa hậu’ và kỷ niệm khó quên ngày Tết
"Năm 2002, vào dịp sau Tết, vợ chồng tôi đi dọc đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội), tình cờ thấy một gốc đào người ta vứt ra đường sau khi chơi Tết xong. Nhìn cây đào, ký ức năm xưa trong tôi chợt ùa về. Tôi thuê người mang lên nhà vườn ở Sóc Sơn trồng", nhà thơ Dương Kỳ Anh chia sẻ.
Với danh hiệu “ông trùm hoa hậu”, nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh (tên thật là Dương Xuân Nam) cựu TBT báo Tiền Phong luôn được mặc định là người gắn bó với nhiều bóng hồng. Ít ai biết rằng, ông từng là sỹ quan điều khiển tên lửa trong chiến tranh chống Mỹ. Ông chia sẻ: “Những năm tháng đó, Tết luôn để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất”.
Chia sẻ về kỷ niệm ngày Tết, nhà thơ cho biết: “Cái Tết đáng nhớ nhất trong đời tôi là những năm tháng ở chiến trường. Những năm đó, nghe tiếng gà gáy vào những ngày đầu năm mới lòng tôi nhớ những phút giây bên gia đình, nhớ quê hương da diết.
Bởi vậy sau này khi xây dựng khu nhà vườn ở Sóc Sơn (Hà Nội) làm “chốn đi về”, tôi không thể quên việc trồng những cây dong, cây mai và cây đào… để gợi nhớ về Tết xưa”.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh bên khu nhà vườn ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải
Trong đó, đào là loại cây để lại trong ông khá nhiều kỉ niệm. “Một lần, người bạn thơ gửi cho tôi bức ảnh cây đào vừa mua để đón Tết. Nhìn cây đào trong ảnh, tôi giật mình tự hỏi sao giống cây đào năm ấy thế?”, nhà thơ mở đầu câu chuyện của mình.
Theo nhà thơ Dương Kỳ Anh, đó là năm 1972, gần đến Tết, lần đấy đơn vị ông hành quân qua Hà Nội, nghỉ đêm tại khu nhà bỏ hoang gần sân bay Bạch Mai. Khoảng 1 giờ sáng, họ đặt balo ngả lưng trên nền xi măng. Ngủ được vài tiếng, kẻng báo đi đào hầm vang lên, mặc dù buồn ngủ nhưng “quân lệnh như sơn” nên tất cả đều phải đi.
Họ tiến hành đào một cái hầm. Cạnh hầm có cây đào nở hoa. Cây đào có gốc rất to, thân cây đẹp như một ngọn tháp nhiều tầng.
Sau khi đào hầm, ông về lán để đi tắm. Lúc đang tắm dở lại xuất hiện kẻng báo động. Tuy nhiên lần này không phải lệnh đi đào hầm mà báo động máy bay. Chỉ mấy phút tiếng máy bay đã ầm ầm trên đầu. Tiếng bom nổ. Ông không kịp thay đồ, chạy vội ra hầm. Trên người chỉ mặc chiếc quần đùi ướt nước.
Cây đào trong vườn ở Sóc Sơn, theo lời nhà thơ, gợi nhớ cây đào năm xưa (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhảy xuống hầm, vừa ngước nhìn lên nhà thơ đã thấy hai chiếc máy bay nhào xuống dội bom, một chùm bom đen trùi trũi lao xuống. Ông đội chiếc mũ cối lên đầu, hay tay bịt tai, ngồi thụp xuống. Sau cơn rùng mình, ông nhắm mắt, bình thản đón đợi điều xấu nhất có thể xảy ra…
“Loạt bom nổ rất gần, chỉ cách căn hầm tôi ngồi vài mét (sau này, tôi mới biết, thật may mắn cho chúng tôi, chúng chỉ ném bom cắt, loại bom sát thương bằng mảnh chứ không phải bom đào). Cây đào đang đơm hoa đỏ thắm cạnh hầm đổ ập xuống. Thân cây che ngang miệng hầm. Chính cái mấu cây xù xì và chiếc mũ cối đã cứu tôi.
Khi tiếng máy bay và tiếng bom ngừng hẳn, tôi ngoi lên khỏi miệng hầm, nhìn thấy mảnh bom găm vào thân cây đào, nhựa chảy ra như máu ứa. Nếu không có mấu của thân cây đào chắc chắn mảnh bom này đã găm vào đầu tôi”, nhà thơ Dương Kỳ Anh kể.
Căn nhà vườn của ông Dương Kỳ Anh ở Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hải.
"Ba mươi năm sau, năm 2002, vào dịp sau Tết, vợ chồng tôi đi dọc đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội), tình cờ thấy một gốc đào người ta vứt ra đường sau khi chơi Tết xong. Nhìn cây đào, tôi dâng lên nỗi cảm thương và thuê người mang lên nhà vườn ở Sóc Sơn trồng.
Thật kỳ lạ, cây đào lớn nhanh như thổi, càng lớn, càng giống cây đào đã cứu tôi khỏi bị mảnh bom găm vào đầu năm ấy”, nhà thơ nói.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết thêm, những năm trước khi các con còn nhỏ, ở tại khu nhà tập thể tại Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), gia đình ông thường nấu bánh chưng ngay ở gốc cầu thang của khu tập thể.
“Ngày đó để nấu được bánh chưng, phải mất mấy tuần chuẩn bị. Đó là việc xếp hàng để mua gạo nếp, thịt, đậu xanh… tôi tự tay gói bánh còn vợ tôi thì nhóm bếp than tổ ông, rồi tay nhau thức suốt đêm trông nồi bánh, mệt như mà vui…".
Con gái ông hiện lập nghiệp và sinh sống ở TP.HCM. Vào dịp Tết đến, ngôi nhà vườn ở Sóc Sơn của ông lại là nơi để cả gia đình quây quần đón Tết.
“Cái Tết ngày nay đủ đầy, tiện nghi hơn nhưng những kỉ niệm về thời thiếu thốn, gian khổ không chỉ tôi mà nhiều người cũng không thể nào quên được”, ông nói khi ngày đã sang năm mới.
Theo Ngọc Trang - Vũ LụaVietnamnet