Nợ 1 tỷ vẫn chi 25 triệu du lịch mỗi năm, cặp đôi Hải Dương gây tranh cãi

Mộc Khải

(Dân trí) - Than thở chưa thể trả hết nợ ngân hàng nhưng cũng muốn đều đặn đi du lịch, đôi vợ chồng nhận về nhiều ý kiến của dân mạng.

Muốn trả nợ nhưng cũng muốn đi du lịch

Mới đây, trong một hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm chi tiêu có hơn 500.000 thành viên trên Facebook, một tài khoản giấu tên đã đăng tải bài viết cho biết vợ chồng cô đang sống ở Hải Dương, đã có ô tô riêng, làm lụng quanh năm, gom góp trả nợ nhưng mãi không xong.

Người này muốn nhờ cộng đồng mạng góp ý bí quyết cắt giảm chi tiêu, để gia đình cô sớm trả được nợ và có cuộc sống thoải mái hơn.

Nợ 1 tỷ vẫn chi 25 triệu du lịch mỗi năm, cặp đôi Hải Dương gây tranh cãi - 1

Nhiều người đau đầu với bài toán chi tiêu của gia đình (Ảnh minh họa: Istock).

Người này cho biết thu nhập hằng tháng của vợ chồng cô dao động 40-45 triệu đồng, trong đó có khoảng 19 triệu đồng là lương cố định, còn lại là các khoản thu phụ, dao động 25-26 triệu đồng tùy từng năm.

Với mức thu nhập này, mỗi tháng, vợ chồng cô chi 5 triệu đồng để mua sữa, khám bệnh và đóng học phí cho 2 con vừa vào mẫu giáo. Vì sống cùng với bố mẹ nên vợ chồng cô không tốn tiền thuê nhà. Mỗi tháng, cô góp 4 triệu đồng để cùng ông bà nấu ăn, đồng thời đảm nhận đóng tiền điện nước 2 triệu đồng.

"Tôi còn chi khoản tiền xăng xe 2 triệu đồng, đưa con đi chơi và ăn vặt khoảng 600.000 đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn dự trù tiền đi đám tiệc khoảng 2,2 triệu đồng", người này nói.

Tuy nhiên, gia đình này còn có một số khoản chi hằng năm, bao gồm biếu bố mẹ ngày Tết 20 triệu đồng, đi du lịch 25 triệu đồng và bảo hiểm cho ô tô 5 triệu đồng.

Cô cho biết hiện vợ chồng mình nợ ngân hàng 1 tỷ đồng. Đây là khoản tiền cô vay để mua đất trả góp. Nhờ là nhân viên ngân hàng nên hằng năm cô chỉ phải trả khoảng 50 triệu đồng lãi phát sinh. Dù vậy, nhiều năm qua, cô và chồng vẫn chưa trả hết nợ.

"Với khoản chi du lịch như trên, trong 3 năm chúng tôi sẽ đi du lịch xa một lần khoảng 40 triệu đồng và đi bằng ô tô riêng vài lần. Bố mẹ tôi ngày xưa vất vả nên tôi cũng muốn thường xuyên đưa cả nhà đi chơi", người này bộc bạch.

Nhìn các khoản chi tiêu của chủ nhân bài viết, không ít dân mạng nhiệt tình góp ý, cho rằng các khoản trên chưa thật sự tiết kiệm triệt để, đặc biệt là khoản du lịch.

Nhiều người nêu quan điểm rằng trong cuộc sống có rất nhiều lựa chọn và mỗi người buộc lòng phải chọn điều ưu tiên hơn trong mỗi thời điểm. Vì thế, gia đình trên nên cắt giảm chi phí du lịch, dành dụm thêm tiền trả nợ để tâm lý thoải mái hơn.

Một tài khoản để lại bình luận: "Còn trẻ và còn nợ thì nên giảm khoản du lịch lại. Chứ nếu vừa muốn vui chơi, vừa muốn sớm trả nợ thì chỉ còn cách kiếm thêm việc mà làm".

Quan trọng là gia tăng thu nhập

Không ít người cho rằng với thu nhập của hai vợ chồng trong bài đăng, khoản vay 1 tỷ đồng nói trên không phải là quá lớn. Hơn nữa, đó là khoản vay để mua đất nên sẽ "không lỗ vào đâu được".

Anh Minh Trung (SN 1998, quận 11) nêu ý kiến: "Nợ do vay mua đất mà được mức lãi chỉ 50 triệu đồng/năm là khá rẻ. Tôi nghĩ anh chị cũng bình tĩnh mà trả nợ dần, giá đất cứ tăng mãi chứ chưa thấy có xu hướng giảm".

Anh Minh Trung cho rằng đi du lịch để khuây khỏa sau những ngày làm việc vất vả cũng là nhu cầu chính đáng. Nếu cứ mãi loay hoay với bài toán tiết kiệm, không dám hưởng thụ, hết làm để trả nợ, rồi lại tích tiền để xây nhà, rồi 10 năm sau nữa lại lo cho con cái lập nghiệp thì đến bao giờ mới được đi chơi.

Anh Trung nói bản thân cũng cố gắng làm lụng để mua đất, nhưng cũng luôn dành dụm một khoản riêng để đi du lịch. "Được trải nghiệm, có niềm vui mới có tinh thần để làm việc. Tuy nhiên, tiền du lịch từ 25 triệu đồng/năm, gia đình trên có thể hạ xuống 10 triệu đồng/năm thôi", anh Trung nói.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Minh Thu (SN 1997, Tân Bình) cho biết chị và chồng vì tiết kiệm tiền mua nhà, nên trong 2 năm yêu nhau và 4 năm cưới chỉ cùng nhau đi du lịch một lần ở Vũng Tàu.

Chị cho rằng để thư giãn, vui chơi và vun đắp kỷ niệm đối với các thành viên trong gia đình, không nhất thiết phải dồn tiền đi du lịch thì cả nhà mới cảm thấy vui.

"Đúng là có đi chơi, có hình ảnh, có trải nghiệm nhiều cũng vui, nhưng chúng ta có thể dời kế hoạch này vào những năm tiếp theo. Còn trước mắt, phải khiến bản thân cảm thấy an tâm, có khoản tiết kiệm "chống đỡ" khi cần thì tinh thần mới thoải mái được. Đi du lịch thư giãn mà về "sạch túi" chắc sẽ càng áp lực hơn", chị Thu chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về câu chuyện chi tiêu, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cũng cho rằng việc mua nhà, mua đất là chuyện cần "chạy đua với thời gian", bởi đây là các sản phẩm không ngừng tăng giá.

Ông cũng cho biết việc trả góp nhà đất trong 20-30 năm là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, điều tiên quyết là mỗi người phải luôn không ngừng nâng cao kỹ năng, từ đó gia tăng thu nhập của bản thân để không quá áp lực chuyện nợ nần.

Bên cạnh đó, mỗi người có thể làm thêm những công việc bổ trợ để có thêm tiền hằng tháng. "Tất nhiên, khi đã nói tiết kiệm thì phải xem xét cắt giảm các nhu cầu không thật sự cần thiết với mình. Đó là vấn đề nằm ở ý thức của mỗi người", chuyên gia chia sẻ.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm