Ngày Biên phòng toàn dân 3/3:

Nỗ lực giúp dân tái định cư ổn định cuộc sống

(Dân trí) - Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ngọc Lâm, BĐBP Nghệ An luôn nỗ lực giúp nhân dân tái định cư địa bàn ổn định cuộc sống phát triển kinh tế, xã hội.

Cán bộ Đồn BP Ngọc Lâm hướng dẫn nhân dân ươm giống chè. Từ những bỡ ngỡ ban đầu đến nay gia đình ông Lương Văn Phương đã có trang trại rộng lớn.
Cán bộ Đồn BP Ngọc Lâm hướng dẫn nhân dân ươm giống chè. Từ những bỡ ngỡ ban đầu đến nay gia đình ông Lương Văn Phương đã có trang trại rộng lớn.

Với sự nỗ lực của những người lính biên phòng, sau hơn 8 năm về tái định cư, đời sống đồng bào các dân tộc ở địa bàn xã biên giới Ngọc Lâm đã có những bước thay đổi đáng kể góp phần củng cố thế trận Biên phòng toàn dân trên địa bàn biên giới.

Gia đình ông Lương Văn Phượng, dân tộc Thái, ở bản Muộng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đang chuẩn bị giống chè phục vụ cho vụ ươm cây mới. Ngoài những thành viên trong gia đình ông Phượng, còn có rất đông bà con trong bản Muộng đến để tham quan cách ươm giống chè.

Bởi hôm nay, Thiếu tá Trần Văn Khoa, cán bộ vận động quần chúng Đồn BP Ngọc Lâm sẽ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật về ươm giống và trồng chè cho bà con. Mặc dù không được đào tạo chính qui nhưng Thiếu tá Trần Văn Khoa là người nắm rất rõ kiến thức, kỹ thuật trồng chè.

Từ khi được tăng cường sinh hoạt tạm thời tại chi bộ bản Muộng, anh hiểu rõ những khó khăn mà bà con nơi đây đang gặp phải. Vậy là anh đã tham mưu cho đảng ủy, chỉ huy đơn vị xây dựng những mô hình kinh tế điểm tại địa bàn, những mong bà con nhanh chóng xóa được đói, giảm được nghèo.

Những vườn chè phát triển kinh tế của người dân tái định cư Ngọc Lâm nhờ rất nhiều vào công sức của các chiến sỹ ĐB Ngọc Lâm đóng chân trên địa bàn.
Những vườn chè phát triển kinh tế của người dân tái định cư Ngọc Lâm nhờ rất nhiều vào công sức của các chiến sỹ ĐB Ngọc Lâm đóng chân trên địa bàn.

Cây chè được xác định là mũi kinh tế chủ lực của vùng đất này. Là người con của đất chè Thanh Chương, Thiếu tá Khoa đã không quản ngại, tìm hiểu kỹ thuật trồng chè qua các cán bộ nông nghiệp huyện, tham khảo qua sách vở, rồi tiến hành thực nghiệm. Giờ đây, bằng kiến thức thực tiễn, hướng dẫn thành công cho nhiều hộ gia đình, anh được bà con gọi là “kỹ sư nông nghiệp mang quân hàm xanh”.

Không chỉ trồng chè, cán bộ địa bàn của Đồn BP Ngọc Lâm còn giúp gia đình ông Phượng khai hoang trồng lúa nước, đào ao thả cá, phát triển trồng rừng. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay sau 8 năm với sự chung tay góp sức của cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Ngọc Lâm, các thành viên trong gia đình ông Phượng đã có mô hình kinh tế hộ mà nhiều người mơ ước.

Ông Phương tâm sự: “Từ quê cũ, ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ trước đây chỉ quen với phương thức đốt nương làm rẫy, chưa quen trồng lúa, trồng chè. Nhưng với sự giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật, bày vẽ cách thức làm ăn của cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Ngọc Lâm. Đến nay, gia đình đã có một cơ sở khang trang vừa tạo điều kiện cho chúng tôi phát triển kinh tế, vừa làm điểm cho nhân dân trong bản Muộng và cả xã học tập, làm theo. Đến nay bản thân tôi đã tự tin cầm cây chè mà hướng dẫn cho bà con trong bản cách cắt tỉa cành để ươm giống sản xuất”.

Để gia đình ông Phượng thuần thục sản xuất theo thời vụ như hiện nay, Thiếu tá Trần Văn Khoa chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu bà con chuyển từ trên địa bàn huyện Tương Dương xuống, cấp ủy chỉ huy đơn vị đã cử đội vận động quần chúng xuống địa bàn giúp đồng bào khai hoang, phát triển kinh tế ổn định sản xuất. Riêng chuyện cây lúa nước từ trước tới nay bà con chưa lần nào làm nên gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi đã trực tiếp xuống ruộng, hướng dẫn cho bà con cách làm đất, bón phân, cấy lúa và chăm sóc lúa.

Mỗi một vụ mùa qua đi, đồng bào lại có thêm một ít kinh nghiệm trong trồng cây lúa nước. Sau hơn 8 năm, về định cư nơi đất mới, mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhiều hộ gia đình đồng bào tái định cư ở xã Ngọc Lâm đã nắm rõ lịch sản xuất hàng năm và tự tin sản xuất lúa nước để đảm bảo cuộc sống”.

Để bà con nhân dân yên tâm định cư, phát triển sản xuất, biện pháp duy nhất là phải tìm hướng thoát nghèo cho họ. Phương châm “đem cần câu cá” đến cho bà con đã nhanh chóng được cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Ngọc Lâm triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả.

Cuộc sống của đồng bào đã dần đi vào ổn định. Dừng tay tưới những bầu chè mới ươm được 3 ngày, anh Lương Văn Thân, Bản Muộng, xã Ngọc Lâm, Thanh Chương chia sẻ: “Bà con chúng tôi về đây, cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Ngọc Lâm đã thực sự “bắt tay, chỉ việc”, bày việc làm ăn, xuất phát từ làm ruộng, ươm chè và trồng rừng để phát triển kinh tế”.

Khi lòng dân đã thuận, từ những mô hình điểm này, cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Ngọc Lâm tiếp tục nhân rộng ra địa bàn các xã để có nhiều mô hình kinh tế hộ phát triển trên địa bàn đơn vị đóng quân. Cùng với giúp dân phát triển kinh tế, xã hội là việc xây dựng thế trận biên phòng vững mạnh trong từng gia đình, bản làng biên giới.

Nguyễn Duy - Viết Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm