Nữ giám đốc làm nhà vườn "trốn khói bụi", đẹp bình yên ở Tây Nguyên
(Dân trí) - Căn nhà mang nét đẹp giao thoa giữa kiến trúc truyền thống Việt và kiến trúc bản địa độc đáo vùng Tây Nguyên, tạo nên không gian thư giãn đẹp lạ, nổi bật giữa núi rừng đại ngàn.
Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột về hướng Đông Nam khoảng 4km, ngôi nhà có tên Trúc Lâm Anh Retreat nổi bật giữa các công trình bản địa với thiết kế đẹp mắt, "độc nhất vô nhị".
Gia chủ là giám đốc một công ty lữ hành du lịch, mong muốn có không gian xanh mát, yên tĩnh, độc lập với căn nhà chính và tránh xa sự ồn ào, náo nhiệt của phố thị. Đây không chỉ là chốn thư giãn của nữ giám đốc trẻ mà còn trở thành không gian đa năng, làm nơi dừng chân, nghỉ ngơi của các tài xế trong công ty.
Đảm nhiệm thi công dự án này, kiến trúc sư Lê Viết Hội cùng các cộng sự quyết định tạo nên một không gian vừa cũ vừa mới, vừa truyền thống vừa hiện đại, đáp ứng các yêu cầu mà gia chủ đưa ra.
Ngôi nhà có diện tích 50m2, được thiết kế thành một tổ hợp hình khối kiến trúc hiện đại kết hợp hệ mái ngói truyền thống. Nhờ vậy, công trình không chỉ đáp ứng các nhu cầu về mặt công năng mà còn duy trì được vẻ đẹp mộc mạc, giản dị vốn có của kiến trúc dân gian.
Công trình gồm hai khối: Khối chức năng (quầy pha chế, khu vệ sinh,...) và khối đa năng (phòng trà hay không gian nghỉ ngơi), được kết nối với nhau qua không gian hàng hiên.
Ngoài ra, công trình còn có các khu vực chức năng khác như cổng, sân trước, cầu thang, hồ cá, sân vườn, sân thượng,..., đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, làm việc đa dạng của gia chủ.
Theo kiến trúc sư Lê Viết Hội, hàng hiên là yếu tố quan trọng trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Không chỉ là không gian chuyển tiếp giữa khu vực bên trong và ngoài nhà mà hàng hiên còn đóng vai trò quan trọng trong việc chống nóng, tránh mưa hay điều hòa không khí.
Còn nhà sàn là kiến trúc truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Với thiết kế sàn sinh hoạt cao hơn mặt đất, kiểu nhà độc đáo này giúp bảo vệ con người tránh khỏi sự tấn công của thú dữ.
Hệ mái được phát triển dài theo khu đất, song song và mở về phía nhà ở chính của gia chủ nhằm tăng tính kết nối giữa hai công trình mới và cũ.
Hàng hiên được thiết kế vươn ra, sà xuống thấp tới mức dường như có thể chạm đến phần diềm mái, gợi lại hình ảnh hoài niệm những ngôi nhà truyền thống xưa.
Để đảm bảo ngôi nhà luôn thoáng mát, kiến trúc sư lựa chọn giải pháp thiết kế theo dạng không gian mở, đưa thiên nhiên, gió, ánh sáng chan hòa vào khắp công trình. Việc loại bỏ sử dụng các vách ngăn giúp nhà luôn thông thoáng, mát mẻ, tạo cảm giác rộng rãi bất ngờ.
Phần sàn được nâng lên cao hơn so với mặt đất đóng vai trò phân chia ước lệ giữa hai không gian trong và ngoài nhà cũng như giữa các khu vực chức năng với nhau.
Các không gian đóng mở được bài trí đan xen nhằm hạn chế sự chú ý từ bên ngoài vào nhà, đảm bảo tính riêng tư cho công trình. Đồng thời, lối thiết kế này cũng mang lại các góc nhìn đa dạng từ trong ra ngoài và ngược lại.
Trong nhà, các hình khối, đường nét được thiết kế tinh tế, vừa có sự tương phản, vừa đảm bảo hài hòa, càng làm tôn thêm nét đẹp hiện đại pha lẫn với truyền thống. Đó cũng là điểm nhấn giúp không gian mềm mại và nổi bật hơn, thu hút bất cứ ai ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Nội thất được bài trí đơn giản, hạn chế các vật dụng thừa. Mỗi món đồ đều được gia chủ lựa chọn theo tiêu chí tự nhiên, mộc mạc và mang đậm màu sắc núi rừng Tây Nguyên.
Ở khối chức năng, kiến trúc sư thiết kế thêm phần sân thượng đủ rộng, thiết kế cong cong uốn lượn tựa con thuyền. Đây là nơi thư giãn lý tưởng để gia chủ nghỉ ngơi hay vọng cảnh sau một ngày dài làm việc mệt mỏi.
Ảnh: Hiroyuki Oki