Những “góc khuất” phía sau các thương hiệu hạng sang (kỳ 2)

(Dân trí) - Những thương hiệu hạng sang luôn khiến người ta tò mò bởi sự độc đáo của nó. Tuy nhiên đằng sau những thương hiệu đáng giá hàng chục tỷ đô này cũng có những thăng trầm vượt thời gian.

2. Prada


Cửa hàng Prada với lối thiết kế sang trọng tại thành phố Milan, Ý.

Cửa hàng Prada với lối thiết kế sang trọng tại thành phố Milan, Ý.

Prada là thương hiệu thời trang đến từ nước Ý và cũng có lịch sử khá giống với Gucci. Prada đã trải qua hơn 100 năm thăng trầm nhưng với sự hẫu thuẫn tuyệt vời từ cuộc hôn nhân hạnh phúc giữa 2 vợ chồng cháu gái của “cha đẻ” Mario Prada nên Prada vẫn là một trong những thương hiệu đắt giá nhất hành tinh.

Mario Prada đã bắt đầu xây dựng thương hiệu Prada tại thành phố Milan, Ý vào năm 1913. Khởi nguồn là một cửa hàng mang tên House of Prada chuyên bán đồ da cao cấp, từ những chiếc valy du lịch sang trọng cho đến những chiếc túi da nhập khẩu, hộp đựng trang điểm, phụ kiện sang trọng từ các nhãn hàng cao cấp khắp nơi trên thế giới. Khách hàng của House of Prada là những ngôi sao nổi tiếng tại thành phố thời trang Milan vào những năm đầu thế kỷ 20. Chính bởi luôn định vị khách hàng là giới quý tộc nên những hàng hoá của House of Prada luôn được thiết kế riêng bằng thủ công với chất liệu tốt và tinh xảo nên danh tiếng của thương hiệu này được giới nhà giàu xứ châu Âu yêu chuộng. Danh tiếng của Prada nổi như cồn vào thời điểm đó và đến năm 1919, Prada được phép cung cấp cho toàn bộ hoàng gia Ý và được phép sử dụng huy hiệu của hoàng gia trong các sản phẩm của mình.

Năm 1858, ông Mario Prada qua đời. Tuy nhiên, người con trai của ông không hề có hứng thú để tiếp quản cửa hiệu bán đồ da nổi tiếng của cha mình. Lúc sinh thời, vì thành kiến với phụ nữ, Mario không cho phép bất kỳ một thành viên nữ nào trong gia đình được làm việc tại cửa hàng vì ông cho rằng phụ nữ không có khả năng kinh doanh. Vì sự thờ ơ của người con trai nên con dâu của Prada phải tiếp quản công việc kinh doanh trong gần 20 năm. Danh tiếng của Prada thực sự bùng nổ vào cuối những năm 70 khi cô cháu gái nhỏ tuổi nhất của Mario Prada là Miuccia Prada kế thừa gia sản với tấm bằng tiến sỹ khoa học chính trị trong tay và chỉ muốn trở thành diễn viên kịch câm. Tuy nhiên, Miuccia đã dành hết tâm huyết của mình vào các ý tưởng đột phá và sáng tạo nên đã đưa Prada trở thành thương hiệu đồ da hàng đầu thế giới - điều mà ít ai có thể nghĩ đến.


Hai vợ chồng Patrizio Bertelli và Miucia Prada.

Hai vợ chồng Patrizio Bertelli và Miucia Prada.

Cuộc gặp gỡ giữa một đầu óc kinh doanh Patrizio Bertelli với một thiên tài về thiết kế đã giúp Prada làm khuynh đảo làng thời trang thế giới. Thời đó, cuối những năm 70 của thế kỷ 20, cô cháu gái nhỏ tuổi nhất của Mario Prada đã bắt tay hợp tác với Patrizio Bertelli, một doanh nhân người Ý chuyên kinh doanh đồ da. Từ một đối tác, thời gian đã gắn kết 2 người và đến năm 1987, cặp đôi trời định này đã nên duyên vợ chồng. Cũng từ đó, Prada mở ra một trang mới khi Patrizio Bertelli khuyên vợ mình nếu muốn xây dựng một đế chế thời trang thì ngừng việc bán các nhãn hiệu thời trang khác trong cửa hàng của mình mà chỉ nên phát triển các mẫu mang thương hiệu Prada với đẳng cấp thế giới.

Bước khởi đầu thành công vang dội của Miuccia Prada chính là ý tưởng về chiếc túi xách và balo sử dụng chất liệu nylon chống thấm nước với màu đen rất đặc trưng sau này của Prada thay vì sử dụng chất liệu da như trước đây. Tại thời điểm đó, năm 1984, sự táo tạo đã gây chấn động làng thời trang, đã giúp Prada trở thành gương mặt của thời trang hiện đại và xa xỉ.


Phong cách thiết kế táo bạo đã giúp Prada trở thành biểu tượng thời trang trên toàn thế giới.

Phong cách thiết kế táo bạo đã giúp Prada trở thành biểu tượng thời trang trên toàn thế giới.

Đến năm 1982, Prada tung ra thị trường bộ sưu tập giày nữ đầu tiên. Đây cũng là thời điểm Prada bắt đầu bành trướng khắp châu Âu, tấn công các thành phố Florence (Ý), Paris (Pháp) và Madrid (Tây Ban Nha). Năm 1986, Prada mở cửa hàng đầu tiên tại Mỹ ở thành phố New York. Tất cả các cửa hàng của Prada đều giữ nguyên phong cách từ cửa hàng đầu tiên nhưng thiết kế hiện đại và hào nhoáng hơn.

Năm 1985, cô cháu gái tài hoa của Mario Prada trình diễn bộ sưu tập quần áo đầu tiên sử dụng chất liệu vải cao cấp. Danh tiếng của Miuccia Prada tiếp tục nổi như cồn, và bà được biết đến như một nhà thiết kế tài hoa dù không có một bằng cấp nào về lĩnh vực thời trang.


Chiếc túi nylon chống thấm nước đầu tiên của Prada làm khuynh đảo cả ngành thời trang thời đó.

Chiếc túi nylon chống thấm nước đầu tiên của Prada làm khuynh đảo cả ngành thời trang thời đó.

Đến năm 1993, Prada tung ra thị trường thương hiệu thứ 2 mang tên Miu Miu, đặt tên theo tên gọi thân mật của bà chủ. Năm 1993 cũng là năm đầu tiên Prada trình diễn bộ sưu tập thời trang gồm quần áo, giày, và phụ kiện dành cho nam. Đây cũng là năm được ghi nhận đã mang lại “cơn mưa vàng” cho Prada khi bà được vinh danh với giải thưởng quốc tế từ Uỷ ban các nhà thiết kế thời trang Mỹ. Đến năm 1994, doanh số bán hàng của Prada tại Mỹ đạt 210 triệu USD trong đó doanh số bán quần áo tăng đến 20%. Danh tiếng và tài năng của bà tiếp tục giúp bà gặt hái giải thưởng “Nhà thiết kế của năm” vào năm 1995.

Cũng từ thập niên 90, Prada cùng chồng là người đàn ông có đầu óc kinh doanh đã liên tiếp thực hiện các thương vụ mua bán các nhãn hiệu thời trang khác, như Fendi, Church’s Group - nhãn hiệu giày cao cấp của Anh (1999), và mua lại quyền sử dụng thương hiệu Car Shoe nổi tiếng của Ý (2001). Năm 2003, Prada ký hợp đồng hợp tác với nhà sản xuất mắt kính Luxottica và cùng bắt tay liên doanh với thương hiệu sản xuất mỹ phẩm Tây Ban Nha Puig Beauty & Fashion Group.

Tuy nhiên, các thương vụ sáp nhập không mang lại nhiều doanh thu cho hãng và đến cuối năm 2001, Prada đã rơi vào nợ nần với số tiền lên đến 1 tỷ USD. Họ quyết định bán nhãn hiệu Fendi cho đối thủ LVMH (chủ sở hữu của các nhãn hiệu Dior, Givenchy và nhiều nhãn hiệu khác) với giá 250 triệu USD. Tại thời điểm đó, giới quan sát đã nhận thấy Prada đang đối với với cuộc khủng hoảng về tài chính. Và cũng từ đó, đến tháng 2/2002, Prada đã bán tháo Byblos, là nhãn hiệu mà hãng này đã mua lại hồi tháng 6/2001.


Chiếc túi Prada classic cũng khiến ngành thời trang chao đảo bởi tính thực dụng của nó.

Chiếc túi Prada classic cũng khiến ngành thời trang chao đảo bởi tính thực dụng của nó.

Danh tiếng của Prada vẫn tiếp tục được định vị ở hàng cao cấp, chỉ dành cho giới thượng lưu, nhà giàu mới nổi. Tuy nhiên, thương hiệu này cũng đã phải trải qua nhiều thăng trầm. Năm 2011 nhãn hiệu này đã quyết định đưa cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO) tại thị trường Hong Kong với giá trị thu về ước tính 2 tỷ USD, giúp hãng này thanh toán các khoản nợ trước đó. Năm 2014, Prada vướng vào cuộc khủng hoảng tiếp theo khi bị chính phủ Italy điều tra về việc trốn thuế. Prada bị tình nghi gian lận 400 triệu bảng Anh tiền thuế tại Italy.

Trong cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu hạng sang, theo cuộc khảo sát mới đây, giá trị thị trường của Prada đã giảm so với các đối thủ Louis Vuitton và Chanel do nền kinh tế Trung Quốc khủng hoảng và sức mua tại Nga giảm bởi những xung đột với các nước châu Âu. Tính đến tháng 5/2015, giá trị thị trường của Prada đạt 15,3 tỷ USD, đứng thứ 74 trên toàn cầu.

Ông Patrizio Bertelli hiện vẫn nắm quyền CEO tại Prada trong khi đó, Miucia Prada dành sức sáng tạo vào các mẫu thiết kế táo bạo, đột phá trong các mùa thời trang hàng năm.

Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm