Quảng Nam:

Nông dân “khóc ròng” nhìn vườn cây ăn quả tan hoang sau bão số 9

Công Bính – Ngô Linh

(Dân trí) - Chỉ trong vòng 10 ngày, có 5 trận lũ liên tiếp quét qua khiến những vườn cây dần trụi lá, xác xơ và siêu bão số 9 như cú “đánh bồi” khiến người dân càng thêm điêu đứng.

Từ năm 2004, nhiều hộ gia đình ở thôn Thái Chấn Sơn (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) bắt đầu chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả với các loại cam Vinh, vú sữa, mít Thái, trụ lông, bưởi da xanh…

Nông dân “khóc ròng” nhìn vườn cây ăn quả tan hoang sau bão số 9 - 1

Vườn sapoche, vú sữa, mít… từ 6-11 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Thành Hạt bị bão lũ quật tơi bời, gần như mất trắng

Nhiều người dân ở Thái Chấn Sơn cho biết, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả đã giúp họ cải thiện kinh tế, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo trên mảnh đất quê hương.

Nhưng năm nay, bão lũ liên tiếp làm những vườn cây ăn quả bao gồm cả diện tích cây mới trồng và lâu năm đang cho quả tại đây thiệt hại nặng nề, người dân điêu đứng.

Nông dân “khóc ròng” nhìn vườn cây ăn quả tan hoang sau bão số 9 - 2

Bão bẻ ngang gốc không thể khôi phục được nữa

Dẫn chúng tôi đi xem khu vườn cây ăn quả lâu năm rộng hơn 5.500m² của gia đình, bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1967, thôn Thái Chấn Sơn, xã Đại Hưng, Đại Lộc) không cầm được nước mắt khi nhìn công sức gây dựng bao lâu nay của vợ chồng bỗng chốc tan hoang.

Nông dân “khóc ròng” nhìn vườn cây ăn quả tan hoang sau bão số 9 - 3

Bà Nguyễn Thị Nhung (vợ ông Hạt) không cầm được nước mắt khi chứng kiến cả gia tài tan hoang theo bão lũ

Vườn cây ăn quả của gia đình gồm 200 cây mít, 60 cây sapoche, 50 cây vú sữa Lò Rèn, cam Vinh khoảng 100 gốc mỗi năm cho thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng, giúp gia đình cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nông dân “khóc ròng” nhìn vườn cây ăn quả tan hoang sau bão số 9 - 4
Nông dân “khóc ròng” nhìn vườn cây ăn quả tan hoang sau bão số 9 - 5

Những cây này đều đang cho quả, thiệt hại rất lớn

Nhưng 5 trận lũ liên tiếp quét qua chỉ trong vòng 10 ngày qua khiến các loại cây đang cho quả như mít, cam, bưởi rụng đầy vườn, dần trụi lá, úng rễ dù đã nỗ lực cứu chữa. Và siêu bão số 9 như cú “đánh bồi” khiến gần 60 cây sapoche, 20 cây vú sữa, hơn trăm cây mít có tuổi đời từ 6-11 năm tuổi đang cho quả gãy ngang, héo úa.

Nông dân “khóc ròng” nhìn vườn cây ăn quả tan hoang sau bão số 9 - 6

Vườn cây gần 1ha của ông Nguyễn Trung Thành (SN 1954, thôn Thái Chấn Sơn) cũng bị thiệt hại khoảng 50%

“Thiệt hại vườn cây ăn quả của chúng tôi là gần 90%, công sức tiền của bao nhiêu năm đổ hết vào vườn cây thì không đo đếm được. Nông dân chúng tôi của cải đều ở ngoài vườn, mất vườn thì mất hết. Nếu chỉ rụng quả thì còn cây để gầy dựng mùa sau, giờ nó gãy ngang thế này thì biết làm sao”, bà Nhung buồn bã nói.

Nông dân “khóc ròng” nhìn vườn cây ăn quả tan hoang sau bão số 9 - 7

Hơn 100 cây mít đang cho quả của ông Thành bị ngã đổ la liệt, mỗi năm những cây mít này có thể thu về từ 1-2 triệu/cây

Tiếp lời vợ, ông Nguyễn Thành Hạt (SN 1966) cho biết, năm nay người làm vườn thiệt hại nặng nề, từ dịch Covid-19 khiến nông sản bí đầu ra, đến bão lũ liên tiếp làm tan hoang công sức gầy dựng bao lâu nay. Không chỉ vườn cây của vợ chồng ông, mà nhiều vườn cây tại thôn Thái Chấn Sơn cũng bị hư hại nặng.

Người dân điêu đứng vì vườn cây ăn quả lâu năm thiệt hại do bão số 9

“Năm nay đúng là năm “tam tai”, hết dịch bệnh đến bão lũ, chưa có năm nào lũ liên tiếp như năm nay và bão có sức tàn phá khủng khiếp đến vậy. Vườn cây tan hoang, nông dân chúng tôi như mất phương hướng. Giờ chỉ hy vọng nhà nước hỗ trợ cây giống, cử cán bộ nông nghiệp đồng hành cùng bà con để tìm ra giống cây hiệu quả phát triển kinh tế cho vùng này”, ông Hạt kiến nghị.

Nông dân “khóc ròng” nhìn vườn cây ăn quả tan hoang sau bão số 9 - 8

Những gốc sapoche khoảng 5 năm tuổi cũng bị gãy đứt, trơ trọi cả gốc phải phá bỏ

Vườn cây ăn quả khoảng 2 năm tuổi của gia đình ông Trương Công Chánh (54 tuổi, thôn Thái Chấn Sơn) cũng dần trụi lá, rễ bị úng nước hư hại nặng nề. Vườn ông bị thiệt hại gần 100% với 150 cây mít giống, 63 cây bưởi, 50 cây ổi. Đây là vườn cây bao năm được ông chăm bón, với hy vọng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nông dân “khóc ròng” nhìn vườn cây ăn quả tan hoang sau bão số 9 - 9

Siêu bão số 9 và 5 trận lũ liên tiếp đã khiến những vườn cây ăn quả thiệt hại nặng nề

“5 trận lũ liên tiếp, ngập úng dài ngày khiến vườn cây hơn 2 năm tuổi của gia đình hư hại nặng nề. Không những vậy, bão số 9 đổ bộ khiến nhiều cây lâu năm bật gốc, mất trắng. Các năm trước nước vào rồi lại ra, dọn dẹp, dội bùn non, chăm sóc sửa soạn lại thì cây không chết. Năm nay không ai nghĩ bão lũ tàn phá khủng khiếp rứa”, ông Tường rầu rĩ.

Nông dân “khóc ròng” nhìn vườn cây ăn quả tan hoang sau bão số 9 - 10

Vườn bưởi da xanh để dành bán Tết cũng bị rụng la liệt

Theo ông Nguyễn Văn Nhanh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thái Chấn Sơn, sau lũ, diện tích cây héo úa và chết dần rất nhiều, ước tính hư hại 5ha, bao gồm cả diện tích cây mới trồng và lâu năm, đang cho quả.

Đây cũng là những diện tích cây trồng được Nhà nước hỗ trợ, cấp giống giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Từ số cây đã cấp, bà con trồng và chăm sóc hơn 2 năm và nhiều mảnh vườn cây lâu năm, công sức bà con bỏ ra rất nhiều.

Nông dân “khóc ròng” nhìn vườn cây ăn quả tan hoang sau bão số 9 - 11

Không những vườn lâu năm đang cho quả, mà những vườn trồng được 2 năm trong chủ trương xóa đói giảm nghèo của nhà nước giờ đây cũng mất trắng

Không những tại huyện Đại Lộc, siêu bão số 9 vừa qua đã khiến hơn 2.000ha vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện Tiên Phước (Quảng Nam) bị hư hại, hàng loạt cây bị trốc gốc, gãy đổ. 

Toàn huyện Tiên Phước có gần 5.600ha vườn cây ăn quả. Trong đó, có gần 300 mô hình kinh tế vườn quy mô lớn và hàng trăm mô hình vườn - nhà đạt tiêu chí xanh sạch đẹp, hiệu quả. Doanh thu mỗi năm của người dân hàng trăm tỷ đồng từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại.

Theo ông Trầm Quế Hương (Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước), bão số 9 đã khiến hơn 2.000ha vườn cây ăn quả bị hư hại. Ngay sau khi bão số 9 đi qua, lãnh đạo huyện đã đi kiểm tra các khu vườn cây ăn quả bị thiệt hại nặng và động viên, chia sẻ khó khăn với nhân dân, đồng thời chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, khôi phục.

“Huyện sẽ cố gắng tìm các nguồn kinh phí hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sớm khôi phục các vườn cây ăn quả”, ông Trầm Quế Hương cho hay.