Nước sinh hoạt có mùi khét: Dân đổ xô mua máy lọc nước, chuyên gia nói gì?
(Dân trí) - Trước hiện tượng nước sinh hoạt có mùi khét, nhiều gia đình ở Hà Nội đã đầu tư mua máy lọc nước về dùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu nước đầu vào bị nhiễm dầu không được làm sạch thì hệ thống lọc nước tại các gia đình gần như không có tác dụng loại bỏ dầu bẩn.
Thông tin nước sinh hoạt có mùi lạ do hàng tấn bơm dầu thải đổ trộm ra khe suối, sát khu vực kênh dẫn nước của nhà máy nước sạch sông Đà khiến nhiều người dân Hà Nội hoang mang, lo lắng.
Ngoài việc mua nước đóng chai, nhiều gia đình đành bấm bụng, bỏ tiền triệu mua máy lọc nước về dùng.
Dù đi làm về tối muộn, anh Hoàng Hải (34 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) vẫn tranh thủ gọi thợ đến lắp máy lọc nước, để kịp nấu bữa cơm tối cho cả gia đình.
“Từ khi phát hiện nước có mùi khét như chảy nhựa, gia đình tôi và các hộ dân trong tòa nhà đều không dám dùng. Hai ngày qua, vì có trẻ nhỏ gia đình tôi đã phải bỏ gần triệu bạc mua nước đóng chai, rất tốn kém”, anh Hải nói.
Tương tự, chị Liên (28 tuổi, cư dân một chung cư Hà Đông, Hà Nội) cho biết, dù không rõ cơ chế của máy lọc nước có loại bỏ được tạp chất, vi khuẩn hay không nhưng “có còn hơn không”.
“Nhu cầu mua máy lọc nước tăng cao nên vào giờ cao điểm nhiều nơi không có thợ, tôi phải chờ và gọi liên tục qua 3 cửa hàng mới đặt được hàng. Giờ nước khét, mùi khó chịu không mua máy lọc nước thì cũng biết phải làm thế nào?”, chị Liên thông tin.
Nhiều hộ gia đình đã mua bình lọc nước về sử dụng
Chia sẻ với PV, anh Tuấn (30 tuổi, chủ một cơ sở cung cấp máy lọc nước ở Hà Nội) thừa nhận, vài ngày qua lượng khách mua máy lọc nước tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. “Riêng trong 2 ngày vừa qua, cửa hàng tôi lắp đặt được cả trăm máy lọc nước, tăng đột biến, phải thuê thêm thợ công nhật về làm”, anh Tuấn nói.
Khảo sát thêm nhiều cơ sở bán máy lọc nước ở Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ cũng tăng vọt so với trước đó. Nhiều khách không mua được hàng sẵn, chấp nhận đặt cọc tiền chờ đợi máy lọc nước về.
Trao đổi với PV Dân trí, tiến sỹ Vật Lý Nguyễn Văn Khải cho biết, các loại máy lọc nước hiện nay trên thị trường thường sử dụng lõi lọc có kích thước 5 micromet, chỉ giúp lọc được các chất rắn không hòa tan có kích thước lớn hơn nó. Tuy nhiên, một số chất hữu cơ độc hại, chất vô cơ như axit, asen, thủy ngân và dầu bần vẫn có thể đi qua vì kích thước chúng nhỏ hơn 5 micromet.
“Việc dầu bị lẫn vào trong nước rất khó xử lý, để làm sạch phải sử dụng đến các phương pháp vật lý, hóa học và công nghệ lọc dầu hiện đại. Về cơ bản các loại máy lọc nước trên thị trường không thể giúp lọc được dầu bẩn. Vì thế, nếu nước đầu vào cung cấp cho các hộ dân bị nhiễm dầu thì không thể dùng máy lọc nước làm sạch được”, Tiến sỹ Khải khẳng định.
Tiến sỹ Vật Lý Nguyễn Văn Khải cũng cho rằng, muốn biết nước có sạch hay không, có đáp ứng tiêu chuẩn dùng trong sinh hoạt của người dân hay không thì phải mang đi xét nghiệm, để có các thước đo, đánh giá các chỉ số. Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng, nếu phát hiện nước có mùi khét bất thường thì tốt nhất người dân không nên dùng để đảm bảo sức khỏe.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Hồng Côn cũng chia sẻ, nếu trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng, thì người dân nên chọn lựa các loại máy lọc nước có các cột lọc than hoạt tính.
"Tuy nhiên cách tốt nhất không nên sử dụng khi phát hiện nước có mùi lạ, khét, mùi hóa chất hoặc khi ăn, uống có hiện tượng đau tức, khó thở hoặc dị ứng", PGS.Ts Trần Hồng Côn nói.
Trước đó, hàng vạn các hộ dân các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai… không thể dùng nước máy để sinh hoạt vì phát hiện nguồn nước có mùi rất khó ngửi. Một số chung cư, tòa nhà cao tầng cũng ra thông báo đề nghị người dân tam ngưng sử dụng nước sinh hoạt cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng.
Hiệp Nguyễn