"Oằn lưng" gánh nước tưới đào ở vựa đào lớn thứ 2 Hà Nội

Trọng Trinh

(Dân trí) - Ngoài việc xuống lá cho đào để chuẩn bị tung hàng trong dịp Tết sắp tới thì người dân trồng đào ở Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) còn phải "oằn lưng" gánh nước tưới đào vì thời tiết ở Hà Nội nắng hanh kéo dài.

Hà Nội có 2 vựa đào lớn, thứ nhất là vựa đào Nhật Tân, thứ 2 là vựa đào nằm ở các khu vực thuộc quận Nam Từ Liêm.

Giống như người dân trồng đào ở Nhật Tân, người dân trồng đào ở Nam Từ Liêm thời gian này cũng tất bật xuống lá cho đào để chuẩn bị bán Tết Nguyên đán sắp tới.

Tuy nhiên, ngoài việc xuống lá cho đào ra người trồng đào ở Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) còn phải gánh nước tưới từng gốc đào để chống chọi lại thời tiết hanh khô vì hàng tháng trời Hà Nội không có mưa.

Oằn lưng gánh nước tưới đào ở vựa đào lớn thứ 2 Hà Nội - 1

Cánh đồng trồng đào rộng lớn tại phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã được người dân xuống lá chuẩn bị cho vụ Tết sắp tới (Ảnh: Trọng Trinh).

Tại một vườn đào ở Đại Mỗ, anh Quân tất tưởi gánh nước trên vai để tưới cho từng gốc đào trong vườn nhà đang có hiện tượng héo úa. Khoảng cách từ chỗ có nước đến vườn đào không xa nhưng gánh với số lượng lớn và liên tục cũng làm anh Quân toát mồ hôi mặc dù tiết trời khá lạnh về chiều.

"Nhà tôi có khoảng 5 sào, Hà Nội duy trì thời tiết nắng hanh kéo dài hàng tháng trời khiến cho ruộng đào của người dân trong vùng đều khô khốc, nứt nẻ.

Với đặc điểm đất ở khu vực này là đất thịt, nhiều sỏi, không giống như đất phù sa cát ẩm ở Nhật Tân. Nguồn nước để tưới cho đào cũng gặp vô cùng khó khăn, ở đây chúng tôi không có mương máng dẫn nước, nguồn nước chủ yếu người dân dùng để chăm sóc, tưới tắm cho đào lấy từ ống cống ngoài đường lớn", anh Quân cho biết.

Oằn lưng gánh nước tưới đào ở vựa đào lớn thứ 2 Hà Nội - 2

Người trồng đào ở đây đang gặp phải khó khăn trong việc chăm sóc đào đó là tình trạng hạn hán kéo dài (Ảnh: Trọng Trinh).

Oằn lưng gánh nước tưới đào ở vựa đào lớn thứ 2 Hà Nội - 3

Hàng tháng trời thời tiết ở Hà Nội luôn trong cảnh nắng hanh (Ảnh: Trọng Trinh).

Theo quan sát, tất cả các ruộng đào ở Tây Mỗ đều trong tình trạng nứt nẻ, đất trắng xóa, khô khốc. Nhiều gia đình đã đào rãnh bên cạnh các luống đào rất sâu để tích nước nhưng cũng không còn giọt nào.

Theo anh Quân, khả năng những gốc đào mới của gia đình anh năm nay sẽ không ra được hoa mặc dù đã xuống lá, không nước tưới nên cành khô khốc, không có hiện tượng nứt nụ. Việc gánh nước tưới chỉ nhằm mục đích cứu sống cây, giữ lại gốc để năm sau tiếp tục chăm sóc.

Oằn lưng gánh nước tưới đào ở vựa đào lớn thứ 2 Hà Nội - 4

Nhiều gốc đào mặc dù đã được xuống lá nhưng không có khả năng ra nụ do bị thiếu nước (Ảnh: Trọng Trinh).

Cả cánh đồng đào rộng lớn trơ trọi lá, dưới gốc cây phủ kín lá đào, nhiều hộ vừa vặt lúc sáng thì đến đầu giờ chiều lá đào đã khô khốc.

Người dân trồng đào cho biết, với tình hình hiện tại, thời tiết thì đẹp nhưng sẽ khó khăn trong việc chăm sóc đào vì không tiện nguồn nước tưới. 

Oằn lưng gánh nước tưới đào ở vựa đào lớn thứ 2 Hà Nội - 5

Người trồng đào đã tạo ra những rãnh rất sâu để tích nước nhưng bây giờ đều đã cạn khô (Ảnh: Trọng Trinh).

Oằn lưng gánh nước tưới đào ở vựa đào lớn thứ 2 Hà Nội - 6

Đào cây được trồng lâu năm cũng được người dân xuống lá để chuẩn bị cho vụ Tết (Ảnh: Trọng Trinh).

Anh Chính, một người trồng đào khác ở Đại Mỗ cho biết thêm, gia đình anh có khoảng 8 sào đất trồng đào, ngót nghét 10 năm làm công việc này, chưa năm nào anh Chính cảm thấy khó khăn như năm nay.

Số lượng đào trong vườn nhà anh Chính vẫn đang phát triển tốt, hơn chục ngày nay cả gia đình tập trung vào việc xuống lá cho đào. Việc xuống lá cho đào diễn ra vào hai đợt, đợt một sẽ xuống một phần lá ở trên ngọn các cành đào, đợt 2 xuống tiếp số lá còn lại trên cành đào sau đợt một khoảng chục ngày.

"Năm nay chưa biết thế nào, dịch bệnh phức tạp, không biết có bán nổi được cành đào nào không. Chưa kể đến việc thời tiết nắng hanh kéo dài, nguồn nước để tưới đào tại khu vực này rất khan hiếm, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào vào dịp Tết", anh Chính thở dài.

Oằn lưng gánh nước tưới đào ở vựa đào lớn thứ 2 Hà Nội - 7

Một số gia đình xuống lá đào muộn hơn (Ảnh: Trọng Trinh).

Oằn lưng gánh nước tưới đào ở vựa đào lớn thứ 2 Hà Nội - 8

Thông thường việc xuống lá đào thường diễn ra 2 thời khác nhau, lần đầu chỉ xuống lá phần ngọn, lần thứ 2 mới xuống hết lá và cách nhau khoảng 10 ngày (Ảnh: Trọng Trinh).

Anh Chính cho biết thêm, đào ở khu vực này cũng đều có nguồn gốc từ đào Nhật Tân cả. Tuy nhiên, khi đào nở thì đào ở đây không đỏ, thắm như đào Nhật Tân được. Lý do được anh Chính giải thích là do nguồn gốc đất, đất ở Nhật Tân là đất bồi phù sa, người dân trồng đào ngay cạnh Sông Hồng, rất thuận lợi cho việc chăm sóc đào.

Trong khi đó, thổ nhưỡng ở bên này thì lại khác hoàn toàn, đất thịt, nhiều sỏi đá, nắng vài ngày là khô khốc, trắng xóa.

"Nói vậy chứ khi Tết đến đào bung nở, nhiều dân buôn toàn lấy đào ở đây vận chuyển ngược những cung đường gần Nhật Tân để bán với giá cao hơn để kiếm lời. Chỉ có những người trồng đào, dân buôn đào mới biết rõ được đâu là đào Nhật Tân, đâu là đào được trồng ở các vùng khác", anh Chính tiết lộ.

Oằn lưng gánh nước tưới đào ở vựa đào lớn thứ 2 Hà Nội - 9

Thời tiết nắng hanh, lá đào vừa  tuốt xuống ban sáng đến đầu giờ chiều đã héo khô (Ảnh: Trọng Trinh).

Oằn lưng gánh nước tưới đào ở vựa đào lớn thứ 2 Hà Nội - 10

Phần lớn các nhà vườn đã chuẩn bị sẵn sàng chỉ đợi Tết đến là cung cấp ra thị trường (Ảnh: Trọng Trinh).

Theo anh Chính, nếu không có gì quá đặc biệt thì giá đào cành năm nay sẽ rơi vào khoảng từ 200 đến 250 nghìn đồng một cành, loại đẹp trung bình.

Còn đối với loại đào cành có thế đẹp, hoa nụ đẹp thì giá sẽ cao hơn, dao động từ 400 đến 500 nghìn đồng một cành.