Những ngôi làng kỳ lạ "có một không hai" ở Việt Nam

(Dân trí) - Không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam cũng có nhiều ngôi làng đặc biệt, kỳ lạ như: Làng ăn sâu bọ, làng mổ xác máy bay hay làng xuất ngoại buôn tóc.

Cả làng mang vàng ra… đập!

Kiêu Kỵ là làng nghề truyền thống chuyên làm vàng quỳ, thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, có lịch sử trên 400 năm do danh nhân tổ nghề Nguyễn Quý Trị chế ra và truyền dạy.

Đến Kiêu Kỵ hôm nay, từ xa đã nghe tiếng âm vang khúc nhạc đập quỳ khoan mau, suốt ngày không dứt. Những thỏi vàng thật 24k hoặc bạc trắng được các nghệ nhân ở đây đập dập cho dài và mỏng sau đó cắt thành những hình vuông nhỏ chừng 1cm2 rồi đặt vào lá quỳ.

Mỗi một quỳ sẽ được các nghệ nhân dùng vải dường bâu Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng búa chuyên dụng đập lên tập lá quỳ để đảm bảo các lá vàng được tán mỏng, đều và không bị rách.
Mỗi một quỳ sẽ được các nghệ nhân dùng vải dường bâu Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng búa chuyên dụng đập lên tập lá quỳ để đảm bảo các lá vàng được tán mỏng, đều và không bị rách.

Mỗi quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ 1cm2, dùng vải dường bâu Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng loại búa chuyên dụng đập lên tập lá quỳ, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ.

Người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn 1m2. Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng một giờ liên tục. Tính ra phải đập trên 400 nhát búa cho một quỳ vàng. Còn ở giai đoạn cuối, khi gỡ vàng trả khách, người thợ phải làm việc trong phòng kín gió.

Để hoàn thành một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng 1 giờ liên tục. Tính ra phải đập trên 400 nhát búa cho một quỳ vàng.
Để hoàn thành một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng 1 giờ liên tục. Tính ra phải đập trên 400 nhát búa cho một quỳ vàng.

Nghề làm vàng quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải kiên trì cần mẫn lao động với những thao tác và kỹ thuật chuẩn. Cho đến nay, Kiêu Kỵ vẫn là làng duy nhất trong cả nước làm nghề này. Hầu hết các làng làm nghề tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối, hoặc làm hàng sơn mài… đều là những bạn hàng của làng Kiêu Kỵ.

Làng nói “tiếng lóng” độc đáo nhất Hà Nội

Nằm giữa ngã ba sông Lương và sông Nhuệ, làng Đa Chất cách Hà Nội khoảng 40km được coi là người “anh cả” của xã Đại Xuyên, Phú Xuyên. Đây là ngôi làng duy nhất của Thủ đô đang lưu giữ một dòng ngôn ngữ cổ mà nếu không phải là người dân sở tại, muốn nghe được, hiểu được bạn phải có người… phiên dịch!

Theo sự chỉ dẫn, tôi tìm đến ngôi đình cổ của làng để gặp được ông Nguyễn Ngọc Đoán – ông từ đình và là người hiểu rõ về ngôn ngữ cổ của làng. Khi gặp tôi, ông vui vẻ hỏi: “Mỗ bao nhiêu rực?”, “Mỗ đã có xảo chưa?”. Tôi ngớ người, sững lại trước câu hỏi của ông. Ông cười và nói rằng đó chính là thứ ngôn ngữ đặc biệt của làng. Ông Đoán giải thích: Chiếu theo lệ tục của làng, hễ gặp người làng, trước tiên là phải dùng thứ ngôn ngữ này để trao đổi với nhau không các cụ quở. Vừa rồi ông hỏi là: “Cháu bao nhiêu tuổi?”, “ Cháu đã lấy chồng chưa?”.

Làng Đa Chất được xem là ngôi làng hiếm hoi vẫn còn lưu giữ tiếng lóng, cổ độc đáo
Làng Đa Chất được xem là ngôi làng hiếm hoi vẫn còn lưu giữ tiếng lóng, cổ độc đáo

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, ngôn ngữ của làng Đa Chất được lưu giữ từ thời Văn Lang - Âu Lạc, và đây cũng là ngôi làng duy nhất còn giữ được tiếng cổ.

Cụ Lê Đình Hiệp (91 tuổi), người nhiều tuổi nhất làng và cũng là người am hiểu về ngôn ngữ riêng biệt này cho biết: “Chỉ có người làng Đa Chất mới sử dụng ngôn ngữ này, những người ngoài làng thì không thể. Vùng đất làng này có một mãnh lực mà chỉ khi sống ở đất làng mới có thể thông thạo được ngôn ngữ làng. Cứ ra khỏi làng là quên, các cô gái trong làng đi làm dâu xứ khác cũng chỉ một thời gian là không nói thành thạo được tiếng làng mình nữa”.

Làng “mổ” xác máy bay “có một không hai”

Làng Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc nhờ vào nghề “mổ” xác máy bay. Con đường bê tông dẫn vào làng ngổn ngang một dãy xác máy bay to, tròn, dài. Trong đó có những chiếc như MiG 19, MiG 21 đến IL18, nhiều công nhân đang “mổ” mỗi người một việc.

Lúc nào làng Quan Độ cũng rộn ràng thu mua phế liệu.
Lúc nào làng Quan Độ cũng rộn ràng thu mua phế liệu.

Chỉ bằng những công cụ đơn giản như búa đục, cuốc chim và xà beng hay chiếc đèn khò, những chiếc máy bay cũ đã được những “thợ xẻ” phân loại đâu ra đấy nhiều nhất vẫn là nhôm. Một công nhân cho biết, để tháo rời mỗi cái thân máy bay chỉ mất khoảng 4-5 công. Nhưng để bóc tách các phần ở khoang đầu thì không đơn giản và phải mất thời gian. Và các mảnh kim loại từ xác máy bay được phân loại và xếp riêng ra từng góc.

Người làng tất bật phân loại phế liệu
Người làng tất bật phân loại phế liệu

Quan Độ hôm nay có gần 400 hộ dân, có trên 40 doanh nghiệp tư nhân, gần 80 ôtô các loại. Ngoài nghề mổ xác máy bay, làng Quan Độ còn mổ... tên lửa, thiết giáp và cả chiến hạm.

Bên cạnh đó, đầu ra của những phế liệu này có nơi tiêu thụ ngay... trong xã. Làng Mẫn Xá được mệnh danh là làng nghề cô đúc nhôm nằm sát ngay làng Quan Độ. Sau khi mổ xác máy bay xong, nhôm lại được dân làng Mẫn Xá mua ngay. Sắt vụn đưa sang Đa Hội, Đông Anh (Hà Nội), dây dẫn, động cơ cho về chợ trời Hà Nội...

Làng ăn sâu bọ ở Tây Nguyên

Đầu mùa mưa, các loại sâu ăn lá không biết từ đâu về “cập bến” Tây Nguyên làm hại mùa màng của dân. Lúc đầu là số sâu đếm trên đầu ngón tay, về sau, sâu sinh sôi nảy nở nhanh chóng và có mặt ở khắp các cành cây, ngọn lá.

Dùng thuốc trừ sâu nhưng tác dụng với loài sâu muồng phá hại cây cối mùa màng, người dân ở một số huyện các tỉnh Tây Nguyên đã nghĩ ra biện pháp "lấy độc trị độc”: bắt "giặc cây” đem về chế biến thành món ăn.

Những ngôi làng kỳ lạ "có một không hai" ở Việt Nam - 6

Ban đầu khi mới ăn sâu, không ít người dân sợ bị bệnh tật vào người nhưng sau này ăn nhiều họ lại trở nên nghiện món ăn này. Khi rảnh rỗi một số người dân lại cùng những chiếc rổ nhựa, vài cái gậy đi đến các cây muồng bắt sâu đem về ăn. Sâu nhiều đến nỗi đi bắt chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút đã đầy một rổ nhỏ.

Sâu được bà con nơi đây chế biến thành nhiều món như: hấp, rán, xào, nướng… Hiện nay, món ăn này đã ít được sử dụng hơn và bà con cũng có những biện pháp để giảm thiểu sâu bệnh làm hại mùa màng.

Kỳ lạ ngôi làng có 200 người xuất ngoại... buôn tóc

Nghề buôn tóc không lạ, nhưng cả làng có tới 400 nhà buôn tóc, giao dịch với khách hàng khắp "năm châu bốn biển" thì quả thực hiếm. Không những vậy, lúc đỉnh điểm có tới 200 người xuất ngoại để thu mua tóc khắp Đông Dương. Nhờ tóc mà người dân xã Hồng Đà (huyện Tam Nông, Phú Thọ) được người ta biết đến, nhờ tóc mà hàng trăm ngôi biệt thự mọc lên. Và cũng nhờ tóc mà Hồng Đà dần dần được người ta gọi với cái tên "làng tỷ phú".

Ông Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hồng Đà nhớ lại: “Dân ở đây rất nhạy bén với thị trường. Khi buôn sắt vụn kiếm được vốn, nhận thấy nghề buôn tóc mới là nghề “hốt bạc”, chẳng ai bảo ai thế là thành làng nghề buôn tóc”.

Mỗi chuyến xuất ngoại của người dân Hồng Đà kéo dài khoảng 1 đến 2 tháng, hầu hết những chuyến đi như vậy đều thắng lớn
Mỗi chuyến xuất ngoại của người dân Hồng Đà kéo dài khoảng 1 đến 2 tháng, hầu hết những chuyến đi như vậy đều thắng lớn

Những ngày đầu đi chợ tóc, người may mắn có khi kiếm vài triệu một ngày, không thì cũng phải kiếm tiền trăm. Số tiền quá lớn ấy khiến nhiều người ở Hồng Đà phải thốt lên: “như thể một giấc mơ!”. Họ tràn đi khắp nơi, kể cả tận những bản làng xa xôi để thuyết phục người ta bán tóc. Thế rồi nguồn tóc cũng cạn dần, dân làng lại bảo nhau chuyển địa bàn thu mua sang tận nước bạn Lào, Campuchia. Theo các cán bộ địa phương, số lượng hộ chiếu của tỉnh Phú Thọ thì Hồng Hà chiếm vị trí hàng đầu. Hiện cả xã có xấp xỉ 200 hộ chiếu do Công an tỉnh cấp.

Mỗi chuyến xuất ngoại của người dân Hồng Đà kéo dài khoảng 1 đến 2 tháng, hầu hết những chuyến đi như vậy đều thắng lớn. Người may mắn có thể gom được cả tạ tóc, trung bình cũng được vài chục cân tóc đẹp. Trừ mọi chi phí, mỗi người cũng được cả vài chục triệu.

Hà Trang

Tổng hợp