Gia Lai
Nông dân "biến" cây hoa dại thành bonsai ngũ sắc tiền triệu
(Dân trí) - Từ một loại hoa dại nhưng người nông dân đã tạo nên những cây bonsai ngũ sắc có giá hàng triệu đồng. Hiện nay, phong trào chơi ngũ sắc đang lan rộng khắp tỉnh Gia Lai.
Cây ngũ sắc là một loại cây dại thường mọc hoang trên những ngọn đồi, đất gò hay ven đường… Tuy là hoa dại nhưng cây ngũ sắc lại có một sức sống mãnh liệt trên mảnh đất bazan, hoa nở quanh năm với đủ loại màu sắc.
Được biết, cây ngũ sắc có nhiều công dụng và những ý nghĩa phong thủy rất tốt. Nhận thấy những vẻ đẹp tiềm ẩn này, bà con trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đi săn lùng những gốc cây có dáng đẹp, lớn để về trồng và tạo kiểm thành các cây bonsai ngũ sắc có giá trị.
Còn hơn một tháng nữa mới đến tết nguyên đán nhưng nhiều nhà vườn tại xã Đăk Ta Ley (Mang Yang, Gia Lai) đã thu về hàng chục triệu đồng đến cả 100 triệu đồng từ việc bán các gốc bonsai ngũ sắc. Theo đó, từ niềm đam mê chơi cây cảnh, anh Lê Thanh Hoàng (Chủ nhiệm CLB Nông hội sinh vật cảnh xã Đak Ta Ley) đã đi nhiều vùng để săn các gốc cây ngũ sắc đẹp rồi về chăm sóc vào ghép bông. Thấy cây phát triển và ra hoa với đủ các loại màu sắc nên nhiều người đã đặt mùa. Lúc này, anh tiếp tục mở rộng để bán và theo đuôi đam mê chơi hoa ngũ sắc.
Anh Hoàng bộc bạch: "Phong trào chơi hoa ngũ sắc bắt đầu từ năm 2019 cho đến nay. Mới đầu, tôi trồng ít vì theo đam mê nhưng lượng người mua đông nên tôi đã mở rộng thêm. Hiện tôi, tôi đang trồng khoảng 50 cây bonsai. Từ đầu năm 2020 đến nay, tôi đã bán được khoảng 20 cây ngũ sắc và thu về khoảng 30 triệu đồng. Trung bình, mỗi cây có giá từ 1-2 triệu đồng. Những cây bonsai mini các dáng đặc biệt tôi bán với giá khoảng 4 triệu đồng. Tôi đang còn khoảng gần 20 chậu bonsai mini có giá trị khoảng 50 đồng sẽ tung ra thị trường tết năm 2021 này".
Phong trào chơi ngũ sắc lan rộng, chỉ tính riêng xã Đăk Ta Ley (huyện Mang Yang, Gia Lai) đã có hàng chục nhà trồng và chăm sóc ngũ sắc để bán. Anh Phương Trường Huy (33 tuổi, thôn Nhơn Thọ, Đăk Ta Ley, Mang Yang) nhận thấy gốc ngũ sắc đẹp nên về trồng thử. Gần 2 năm cây đã ra hoa đẹp và phát triển thành những gốc bonsai đủ hình thù. Theo đó, anh Huy đã trồng hơn 100 cây bonsai. Anh Huy trồng đến đâu thì bán hết đến đó. Chính vì nhu cầu lớn nên anh đang tiếp tục mở rộng quy mô để hướng đến những thị trường lớn.
Anh Huy chia sẻ: "Tết nguyên đán năm 2020, tôi bán được khoảng 30 gốc và thu về gần 50 triệu đồng. Vì sợ không có hàng nên nhiều người đã đặt và nhờ tôi chăm sóc để chơi tết năm 2021. Trong cuối năm 2020 này, tôi cũng đã bán hết hơn 50 gốc và thu về gần 70 triệu đồng. Cây cao nhất tôi bán có giá từ 7 - 10 triệu đồng.".
"Tôi là một trong những người đầu tiên trong xã trồng cây ngũ sắc này. Khi thấy đẹp thì mọi người đã đến nhờ hướng dẫn cách trồng và xin giống hoa trong vườn để ghép vào. Vì nhu cầu hơn nên tôi cũng đã mở rộng quy mô và thuê thêm người để làm cho các mùa tết sắp tới.", anh Huy cho biết thêm.
Để có những cây hoa ngũ sắc đẹp, người dân thường đi vào khu vực đồi núi, ven đường để đào về. Sau đó, bà con chặt hết phần ngọn, chỉ trừ lại phần gốc để nuôi dưỡng. Khi cây đã bám rễ, họ đã lấy giống hoa ngũ sắc có nguồn gốc từ Thái Lan tại các tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt, Sài Gòn để về ghép. Sau 5 - 7 tháng chăm sóc sẽ có một gốc ngũ sắc đẹp ưng ý.
Từ một cây hoa dại mọc ven đường, sau một năm chăm sóc thì những cây ngũ sắc sẽ có giá trị từ 700 ngàn đồng - 3 triệu đồng. Do nhu cầu thị trường nên người dân đang chuộng những cây bonsai ngũ sắc mini được tạo thế đẹp. Cũng vì vậy, giá mỗi cây loại này dao động từ 4 - 8 triệu đồng.
Anh Trần Quốc Toàn (26 tuổi) cũng đang sở hữu 20 gốc ngũ sắc. Đặc biệt, anh cũng đang chăm những gốc ngũ sắc khổng lồ cao khoảng 3m, có đường kính vài ba người ôm. Anh Toàn chia sẻ: "Tôi nhận thấy loại cây này phát triển rất nhanh, ít bệnh và loại hoa cũng nở liên tục trong năm. Qua nhiều tháng nghiên cứu, tôi đã quyết định chăm sóc và tạo những dáng để phục vụ cho những người khách đến chiêm ngưỡng. Vì trong đang quá trình chăm sóc, dáng chưa được như mình mong muốn nên tôi chưa đưa ra thị trường.".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chấn, phó Chủ tịch xã Đăk Ta Ley (Mang Yang, Gia Lai) cho biết: "Phong trào chăm sóc hoa ngũ sắc nổi lên từ năm 2019. Sau đó, người dân đã xin thành lập CLB Hội sinh vật cảnh để trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ giống cây. Trải qua nhiều năm, người dân đã có nguồn thu cao từ loại cây tự nhiên này. Các cuộc triển lãm, hội chơi xuân xã đều tạo điều kiện để người dân đem các cây bonsai ngũ sắc đi trưng bày nhằm tạo đầu ra ổn định. Đồng thời, quảng bá về loại cây đến khách hàng trong và ngoài tỉnh".