Những tỷ phú từng thất bại khi xin việc và bước ngoặt làm nên sự nghiệp lớn

Tuệ Minh

(Dân trí) - Các đại gia dưới đây từng trải qua những thất bại khi đi phỏng vấn, nhưng họ đã không nản chí gây dựng sự nghiệp thành công cho riêng mình.

30 lần nộp đơn xin việc đều thất bại của Jack Ma

Jack Ma là tỷ phú nổi tiếng ở Trung Quốc. Ít ai ngờ, ông từng có 30 lần xin việc nhưng không được nhận. Ông kể, có lần đi phỏng vấn ở KFC, có 24 ứng viên đến phỏng vấn nhưng chỉ một người không trúng tuyển đó là ông. Có lần tỷ phú này còn nộp đơn vào ngành cảnh sát nhưng cũng là người duy nhất không trúng tuyển.

Những tỷ phú từng thất bại khi xin việc và bước ngoặt làm nên sự nghiệp lớn - 1

Jack Ma đi lên từ thất bại 30 lần khi nộp đơn tìm việc và đạt được thành công ở đất nước tỷ dân (Ảnh: CNBC).

"Tôi nghĩ chúng ta phải quen với điều đó, không phải chúng ta lúc nào cũng đúng", ông chia sẻ về những lần đi phỏng vấn nhưng thất bại.

Sau những lần đi xin việc bị từ chối, ông đã có được sự nghiệp thành công. Vị đại gia này luôn quan niệm: "Hôm nay rất khắc nghiệt, ngày mai còn khắc nghiệt hơn nữa, nhưng ngày kia sẽ tươi sáng".

Jack Ma thành công với đế chế thương mại điện tử Alibaba. Công ty tỷ USD này được ông thành lập hồi năm 1999 và từng bước gặt hái được thành công, ghi dấu ấn với người tiêu dùng ở Trung Quốc trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến. Đến nay, Alibaba vẫn là "ông lớn" trong ngành thương mại điện tử ở Trung Quốc và có tiếng vang khắp thế giới.

Jack Ma trao lại vị trí CEO Alibaba cho Daniel Zhang hồi năm 2019. Ông vẫn nắm hơn 6% cổ phần của Alibaba. Ông rời bỏ nhiệm sở ở Alibaba, trở về với các hoạt động từ thiện và giáo dục. Ông từng cho hay, trước 70 tuổi, muốn làm điều gì đó ở lĩnh vực khác ví dụ như giáo dục.

Jack Ma hiện có tài sản khoảng 20,8 tỷ USD. Ông từng là tỷ phú giàu thứ hai châu Á sau doanh nhân Mukesh Ambani (Ấn Độ).

Elon Musk từng phỏng vấn bị thất bại

Ngày nay, nhắc đến Elon Musk thì ai cũng biết. Nhưng cách đây mấy chục năm, ít người nghĩ ông có thể thành tỷ phú giàu có như hiện nay. 

Những tỷ phú từng thất bại khi xin việc và bước ngoặt làm nên sự nghiệp lớn - 2

Elon Musk từng trượt phỏng vấn một công ty hàng đầu nhưng bước đi sau đó lại thành công (Ảnh: CNBC).

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ, Elon Musk từng cố gắng thi tuyển vào Netscape - công ty máy tính hàng đầu ở Mỹ thời bấy giờ, nhưng không trúng tuyển. Sau khi phỏng vấn, chờ mãi không có phản hồi. Elon Musk đến tận công ty để hỏi. Tuy nhiên, không có ai nói chuyện với ông và đến lúc tự Elon Musk phải rời đi. 

Chưa dừng lại ở đó, năm 2000, Elon Musk bị sa thải khỏi công ty PayPal. Thời điểm đó, giữa ông và giám đốc tài chính Max Levchkin không thống nhất được việc dùng nền tảng Microsoft hay Unix. Cuộc đối đầu ngầm này cộng thêm thêm nhiều lý do trước đó khiến ông bị sa thải.

Tuy nhiên, may mắn mỉm cười khi PayPal được mua lại, Elon Musk nắm trong tay số cổ phiếu lớn nên vẫn đút túi rất nhiều tiền.

Sau những thất bại, ông tự thành lập Zip2. Đây là công ty chuyên cung cấp bản đồ và địa chỉ doanh nghiệp... Tuy nhiên, khi Zip2 ra đời cũng không hút được các nhà đầu tư. Sau đó, Zip2 được bán với giá hơn 340 triệu USD. 

Năm 2008, ông đổ tiền vào công ty Tesla đang bên bờ vực sụp đổ. Hiện, Elon Musk là CEO của Tesla - công ty chuyên sản xuất xe điện. Ông có khối tài sản 221 tỷ USD.

Ông cũng là nhà sáng lập công ty Space Exploration Technologies với mong muốn thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ, dịch vụ vận tải không gian.

Thất bại khi ứng tuyển vào Facebook nhưng khiến "sếp" Facebook phải quan tâm

Jan Koum sinh ra trong một gia đình nghèo ở Ukraine. Năm 16 tuổi, ông theo mẹ và bà sang Mỹ định cư. Jan Koum có thành tích học tập chẳng mấy chú ý, suýt không đỗ tốt nghiệp. Tuy nhiên, ông lại đam mê máy tính.

Những tỷ phú từng thất bại khi xin việc và bước ngoặt làm nên sự nghiệp lớn - 3

Từng không trúng tuyển vào Facebook nhưng Jan Koum lại tạo ra sản phẩm khiến Mark Zuckerberg quan tâm (Ảnh: CNBC).

Sau khi học xong cấp 3, ông đỗ vào Đại học San Jose rồi làm việc cho công ty kiểm toán chuyên kiểm tra lỗ hổng bảo mật. 6 tháng sau, Jan Koum chuyển sang lĩnh vực an ninh mạng tại Yahoo. 

Năm 2007, sau chuyến du lịch Nam Mỹ, ông và một người đồng nghiệp ở Yahoo nộp đơn ứng tuyển vào Facebook nhưng cả 2  không trúng tuyển. Lần thất bại đó, khiến ông suy nghĩ về việc làm điều gì đó cho riêng mình. Tháng 2/2009, Jan Koum và người đồng nghiệp sáng lập WhatsApp - ứng dụng nhắn tin.

WhatsApp không ngừng phát triển khiến Mark Zuckerberg bày tỏ quan tâm và sau đó mua lại vào năm 2014 với giá 19 tỷ USD.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm