Nữ cảnh sát tranh thủ cõng con trên vai trong giờ nghỉ tập duyệt binh
(Dân trí) - Con gái cùng chồng lên thăm sau 3 tháng xa nhà phục vụ cho lễ diễu binh, chị Oanh xúc động muốn khóc, nhưng phải kìm nén vì còn nhiệm vụ trên vai.
Những ngày qua, đoạn clip ghi lại khoảnh khắc một nữ cảnh sát cơ động tranh thủ giờ nghỉ giải lao trong thời gian tập luyện diễu binh gặp lại con gái sau nhiều tháng xa cách gây xúc động.
Theo đoạn clip ghi lại, cô đứng trong hàng rào an ninh, gọi vọng ra ngoài nhờ một người đàn ông bế bé gái vào giúp. Nữ cảnh sát cơ động vừa vẫy tay vừa xúc động gọi: "Em ơi, mẹ nè!" rồi nhanh chóng rời vị trí, đi vòng ra ngoài để đến gần con.
Trên đường đi, nữ cảnh sát không ngừng xin phép: "Xin phép bà con cho em đi nhờ", người dân nhường đường để cô có thể đón con.
Đón được con, vì nhiều người khó di chuyển cô để bé trên vai đi vào chỗ tập trung. Gặp lại con gái, nữ cảnh sát ôm chầm lấy bé với ánh mắt rưng rưng xúc động. Bé gái cũng không giấu nổi niềm vui, nhảy cẫng lên ôm mẹ đầy thích thú.
Chỉ vài giây ngắn ngủi nhưng đầy yêu thương, đoạn clip nhanh chóng gây sốt, thu về hàng trăm nghìn lượt xem, hàng chục nghìn lượt "thả tim" và bình luận. Nhiều người xúc động viết: "Chị thật giỏi việc nước, đảm việc nhà"; "Phụ nữ Việt Nam lúc nào cũng mạnh mẽ và đầy yêu thương" hay "Vừa hoàn thành nhiệm vụ cho đất nước, vừa trọn vẹn vai trò làm mẹ".

Hình ảnh chị Oanh để con gái lên vai đưa vào khu tập trung gây xúc động (Ảnh: Chụp màn hình).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Đại úy Nguyễn Tú Oanh, sinh năm 1992, hiện công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam Bộ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - K02) cho biết mình là người mẹ trong đoạn clip trên.
Chị Oanh là người quản lý khối nữ cảnh sát đặc nhiệm, không trực tiếp đứng trong hàng ngũ diễu binh, chị phụ trách túc trực sát sao bên các đồng đội, đảm bảo chế độ ăn, ngủ, nghỉ cho từng chiến sĩ, đồng thời nắm bắt tư tưởng và động viên tinh thần của toàn đội.
Là mẹ của hai bé gái - bé lớn 4 tuổi, bé út mới 2 tuổi - chị Oanh đã phải xa con suốt hơn ba tháng kể từ khi bắt đầu đợt tập huấn vào cuối tháng 9 năm ngoái. "Giữa tháng 12, lực lượng bắt đầu đón quân vào luyện tập.
Xa con, nhớ con là cảm giác thường trực, nhưng mình luôn tự nhủ phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ", chị chia sẻ.

Chị Oanh và con gái gặp lại nhau sau nhiều tháng xa cách (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chị Oanh cho biết, con gái được chồng đưa lên để cổ vũ mẹ trong những ngày tập luyện diễu binh.
Chồng chị Oanh - từng là khối trưởng khối cảnh sát trong đợt nhiệm vụ A40 dịp 30/4/2015. Dù đã lui về hậu phương anh vẫn luôn là điểm tựa thầm lặng phía sau, tiếp thêm sức mạnh cho vợ mỗi lần lên đường làm nhiệm vụ.
Sau khoảnh khắc đoàn tụ ngắn ngủi, bé lớn cùng ba được theo mẹ lên xe về đơn vị. Hai cha con rời đi trong buổi trưa hôm đó, chị Oanh tiếp tục nhiệm vụ bên đồng đội.

Các khối diễu binh qua phố đi bộ Nguyễn Huệ sáng 30/4 (Ảnh: Hữu Khoa).
Những ngày qua, chị Oanh cùng các đồng đội nỗ lực tập luyện nghiêm túc và chỉn chu đến từng chi tiết, với mong muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chị cho biết, lịch trình huấn luyện tại đơn vị vô cùng nghiêm ngặt: 5h báo thức, tập luyện liên tục đến 11h, buổi chiều từ 13h30 đến 18h. Dù cường độ làm việc cao, không ít vất vả, nhưng với chị Oanh, được góp mặt trong ngày đại lễ của dân tộc là niềm tự hào và vinh dự lớn lao - điều mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm trong đời.
"Đây là lần thứ hai tôi có vinh dự đồng hành cùng khối diễu binh kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lần trước đã cách đây tròn 10 năm. Đối với tôi, đây không chỉ là một dấu mốc thiêng liêng của dân tộc, mà còn là niềm tự hào lớn lao đối với bản thân và gia đình", chị Oanh chia sẻ.
Nữ cảnh sát cho biết, những ngày này chị rất xúc động khi được sống trong tình yêu thương của nhân dân, không quản nắng mưa, đến cổ vũ cho các khối, đấy cũng là động lực cho mọi người không ngừng cố gắng.

Gia đình nhỏ của chị Oanh là điểm tựa để chị hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đại úy Oanh cũng chia sẻ thêm, không riêng mình chị mà rất nhiều nữ đồng đội cũng gác lại nỗi nhớ con, dành trọn tâm sức cho nhiệm vụ chung. Khoác trên mình màu áo lính, họ giấu đi nỗi niềm riêng để cống hiến cho ngày đại lễ của dân tộc. Ai cũng mong giây phút hoàn thành nhiệm vụ, được trở về và ôm con trong vòng tay yêu thương.