Nỗi sợ hãi mang tên “nhà vệ sinh’’

(Dân trí) - Trước ngày khai giảng bé Lê Na mong ước được vào lớp 1 nhưng ngay buổi học đầu tiên cô bé đã đòi ở nhà vì “con sợ nhà vệ sinh của trường lắm”.

“Con sợ nhà vệ sinh lắm!”

Vừa mới tan học về nhà, bé Lê Na (6 tuổi) nhanh chóng chạy thẳng vào nhà vệ sinh (NVS) và ở lì trong đó gần 30 phút. Mẹ bé Lê Na lo lắng kể: Trước ngày khai giảng (5/9), bé Lê Na mong ước được vào lớp 1 nhưng ngay buổi học đầu tiên bé đã đòi ở nhà vì “con sợ NVS của trường lắm”. Bé Lê Na thấy NVS trường học bẩn thỉu nên vô cùng sợ hãi, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh. Vì thế, “dù buồn đi nặng sắp ra quần nhưng con không dám đi vệ sinh nên đành cố nhịn về nhà” – bé Lê Na mếu máo, nói. Theo một cô giáo thì tình trạng học sinh sợ NVS mà không nhịn được, bĩnh ra quần là chuyện bình thường. Hầu như năm học mới nào, cô giáo này cũng giải quyết “sự cố” này cho vài em học sinh, nhất là những trẻ nhỏ mới vào lớp 1, lớp 2.

Tình trạng NVS trường học bốc mùi khai nồng nặc diễn ra ở phổ biến các trường học hiện nay, kể cả trường ở thành phố lớn. Một học sinh trường PHCS Khương Đình cho biết: NVS trường con mùi kinh lắm. Mỗi lần muốn đi vệ sinh phải lấy một tay bịt mũi, một tay kéo quần. Thỉnh thoảng nước tiểu dớt ra quần, thì cứ thế mặc quần bẩn. NVS trường con chẳng có nước sạch và xà phòng để rửa tay sau khi đi vệ sinh như lời cô giáo con vẫn dạy.

 

Nỗi sợ hãi mang tên “nhà vệ sinh’’ - 1

Nhà vệ sinh tại nhiều trường học bốc mùi không đạt yêu cầu vệ sinh. (Ảnh: KVT)

Thấy hoàn cảnh các con khổ sở vì NVS bẩn thỉu, khai nồng nặc mỗi khi đến trường, nhiều phụ huynh tỏ ra đồng cảm. Chị Mai Hoa (Hà Đồng) chia sẻ: Bao nhiêu năm trôi qua rồi mà học sinh thời nào cũng sợ NVS bẩn đến thế! Chị Mai Hoa nhớ lại: NVS vừa bẩn lại có mùi hôi thối kinh khủng khiếp mà không biết diễn tả thế nào. Không có giấy cũng không có nước sạch, nước ở bể thì vừa đầy rác và đủ loại côn trùng muỗi, gián ở đó. Nếu bất đắc dĩ phải vào NVS thì vội vàng giải quyết rồi chạy ù ra ngoài cho thoái nợ.

Thậm chí, dọn NVS bẩn trở thành kỷ niệm đáng nhớ nhất thời học sinh. Anh Trần Hải Bắc (Đống Đa) kể, ngày xưa, cứ mỗi lần không học thuộc bài, hình phạt của cô giáo là dọn NVS. Nam dọn NVS nam., nữ dọn NVS nữ. Hình phạt đó quả thực hữu hiệu, vừa răn đe được những học trò lười học và dọn sạch được NVS.

Trên thực thế, cứ vào năm học mới, bên cạnh những vấn đề “nóng” đang được toàn xã hội và các bậc phụ huynh quan tâm như tiền học, đồng phục… thì vấn đề chất lượng NVS.

Những NVS bẩn thỉu, thiếu ánh sáng, nước, giấy, xà phòng rửa tay, và hôi hám và khai nồng… là tình cảnh chung tại các trường học ở mọi cấp học từ mẫu giáo, tiểu học, PHCS, PHTP đến đại học

Nhà vệ sinh trường học quá tải

Theo quy định của Bộ Y tế, NVS ở trường học phải chia làm hai khu riêng: Giáo viên và học sinh, nam và nữ; số lượng học sinh của trường phải “tương xứng” với số lượng bồn cầu, mét dài hố tiểu và vòi nước. Theo quy định này, phải đảm bảo trung bình 100 học sinh/bồn cầu, 50 học sinh/mét dài hố tiểu và 100 học sinh/vòi nước. Tuy nhiên, PV Dân trí đã có cuộc khảo sát tại một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội vào giờ ra chơi thì hầu như không trường học nào đạt được quy định ngặt ngoèo này.

Nỗi sợ hãi mang tên “nhà vệ sinh’’ - 2

Sợ nhà vệ sinh bẩn nhiều học sinh "nhịn" cả ngày

Sáng 7/9, tại một trưởng tiểu học quận Đống Đa, vào giờ cao điểm ra chơi, các em chen lấn, xô đẩy nhau đi vệ sinh. NVS thiếu ánh sáng, chỉ leo lét bóng đèn tiết kiệm điện. Không có giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay điệt khuẩn. Mặc dù, có thùng dựng giấy vệ sinh nhưng giấy lau vẫn vứt vương vãi khắp sàn. Nước dội đều được đựng trong thùng, có gáo múc nhưng do nước ít và bẩn, rất ít học sinh có thói quen đi vệ sinh xong múc nước dội. Có em đi xong, lau tay luôn vào bộ quần áo đồng phục đang mặc trên người.

Theo nhiều lãnh đạo của các trường học, để tình trạng NVS không đạt tiêu chuẩn chất lượng có nhiều lý do. Trong đó, đa số lãnh đạo nhà trường cho rằng, do tỉ lệ học sinh sử dụng quá cao đã khiến NVS rơi vào tình trạng quá tải. Trung bình một trường học có hàng nghìn học sinh mà chỉ có khoảng 5-6 NVS (gồm cả nam và nữ). Như vậy, tính trung bình một NVS phải “cõng” ít nhất 300 - 400 học sinh. Trong khi đội ngũ lao công dọn dẹp lại hạn chế.

Thực tế là hầu như trường học nào cũng thuê nhân công (từ 2 – 4 người) dọn dẹp vệ sinh, từ công việc quét dọn sân trường, cầu thang, tưới cây, dọn phòng ban giám hiệu, phòng họp… đến dọn NVS trong toàn trường. Tuy nhiên, nhân viên dọn vệ sinh chỉ chủ yếu là tiến hành dội nước chứ không cọ sàn hoặc dùng chất tẩy rửa. Chứng kiến một lao công dọn NVS ở trường tiểu học ở quận Đống Đa mới thấy, kết thúc giờ giải lao giữa giờ của học sinh, nhân viên lao công đi từng NVS chỉ để… dội nước, không cọ sàn hay dùng chất tẩy rửa thì khó có thể sạch khuẩn và hết mùi khai được.

Một nhân công dọn vệ sinh cho biết thêm, ý thức giữ vệ sinh chung cho các em học sinh tại các trường học chưa tốt. Việc các em đi vệ sinh không xả nước, vứt giấy vệ sinh bừa bãi, đi không đúng nơi quy định không phải hiếm gặp. Sau mỗi giờ ra chơi, chúng tôi đi từng NVS để dọn dẹp, dội nước… nhưng dường như là không xuể và chỉ hạn chế phần nào mùi xúi uế của NVS mà thôi.

Theo ý kiến của đông đảo phụ huynh và học sinh thì dù bất ký lý do gì, việc NVS không đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và việc học tập của các em học sinh. Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế cảnh báo, việc môi trường NVS không đảm bảo chất lượng có thể là môi trường lý tưởng cho nhiều loại bệnh tật lây lan như bệnh hô hấp, cúm, sốt, tiêu chảy do vi khuẩn e.coli, rotavirus… tấn công trẻ nhỏ. Thêm nữa, tâm lý sợ NVS đến việc không uống nước dù khát hoặc vận động nhiều để “nhịn” không đi vệ sinh, xét về lâu dài có thể ảnh hưởng đến thận, đường tiết niệu, bàng quang… của trẻ.

Kiều Việt Thành