Những người phụ nữ của biển
(Dân trí) - Mới 3-4 giờ sáng, những người phụ nữ xóm biển đã bắt đầu í ới gọi nhau, tất bật chuẩn bị cho chuyến lặn biển lúc sáng sớm. Đó là hình ảnh quen thuộc của những người phụ nữ Nam Ô, phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.
Sinh ra và lớn lên từ mồ hôi cha mẹ và vị mặn của biển, những người phụ nữ ấy đến lượt mình lại lặn lội với đủ nghề bám biển mưu sinh.
Từ lúc trời còn chưa sáng, những chị em phụ nữ Nam Ô đã lục tục kéo nhau ra biển, theo những chiếc thuyền thúng ra tận bến Sơn Trà, Hòn Chảo, Hòn Hành, Mũi Nghê... để lặn biển.
Trong lúc đàn ông lái thúng, thì những người phụ nữ tranh thủ chợp mắt, đến nơi cũng mất hơn 2 tiếng đồng hồ, đúng 6 giờ sáng họ ăn vội qua loa vắt cơm hoặc nắm xôi mang theo rồi bắt đầu lặn biển.
Ngoài chiếc kính lặn biển và đôi găng tay, không ai dùng bình dưỡng khí hay bất cứ dụng cụ bảo hộ nào. Mùa mưa thì trùm theo chiếc áo mưa tiện lợi cho ấm. Ngâm mình suốt nhiều giờ dưới nước, các chị đuổi theo những con khởi, cạy tìm các loại ốc nón, ốc trinh nữ, bào ngư...
Những vết xước của những chuyến lặn, cào hàu, đuổi theo những con khởi, bào ngư
Mỗi hơi lặn kéo dài chừng 30-40 giây, trong khoảng thời gian dưới nước họ lần mò trong những hang ốc, trong các rạng san hô, hốc đá,…tìm ốc biển, bào ngư,... Mọi động tác phải nhẹ nhàng nhằm tránh nước khua động, chúng sẽ trốn vào hang sâu, hoặc ẩn mình dưới cát,…Khi thấy “mục tiêu”, thợ lặn dùng vợt hoặc dùng tay để bắt. Thông thường, chị em sẽ chọn những con to, đến lúc thu hoạch còn những con nhỏ để lại cho lần sau chứ không tận diệt.
Sau mỗi chuyến đi biển, ốc được đưa tập trung về một chỗ để phân loại và chờ đầu nậu đến thu mua. Có hôm đầu nậu không thu mua hết, mọi người lại chia nhau đem bán tại các chợ chiều.
Cô Huỳnh Thị Huệ (tổ 116, Nam Ô, Hòa Hiệp) chia sẻ: “Tôi bắt đầu nghề lặn này từ thời con gái, đến nay cũng hơn 20 năm rồi. Mỗi chuyến lặn biển cho thu nhập từ 500-700 ngàn, cũng đủ sống và nuôi con cái ăn học. Những hôm biển động, sóng dữ thì đành trắng tay trở về, nghề này chủ yếu phụ thuộc vào con nước, thời tiết”.
Mùa nào thức nấy, mùa hè thì lặn biển bắt ốc, bào ngư,..., đến mùa mưa, biển động họ lại kéo nhau đi cào rong biển hoặc ngồi nhà đan lưới.
Theo cô Huệ, chưa có khi nào biển lại cạn kiệt như bây giờ, khi xưa chỉ cần lặn gần cũng đã có khối hải sản mang về. Nhưng, giờ đây phải đi xa ra đến tận Hòn Chảo, Mũi Nghê, hoặc xa hơn... mới hy vọng được.
Cô Nguyễn Thị Qua (Nam Ô) không nhớ mình đã làm nghề lặn biển bao lâu, chỉ biết từ thời con gái đã theo các chị em trong làng đi thuyền thúng ra tận bến Sơn Trà lặn biển. Mùa nào thức nấy, làm quanh năm cũng chỉ đủ sống, không ít lần trầy sướt, sứt móng... vì mải mê cạy hàu hoặc đuổi theo mấy con khởi. Cả ngày ngâm mình trong nước, lặn ngụp cùng con sóng, tay chân cô dần chuyển sang màu bợt bạt, da tay sun hết lại.
Cực nhọc, nguy hiểm, nhưng những “bóng hồng” ấy vẫn luôn nở nụ cười trên môi, được vùng vẫy cùng con sóng với họ âu cũng là niểm vui. Sau mỗi chuyến ra khơi trở về, niềm an ủi lớn nhất của họ là có đủ tiền để trang trải cho cuộc sống hằng ngày, nhìn con thơ khôn lớn từng ngày, học hành đến nơi đến chốn.
Việc lặn biển luôn rình rập nhiều mối nguy hiểm khó lường trước đã thôi thúc họ đoàn kết, gắn bó với nhau. Cùng nhau làm việc, họ có người bầu bạn, người trợ giúp khi gặp khó khăn. Đó cũng chính là điều gắn bó, cùng sẻ chia trong cuộc sống thường ngày.
Theo cô Nguyễn Thị Hồng (Nam Ô 2, phường Hòa Hiệp) cho biết: “Bây giờ ở Nam Ô còn khoảng 12 phụ nữ chuyên theo nghề lặn biển. Hầu hết họ đều đã qua tuổi tứ tuần, hết đời họ thì chắc nghề lặn biển cũng rơi vào quá khứ. Nghề biển quá vất vả, hiểm nguy rình rập nhưng thu nhập thì bấp bênh, chúng tôi đã khổ rồi thì con cái phải được ăn học đàng hoàng, có nghề nghiệp ổn định”.
N.Linh