Những người Việt trên đất Nhật: cầu nối Việt - Nhật
(Dân trí) - Bén duyên với xứ sở mặt trời mọc, những người Việt trẻ dưới 40 tuổi đã không ngừng nỗ lực, nuôi dưỡng ước mơ và tìm ra cách riêng để trở thành cầu nối Việt - Nhật trong suốt nhiều năm qua.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Kim Ngân - người đang nỗ lực đóng góp cho công tác chuyển giao công nghệ kỹ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản; anh Nguyễn Huy Thắng - CEO Công ty cổ phần HBLAB, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KiddiHub - doanh nghiệp đưa chương trình giáo dục Nhật Bản vào các trường mẫu giáo Việt Nam và tiến sĩ Vũ Thùy Linh, hay còn được biết đến với danh xưng "tiến sĩ cá nóc" là ba người Việt trẻ dưới 40 tuổi, đang làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, giáo dục và công nghệ thông tin tại Nhật Bản.
Xuất phát điểm khác nhau nhưng điểm chung giữa họ lại là mối duyên với nước Nhật. Họ không chỉ xây dựng ước mơ của bản thân mà còn đóng góp vào sự phát triển mối quan hệ hai quốc gia.
Họ đã có những chia sẻ và gửi gắm thông điệp cho những ai đang ấp ủ giấc mơ sải cánh vươn xa tại buổi "Tọa đàm đặc biệt U40 cho thế hệ dẫn dắt tương lai" do ban tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam của phía Nhật Bản tổ chức vào cuối năm 2023.
Trước và sau khi đến Nhật Bản, hình ảnh đất nước này trong mắt anh chị đã thay đổi như thế nào?
- Chị Nguyễn Kim Ngân: Nước Nhật tuyệt vời hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi. Nhật Bản hấp dẫn tôi ở nhiều khía cạnh khác nhau: thiên nhiên tươi đẹp, đồ ăn ngon, văn hóa đặc sắc và đặc biệt là dịch vụ tận tâm, hiếu khách - hay còn gọi là tinh thần "Omotenashi". Ngoài ra, khi đến những bữa tiệc nhậu "Nomikai", tôi còn được thấy người Nhật trong dáng vẻ chân thật đời thường nhất của họ.
Anh Nguyễn Huy Thắng: Ngày nhỏ hay được nghe những câu như "tốt như hàng Nhật" hay "sơn Nhật, sơn đâu cũng đẹp" nên tôi cho rằng Nhật Bản là đất nước vô cùng hiện đại. Khi tôi theo học một trường đại học tại vùng nông thôn của Nhật, tôi chưa thực sự cảm nhận được hết điều này. Tuy nhiên, sau này đi làm, khi có cơ hội thăm quan một số doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, tôi nhận thấy: "À, Nhật Bản hiện đại với những sản phẩm chất lượng đây rồi!".
Chị Vũ Thùy Linh: Trước khi đến Nhật, ấn tượng của tôi là một đất nước rất quy củ, người Nhật rất nghiêm túc trong bộ vest đen chuyên nghiệp. Sau khi tới Nhật, tôi lại thấy ấn tượng về khía cạnh lạc quan, thân thiện của đất nước và con người Nhật Bản. Trong các buổi tiệc giao lưu, mọi người vui chơi hết mình và đó cũng là cơ hội để mọi người hiểu thêm về giá trị quan, suy nghĩ của nhau.
Sau thời gian sống và làm việc, anh chị thấy đâu là những kỹ năng, vai trò cần thiết ở Nhật Bản?
- Chị Ngân: Tôi nghĩ "Ho-Ren-So" (báo cáo - liên lạc - thảo luận) là kỹ năng thiết yếu. Ở Nhật, trước khi liên hệ với bất cứ ai để tìm kiếm sự hỗ trợ, điều quan trọng là bạn phải tự lý giải, nhận thức rõ ràng vấn đề của bản thân và chuẩn bị sẵn phương án giải quyết. Chỉ khi ấy, đối phương mới đánh giá cao sự nỗ lực của bạn và sẵn lòng giúp đỡ. Bạn cũng nên tuân thủ các nguyên tắc trong cuộc sống ở Nhật, từ điều đơn giản như không ăn uống trên tàu điện. Ngoài ra, để hỗ trợ công việc giảng dạy, tôi vẫn cần nâng cao hơn nữa trình độ tiếng Nhật.
Chị Linh: Vì người Nhật nhiều khi không thể hiện tất cả những điều họ muốn qua lời nói nên kỹ năng quan sát tinh tế, khả năng "đọc bầu không khí", có thể đoán biết được điều mà đối phương muốn truyền đạt tùy theo ngữ cảnh là rất quan trọng. Ngoài ra, vì là người nước ngoài, không hiểu hết tiếng Nhật 100%, tôi nghĩ chúng ta nên trung thực, nói chính xác mức độ hiểu vấn đề của bản thân cho người Nhật. Bên cạnh đó, kỹ năng quản lý thời gian và tuân thủ quy định về thuế cũng rất cần thiết.
Anh Thắng: Tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị tốt vốn tiếng Nhật để có thể nói lên ý kiến của bản thân, từ đó được đánh giá cao trong công việc. Một người phát huy được những đặc tính tốt đẹp của người Việt Nam như ý chí học hỏi cao, thái độ tích cực và lạc quan, nhiệt huyết trong công việc chắc chắn sẽ được trọng dụng. Tham gia các buổi tiệc giao lưu, tôi thấy nhiều người Nhật hiểu, tôn trọng cách nghĩ, giá trị quan của tôi. Họ cũng rất quan tâm đến chủ đề lịch sử, vì thế tôi nghĩ mình cần trang bị thêm nhiều trải nghiệm và kiến thức hơn nữa.
Điều gì khiến anh chị cảm thấy may mắn khi đã chọn sống, làm việc tại Nhật Bản?
- Chị Ngân: Nhật Bản là nơi giúp tôi biến ước mơ thành sự thật. Tôi hay được người Nhật hỏi "ước mơ của bạn là gì?". Giáo sư người Nhật ở trường đại học đã luôn lắng nghe câu chuyện về mơ ước của tôi và cho tôi rất nhiều lời khuyên. Tôi cũng chưa từng bị phán xét hay cười nhạo về ước mơ của mình.
Anh Thắng: Người Nhật rất kiên nhẫn, kiên trì hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức cho người nước ngoài. Nhờ những lời khuyên ấy mà tôi có sự trưởng thành như ngày hôm nay.
Chị Linh: Ở Nhật, từ sản xuất cho đến vận hành, lưu thông, tất cả mọi thứ đều có sẵn quy trình và phải tuân thủ theo quy tắc nhằm giảm thiểu rủi ro. Vì thế, điều cần thiết ở đây chính là quy trình kiểu Nhật và kỹ năng quản lý rủi ro. Kỹ năng này không chỉ hữu ích trong công việc mà còn có thể ứng dụng trong đời sống thường ngày.
Mục tiêu trong tương lai của anh chị là gì?
- Chị Ngân: Giáo dục Nhật Bản đã thay đổi cuộc đời của tôi. Vì thế, tôi cũng muốn giống như giáo sư của mình, không chỉ cho sinh viên kiến thức mà còn có thể trở thành người đồng hành, hỗ trợ các bạn trẻ theo đuổi ước mơ. Tôi đang chuẩn bị tổ chức hội thảo miễn phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vùng Tohoku để giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh thị trường Việt Nam cũng như những thách thức khi đầu tư vào đây.
Anh Thắng: Tôi sở hữu một công ty IT nước ngoài (offshore) dành cho thị trường Nhật Bản. Chúng tôi đã gửi 400 nhân sự tới các công ty Nhật Bản. Sau này, tôi muốn cung cấp thêm nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, khoảng 1.000 người cho thị thường Nhật Bản. Các bạn kỹ sư đều rất thông minh, nhưng thứ các bạn thiếu là kỹ năng mềm và kinh nghiệm. Vì thế, tôi mong rằng công ty mình có thể đào tạo thêm nhiều nhân tài, những người nắm rõ cách thức làm việc (know-how) của Nhật Bản.
Chị Linh: Tôi muốn phổ biến văn hóa ẩm thực cá nóc của Nhật Bản tới Việt Nam thông qua việc thành lập một hiệp hội quy tụ các nhà nghiên cứu, chuyên gia chế biến cá nóc người Nhật để hướng dẫn người Việt cách chế biến cá nóc an toàn. Tôi cũng muốn thành lập một công ty xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp lớn Nhật Bản mà không cần qua các khâu trung gian, đại lý.
Anh chị muốn gửi gắm thông điệp nào đến thế hệ tương lai?
- Chị Ngân: Hãy lập ra những mục tiêu cụ thể, phù hợp với năng lực của bản thân. Bạn có thể chưa quen với một xã hội phát triển và nhiều quy tắc như Nhật Bản, nhưng mỗi lần hoàn thành một mục tiêu nhỏ bạn sẽ được tiếp thêm sự tự tin để đạt được những mục tiêu tiếp theo. Ngoài ra, khi ở nước ngoài, hãy xây dựng mạng lưới mối quan hệ, dù ở trường học, nơi làm việc hay trong cuộc sống hàng ngày. Việc kết giao với những người giỏi và tử tế sẽ giúp bạn có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Anh Thắng: Bắt đầu từ tiếng Nhật và hãy trang bị cho mình thật nhiều kỹ năng. Đừng nóng vội kỳ vọng bạn sẽ gặt hái được thật nhiều kinh nghiệm hay nguồn lực kinh tế. Thay vào đó, hãy tận dụng nhiệt huyết, dũng khí tuổi trẻ và nâng cao tri thức. Người Nhật rất tích cực hỗ trợ và đưa lời khuyên cho người nước ngoài, chỉ cần nỗ lực và cố gắng, bạn sẽ học được rất nhiều. Dù sống ở đất nước nào cũng đừng đánh mất mình, hãy tiến về phía trước với tinh thần lạc quan của người Việt.
Chị Linh: Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, mong bạn sẽ không quên mục đích và mơ ước ban đầu khi đến với Nhật Bản. Trong mọi hoàn cảnh, người Nhật đều đánh giá cao những người trung thực. Hãy trung thực, đặc biệt là với bản thân mình và mang theo tinh thần tử tế, chuyên nghiệp. Như thế, bạn sẽ thu hút những điều tích cực, không chỉ trong sự nghiệp mà cả mọi khía cạnh của đời sống. Ngoài ra, hãy tìm hiểu và học hỏi về thuế.