Nghệ An
Những người đẩy đuổi con “ết” tại "thủ phủ ma túy"
(Dân trí) - Để hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV, nhân viên tiếp cận cộng đồng, y tế thôn bản phải tìm người nghiện ma túy để phát kim tiêm. Nhờ vậy tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tiêm chích tại huyện Quế Phong đã được cải thiện một cách đáng kể
Tìm người nghiện để phát kim tiêm sạch
Quế Phong (Nghệ An) đã từng được xem là thủ phủ ma túy, là điểm trung chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam. Bởi vậy, số lượng người nghiện ma túy ở đây nhiều là cũng là điều dễ hiểu. Có những thời điểm mà như ông Lê Quang Trung – Phó GĐ Trung tâm y tế huyện Quế Phong thì “hiệu thuốc chỉ cần bán riêng kim tiêm thôi là đã giàu rồi”. Có tiền thì mua kim tiêm chích riêng. Khi không có tiền, người nghiện sẵn sàng chích chung kim tiêm với nhau. Bởi vậy, tình trạng lây nhiễm HIV qua đường tiêm chích một thời đã là nỗi ám ảnh của người dân cũng như những người có trách nhiệm nơi đây.
Hiện có 627 người nghiện ma túy đang điều trị Methadone tại Trung tâm y tế huyện Quế Phong. Tuy nhiên theo ông Sầm Văn Lâm – Trưởng phòng kiểm soát dịch bệnh, HIV/AIDS (Trung tâm y tế huyện Quế Phong) thì số người nghiện nhiễm HIV đang được quản lý chỉ chiếm một số lượng rất ít trong tổng số 735 người nhiễm HIV đang điều trị ARV tại đây. “So với trước đây, tỷ lệ người nghiện ma túy nhiễm HIV đã giảm đi rất nhiều. Kết quả đó có sự đóng góp rất nhiều từ công sức của đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng”, ông Lâm nhận định.
Để giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV qua đường tiêm chích, Trung tâm y tế huyện Quế Phong đã lập 14 điểm phát bơm kim tiêm miễn phí tại các trạm y tế xã. Tuy nhiên, số người nghiện ma túy đến đây để lấy bơm kim tiêm rất ít. “Có những lúc đặt 1 hộp bơm kim tiêm sạch (mỗi hộp 100 chiếc) nhưng mãi không hết. Nhiều người nghiện ma túy không đi lấy kim tiêm vì ngại công khai, sợ bị chê cười nên hoặc là bắt vợ con ra lấy hoặc là chích chung kim tiêm với người khác”, chị Hà Thị Hoa (nhân viên y tế bản Ná Chạng, xã Tiền Phong, Quế Phong) cho biết.
Phát bơm kim tiêm miễn phí nhưng người nghiện ma túy không đến lấy, bởi vậy phải tìm người nghiện mà phát bơm, kim tiêm. Nhiệm vụ này được giao cho đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng của Trung tâm y tế huyện. Tùy theo số lượng người nghiện nhiều hay ít, mỗi xã có 1 đến 2 nhân viên tiếp cận cộng đồng. Ngân Văn Un (SN 1980, xã Châu Kim) là một trong những thành viên của đội ngũ này.
“Nghiện còn cai được nhưng “ết” là cầm chắc cái chết”
Un đã từng có thời gian nghiện ma túy, hiện đang điều trị Methadone tại Trung tâm y tế huyện Quế Phong. Là người từng nghiện ma túy nên Un biết cách để tiếp xúc với những người nghiện. “Phải tìm đến họ, vận động họ sử dụng bơm kim tiêm sạch. Phải giải thích cho họ hiểu dùng bơm kim tiêm sạch thì tránh được cái con “ết”, mà tránh được con “ết” thì sống lâu hơn. Nghiện còn cai được chứ bị “ết” là cầm chắc cái chết”, Ngân Văn Un tâm sự.
Nhưng để người nghiện ma túy tin mình muốn làm điều tốt cho họ không phải là dễ. Họ sợ mình tiếp cận là để báo công an bắt đi cai nghiện tập trung. Bởi vậy, để người nghiện tin và tìm đến các điểm phát bơm kim tiêm sạch miễn phí đòi hỏi nhân viên tiếp cận cộng đồng phải hết sức kiên trì, nhẫn nại trong việc vận động, thuyết phục.
Sáng sớm, Un lên Trung tâm y tế huyện nhận 1 hoặc 2 hộp bơm kim tiêm, tìm đến những nơi người nghiện hay tập trung, chọn một chỗ vừa đủ khuất tầm nhìn của những người tò mò nhưng lại để người nghiện có thể nhìn thấy, đặt hộp bơm kim tiêm ở đó rồi… đi về.
Chúng tôi theo chân Ngân Văn Un đến địa điểm đặt bơm kim tiêm ở một bãi đất trống, bao phủ bằng một dãy cây dại cao hơn đầu người. Un leo lên một mỏm đá, đặt hộp kim vào đó. Đến trưa chúng tôi quay lại, hộp kim tiêm đã vơi một nửa. Xung quanh vương vãi những xilanh đã dùng vẫn còn dính máu. Un có nhiệm vụ thu nhặt những chiếc kim tiêm bẩn cho vào túi đưa về Trung tâm y tế để xử lý. “Có thời điểm chỉ trong vòng 1 ngày, cả hộp 100 chiếc kim tiêm hết veo. Có cả người nghiện trong xã dùng, cũng có khi là người nghiện ma túy ở nơi khác đến”, Un cho biết.
“Khuyến mãi” cho người nghi nhiễm HIV đi xét nghiệm máu
Không chỉ có nhiệm vụ phát bơm kim tiêm miễn phí cho các đối tượng nghiện, đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng còn có nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại địa bàn mình quản lý, trong đó có việc phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su. Lương Văn D. (SN 1991, bản Ná Chạng, xã Tiền Phong) được kết luận nhiễm HIV từ hồi tháng 8. Rất may D. chưa lây nhiễm căn bệnh này cho vợ.
Từ hồi D. nhiễm bệnh, chị Hà Thị Hoa đến tận nhà giải thích cặn kẽ về bệnh, về cách phòng chống lây lan từ chồng sang vợ. Vợ chồng D. còn được phát bao cao su miễn phí. “Phải dùng bao cao su để bảo vệ cho vợ nữa, cán bộ y tế nói vậy mà. Bây giờ hai vợ chồng mà không có bao cao su là “nhịn”, không dám “sinh hoạt” đâu”, Lương Văn D. nói.
Chị Hà Thị Hoa cho biết: “Nhận thức của đồng bào về căn bệnh này mặc dù đã tốt hơn trước nhưng vẫn đang còn hết sức hạn chế. Có những gia đình có chồng bị nhiễm HIV nhưng khi chúng tôi đến vận động người vợ và con đi xét nghiệm máu thì họ không nghe. Không những thế, họ còn đuổi chúng tôi về vì nghĩ rằng chúng tôi muốn điều xấu đến với họ”.
Đến tháng 11/2015, Quế Phong có 432 người đã tử vong vì nhiễm HIV/AIDS. Hiện Quế Phong đang đứng thứ 2 toàn tỉnh Nghệ An, sau Tp Vinh về số lượng người nhiễm HIV/AIDS. Con đường lây nhiễm HIV tại Quế Phong chủ yếu qua đường tiêm chích, quan hệ tình dục và mẹ truyền sang con.
Nói không phải ai xa lạ, người em chồng của chị Hoa bị nhiễm căn bệnh thế kỷ nhưng sau nhiều lần tiếp cận, chị Hoa vẫn không thể vận động được em dâu đưa đứa cháu 5 tuổi đi xét nghiệm máu. “Phải kiên trì, mình đến 1 lần họ không nghe, họ đuổi về thì mình đến lần 2, đến lần 3, nói cho đến khi họ hiểu ra thì thôi. Nói thế chứ nhiều lần vận động người nghi nhiễm đi xét nghiệm máu phải “khuyến mãi” chở đi, đón về họ mới chịu đi”, Un tâm sự.
Trước đây, là nhân viên tiếp cận cộng đồng kiêm y tế thôn bản, Un nhận được mỗi tháng trên dưới 5 triệu đồng. Ngoài số tiền “lương cứng” của y tế thôn bản, thu nhập của đội ngũ này phụ thuộc vào việc vận động người nghi nhiễm HIV đi xét nghiệm máu cũng như số lượng bơm kim tiêm phát ra, thu về cho người nghiện sử dụng.
“Dạo này thu nhập chỉ còn 3 triệu đồng nữa nhưng vui hơn trước. Mình được ít tiền nghĩa là có ít người nghiện ma túy hơn, ít người nghi nhiễm HIV hơn”, Ngân Văn Un vui vẻ tâm sự.
Hoàng Lam