Gia Lai:

Những phận đời “lênh đênh” trên Cao Nguyên

(Dân trí) - Hơn 7 năm qua trên địa bàn biên giới giữa hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum tồn tại một làng chài giữa dòng Sê San. Dù đã được chính quyền tập trung lại bên dòng sông thuộc xã Ia Tơi (Kon Tum) nhưng cuộc sống những người dân chài vẫn “long đong” với mong ước một ngày có đất để lên bờ an cư… lập nghiệp.

7 năm “lênh đênh” trên dòng Sê San

Sông Sê San nằm giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum với tổng chiều dài sông chính là 237 km, diện tích lưu vực là 11.450 km. Hơn 7 năm qua những người dân từ khắp nơi đã đổ về dòng Sê San này để làm nghề chài lưới, đánh bắt các loại thủy sản. Trước đây người dân làng chài làm những ngôi nhà “nổi” tạm bợ trên mặt sông Sê San thuộc xã Ia O (Gia Lai). Sau khi đông quá nên một số nhà lại qua bên bờ xã Ia Tơi (Kon Tum) để đánh bắt cá mưu sinh.


Cuộc sống khó khăn của những bà con làng chài trên sông Sê San

Cuộc sống khó khăn của những bà con làng chài trên sông Sê San

Từ xa nhìn lại, làng chài bị cô lập giữa dòng sông, những căn nhà được xây rất đơn sơ. Những căn nhà được làm thân cây nứa và gỗ để ghép lại tiện cho việc di chuyển qua lại trên sông. Hiện tại, làng chài có hơn 24 hộ với gần 70 nhân khẩu, chủ yếu là những người miền tây như Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang và các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Thừa Thiên – Huế di cư lên cao nguyên này để đánh bắt và nuôi cá lồng bè.

Tâm sự với chúng tôi ông Nguyễn Văn Triều (41 tuổi, quê ở Tri Tôn, An Giang) cho biết, từ năm 2009 khi tiếng đồn về dòng sông Sê San có rất nhiều loại cá có lợi nhuận kinh tế cao nên nhiều người dân từ miền Tây đã đổ vào mưu sinh trên dòng sông này. Được vài năm thì họ đưa cả gia đình, con cái vào sống trên bờ sông này. Ông Triều chia sẻ thêm: “Ban đầu chỉ có một vài hộ ở đây. Họ dựng lều ở hai bên bờ sông thuộc xã Ia O (huyện Ia Grai) và xã Ia Tơi (huyện Ia HDrai) để đánh bắt cá… Sau được chính quyền vận động nên các hộ dân đã tập trung lại bên bờ này để đánh bắt cá và nuôi cá lồng bè…”

Mưu sinh đánh bắt cá trên sông Sê San của người dân làng chài
Mưu sinh đánh bắt cá trên sông Sê San của người dân làng chài

Hơn 7 năm qua, cùng vợ con lênh đênh kiếm sống trên sông Sê San, ông Trần Tằm (quê Sóc Trăng) trải lòng: “Ở quê ruộng đất không có, gia đình hoàn cảnh đang còn khó khăn. Thấy người anh họ vào đánh bắt cá được nên tôi đã vào theo. Được vài năm thì mấy mẹ con cũng vào theo để phụ giúp. Bình quân mỗi ngày kiếm được khoảng 200 ngàn đồng, dù không nhiều nhưng đỡ hơn ở quê. Trước đây, cá còn nhiều thì còn kiếm được, giờ tài nguyên cạn kiện nên đánh bắt phụ thuộc vào những đêm trăng sáng và kết hợp nuôi cá lồng bè...”

Buổi ngày những người dân làng chài nuôi cá lồng. Tối đến các hộ gia đình lại quay quần để đàn ca hát, đến khoảng 2-3 giờ sáng đồng loạt “gõ thuyền” sáng đèn ra sông đánh cá.

Hy vọng an cư để…lập nghiệp

Từ làng chài ra trung tâm xã Ia Tơi (huyện Ia HDrai, Kon Tum) phải vượt hơn 10 km đường rừng. Sống giữa dòng sông, làng chài bị tách biệt với thế giới xung quanh, không điện, không nước sạch lại cản trở về mặt giao thông. Con thuyền vừa là phương tiện di chuyển qua lại, vừa dùng mưu sinh đánh cá.


Làng chài được nhà nước hỗ trợ cá giống và thức ăn để chăn nuôi cá lồng

Làng chài được nhà nước hỗ trợ cá giống và thức ăn để chăn nuôi cá lồng

Ông Đinh Văn Thân (An Giang) cho biết: “Sống đây hơn 6 năm cuộc sống còn chật vật lắm. Mùa mưa nước lũ từ thượng nguồn đổ về đột ngột khiến căn nhà chao đảo theo làn sóng, nhiều gia đình sợ còn đưa con cái lên bờ gửi. Mùa nắng thì các nguồn hải sản cạn kiệt nên phải tập trung vào chăn nuôi cá lồng bè để kiếm thêm thu nhập.

Nhưng vấn đề mà nhiều hộ dân trăn trở là con em mình không được đến trường như bao trẻ cùng trang lứa. Vì chưa có đất nên không có hộ khẩu, cuộc sống nay đây mai đó. Vẫn biết tầm quan trọng của kiến thức đối với lớp trẻ, nhưng không còn cách nào hơn, nhiều gia đình đành phải cho con cái mình nghỉ học để phụ giúp cha mẹ việc nhà. Việc đến trường của các trẻ em làng chài bỗng chốc trở nên quá xa xôi.

Khó khăn trong việc học của các trẻ em làng chài
Khó khăn trong việc học của các trẻ em làng chài

Mới đây, UBND huyện Ia HDrai (Kon Tum) đã tích cực vận động và tạo điều kiện cho trẻ em 9/14 được đến trường. Đồng thời miễn học phí, hỗ trợ sách vở cho các em trẻ. Niềm vui với người dân làng chài đã được nhân lên, khi chính quyền huyện Ia H’Drai đã tiếp nhận và cấp giấy tạm trú cho 24 hộ dân.

Ông Chế Hồng Quyền- Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết: “Tình trạng người dân di cư tự do giữa hai xã thuộc hai tỉnh Kon tum và Gia Lai khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt và quản lý dân cư. Từ đó, nguy cơ nảy sinh nhiều vấn đề về mất an ninh trật tự trên địa bàn. Vì vậy, chúng tôi đã tham mưu cho huyện tiến hành cấp giấy tạm trú cho người dân làng chài và thời gian tới sẽ rà soát cấp đất và làm hộ khẩu di dân lên bờ để người dân hưởng các chế độ chính sách như những người dân trong vùng”.

Làng chài vất vả mưu sinh trên sông Sê San
Làng chài vất vả mưu sinh trên sông Sê San

Để hỗ trợ cho bác bà con làng chài an cư, lập nghiệp, chính quyền huyện Ia HDrai đã phối hợp các nghành chức năng cung cấp cá giống, thức ăn và hướng dẫn kĩ thuật cho bà con nuôi cá lồng bè cải thiện đời sống.

Phạm Hoàng