Những "cô đào" mưu sinh dưới ánh đèn hội chợ

Đặng Dương

(Dân trí) - "Chúng em như cánh chim trời bạt gió, vì canh tằm mà gánh nợ vương tơ. Vì mưu sinh nên phải nay đây mai đó, tạm gác đoàn tụ bên gia đình mà đem lời ca, tiếng hát đến cô bác bà con...".

Chất giọng khàn đục của người phụ nữ tuổi ngoài 40 mở đầu đêm nhạc khiến cho những khán giả dưới sân khấu tò mò mà không nỡ rời đi nơi khác.

Ký ức về một thời "vàng son"

19h tối, bãi đất trống nằm ngay tại một xã vùng cao của tỉnh Đắk Nông đã sáng trưng đèn và sôi động tiếng nhạc. Mặc dù 20h tối chương trình mới bắt đầu nhưng bên ngoài, trẻ em từng tốp kéo nhau đến các gian hàng trò chơi hoặc ngồi tụ tập ngay dưới sân khấu đêm nhạc.

Đây là đêm đầu tiên đoàn của chị M.H. (41 tuổi), trưởng đoàn lô tô H.M diễn, nhưng là năm thứ 3 liên tiếp họ có dịp về vùng này.

Những cô đào mưu sinh dưới ánh đèn hội chợ - 1
Dưới ánh sáng mờ ảo, những "cô đào" được sống thật với giới tính của mình

Sát giờ diễn, bốn nhân vật chính của đêm nhạc chia nhau từng góc dưới gầm sân khấu chính ngồi lặng lẽ trang điểm. Khuôn mặt vừa có nét rắn rỏi của đàn ông, vừa có nét mềm mại của phụ nữ được trang điểm kỹ lưỡng khiến nhiều người lầm tưởng, họ là những người phụ nữ thực sự.

Nhiều năm nay, cứ mùa thu hoạch nông sản, đoàn lô tô của chị H. lại chọn Đắk Nông làm "bến đậu". Theo lý giải, đây là dịp bà con thu hoạch nông sản, cũng là thời điểm họ hào phóng nhất trong năm nên là cơ hội để đoàn kiếm kinh phí tiếp tục mưu sinh ở bến khác.

"So với 10-15 năm khác thì bây giờ kiếm ăn khó khăn lắm. Khán giả đến xem mỗi năm mỗi ít. Khi xưa, thời mà chưa có internet và điện thoại, thì lô tô hội chợ là "món ăn tinh thần" của người dân mỗi dịp này", chủ đoàn lô tô nhớ lại.

Những cô đào mưu sinh dưới ánh đèn hội chợ - 2
Nhiều người đến đoàn lô tô để chơi trò chơi và thưởng thức ca nhạc

Nhớ về thời điểm đó, chị H. tâm sự: "Ngày ấy, do nhu cầu giải trí của người dân cao nên mỗi bến, tụi chị chỉ diễn 3-4 đêm rồi rời đi chỗ khác. Khán giả họ hào hứng lắm, có đoàn lô tô lên đến vài chục người, dựng một cái sân khấu đơn sơ nhưng hàng trăm người đến chơi và thưởng thức".

Sau gần chục năm bươn chải, chị H. dành dụm được một số vốn, tự đứng ra thành lập một đoàn riêng, lấy tên mình đặt cho tên đoàn lô tô. Thời điểm ấy lô tô hội chợ đã có dấu hiệu thoái trào, nhưng vì đam mê nên chị vẫn quyết tâm thành lập đoàn riêng.

"Đã có thời gian chị bỏ nghề nhưng dường như là "cái nghiệp" vận vào mình. Chị tập hợp mấy chị em năm xưa, tổ chức đoàn đi khắp Tây Nguyên rồi đến Nam Trung bộ để biểu diễn. Những năm đầu, số lượng thành viên đoàn lên đến 25-30 người, nhưng bây giờ chỉ còn lại 8 người, trong đó có 4 "đào" và 4 người già đi phục vụ trò chơi", chị H. cho hay.

Những cô đào mưu sinh dưới ánh đèn hội chợ - 3
Đã có thời gian, hát lô tô trở thành "món ăn tinh thần" của người dân vùng cao

Đoàn rong ruổi khắp nơi, không có bến đỗ cố định nên ngoài việc lo biểu diễn, chị còn cáng đáng cả việc chăm sóc cho các thành viên trong đoàn.

"Người trong nghề này đều biết, tụi chị làm mỗi đêm chỉ được vài ba trăm ngàn đồng, những đêm mưa bão không lên sân khấu là lỗ. Chuyện cầm cố điện thoại, lắc vàng để có tiền ăn cho các thành viên trong đoàn không phải là chuyện hiếm".

Không đủ sức cạnh tranh

Hơn 20 năm đi theo đoàn hát lô tô, từ khi còn là thanh niên đến khi đã ở tuổi ngũ tuần, trưởng đoàn lô tô H.M. cho biết, chị chưa bao giờ ân hận về con đường mình đã chọn.

Chị H. may mắn vì được gia đình chấp nhận. Đối với chị, người đời có nói ra nói vào, nhưng chỉ cần người thân hiểu và cảm thông cho mình thì mình sẽ mạnh mẽ sống.

Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như chị H. Ngày trước có những người trong đoàn bỏ trốn gia đình hoặc chịu sự đánh đập của người thân khi phát hiện con em mình theo đoàn lô tô.

Những cô đào mưu sinh dưới ánh đèn hội chợ - 4
Những người hát lô tô thường trang điểm đậm để che đi khuyết điểm của mình

"Tụi chị làm nghề này, nhiều lần phải chấp nhận lời khinh miệt. Nhẹ thì họ gọi là bóng lộ, nhưng có người họ gọi tụi chị bằng những từ thô thiển nhất. Có chị em không chịu được mà cãi nhau với họ, nhưng phần lớn tụi chị nhẫn nhịn, vì họ chính là những người nuôi sống mình mà", chị L. M.T. (39 tuổi) thành viên của đoàn lô tô, chua xót nói.

Cũng theo chị T. những năm gần đây, xã hội cởi mở hơn, không còn nhiều người định kiến về giới tính của những người như chị. Thế nhưng, chính sự "tạo điều kiện" ấy đã khiến công việc của chị, công việc của đoàn lô tô phải cạnh tranh nhiều hơn trước.

"Bây giờ nhiều chị em đã phẫu thuật hoàn chỉnh, như một người phụ nữ nên nhìn đẹp lắm, bọn chị khó lòng cạnh tranh. Nhưng vì đã đến tuổi này, ít nơi nhận những người như bọn chị vào làm việc nên vẫn theo nghề này, đến khi nào không còn khán giả nữa mới nghỉ".

Tiếp thêm vào lời chị T., chị T. L.L (quê Cần Thơ) ngậm ngùi nói trước khi lên sân khấu: "Theo gánh hát này vì yêu công việc, cũng là nơi để chị em trong đoàn sinh hoạt, thỏa mãn đam mê. Nói thật, so với nhạc thị trường, các chương trình thực tế… thì đoàn của chị không cạnh tranh nổi. Giờ người ta phát hành trên mạng, âm thanh, hình ảnh đẹp nên hút người xem hơn những đoàn lô tô này".