Nữ công nhân hoảng loạn vì gặp phải kẻ bệnh hoạn "phô hàng"
(Dân trí) - Vừa ra khỏi công ty, đi bộ ra lối sau để lấy xe, Xuân cùng cô đồng nghiệp nghe tiếng gọi: "Hai em cho anh hỏi...". Cả hai vừa quay lại, người đàn ông ngồi trên xe máy, lôi sẵn "hàng họ" ra.
Hôm đó, tan ca, Xuân cùng với cô đồng nghiệp trẻ ra khỏi công ty, vòng ra chỗ gửi xe bên cạnh. Khu vực không quá vắng vẻ, trời còn sáng. Nghe tiếng gọi, cả hai quay đầu lại thì thấy người đàn ông lôi, ngồi trên xe máy, kéo hẳn quần lôi "hàng họ" ra.
Xuân và cô bạn chỉ kịp "ối" lên một tiếng khiếp đảm rồi quay đầu bỏ chạy. Phía sau, tên kia cười réo lên. Cả tuần sau đó, cô bị ám ảnh, tởm lợm...
"Cảm giác đó chưa qua thì mới đây, khi trên đường về phòng trọ, qua một căn nhà cao cổng, một ông lớn tuổi ở trong nhà gọi: "Cháu ơi, bác hỏi!". Tôi nhìn sang, ông kia đã kéo tụt quần xuống dưới", Xuân rùng mình kể lại. Từ hôm đó, đi qua căn nhà kia, cô lại chạy thật nhanh.
Dù đã từng nghe nhiều người kể việc gặp "kẻ hỏi đường biến thái" thế này, Xuân vẫn không khỏi hoảng sợ.
Bà Lê Thị Trúc Diễm, Ban quản lý Chương trình Hỗ trợ phát triển quận Bình Tân, TPHCM cho biết, trong các chương trình tư vấn cho công nhân, tình cảnh nhiều nữ công nhân hay gặp nhất chính là... gặp những kẻ biến thái "khoe hàng".
Các chị lớn tuối thì còn đỡ nhưng những cô gái trẻ, chưa chồng, gặp cảnh này họ rất ám ảnh, hoảng loạn ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, cuộc sống.
Phạm Thị Hòa, nữ công nhân làm việc tại khu công nghiệp ở Thủ Đức kể, nhiều đồng nghiệp nữ của mình bị kẻ biến thái làm cho xanh tái mặt khi đi trên đường, còn cô... bị "tấn công" tận phòng trọ.
Hôm đó, cuối tuần, cô và hai bạn ở cùng đang chuẩn bị ăn cơm thì có tên đứng ngay trước cửa phòng, lôi "hàng" ra khoe. Họ kinh hãi, đóng sầm cửa lại, khi bình tĩnh lại thì tên kia đã bỏ đi mất.
"Cả ngày hôm đó, mọi người không ai muốn ăn uống gì nữa hết. Từ hôm giờ cửa phòng lúc nào cũng đóng kín", Hòa kể.
Chỉ cần thản nhiên là đủ
Việc gặp kẻ biến thái "khoe hàng" không phải là chuyện lạ với nhiều người, không riêng gì công nhân mà mọi đối tượng từ học sinh, sinh viên, nhân viên... đều có thể gặp.
Tuy nhiên, công nhân dễ có nguy cơ bị "làm phiền" nhiều hơn khi thường đi lại ở những khu vực vắng vẻ, họ thường ở nhà trọ, nhiều khu trọ chưa an toàn, dễ "xâm nhập"...
Theo một chuyên gia tâm lý, trước đây, kẻ "khoe hàng" có thể làm kinh hãi tất cả mọi người, ám ảnh trong ký ức của rất nhiều cô gái trẻ. Giờ đây, thông tin phổ biến hơn, mọi người hiểu biết hơn nên chúng ta đã bình tĩnh hơn khi gặp kẻ biến thái.
Tuy nhiên, công nhân bị áp lực về công việc, tăng ca. Nhiều công ty chưa thật sự quan tâm đến việc chăm sóc đời sống ngoài công việc của công nhân trong việc trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.
Điều kiện sống dễ bị gặp những kẻ biến thái, thiếu cách xử lý, họ có thể bị ám ảnh rất nặng nề. Bác sĩ tình dục học Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn Hội quán Các Bà Mẹ) cho biết tình huống này được gọi là chứng "phô dâm", một dạng lệch lạc tình dục khi có người thích khoe khoang "của quý" của mình cho người khác xem hoặc tự kích thích bộ phận sinh dục của mình ngay giữa nơi công cộng.
Chúng không nhằm mục tiêu tấn công tình dục mà thỏa mãn khi thấy vẻ ngượng ngùng, sợ hãi, hoảng hốt của "con mồi". Nên khi gặp kẻ biến thái này, các cô gái cố giữ bình tĩnh, đừng hoảng loạn, mắc cỡ mà chỉ cần thản nhiên là đủ.
Về việc phòng xa, bác sĩ Hải cho hay, nên hạn chế đi một mình ở những khu vực đã từng được báo cáo có hành vi phô dâm. Quan sát xem có đối tượng nào lảng vảng xung quanh có dấu hiệu khả nghi (ăn mặc khác thường, mang khẩu trang, kính đen, mũ sụp xuống che mặt,...) để cảnh giác.
Bà Nguyễn Lan Hải cũng lưu ý, hiện nay kẻ biến thái còn thực hiện hành vi phô dâm trực tuyến bằng cách dùng webcam để “show hàng” trên mạng hoặc post ảnh nóng của mình lên rồi ngồi chờ phản ứng của cộng đồng mạng. Việc của mỗi người là lờ đi.
Theo bà Lê Thị Trúc Diễm, ngoài việc chú tâm đến tăng năng suất, doanh thu, các công ty cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng, đời sống của người lao động. Trong đó quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng những vấn đề mà công nhân thường gặp phả hỗ trợ họ có cách xử lý phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đến công việc.