Những chàng trai Hà Nội mỗi năm giả gái một lần, "múa điệu lẳng lơ"

Toàn Vũ Minh Nhân

(Dân trí) - Những thanh niên làng Triều Khúc (Hà Nội) trang điểm, mặc trang phục giả gái, duyên dáng theo điệu trống bồng trong ngày hội làng chiều 30/1.

Giữa tiếng gõ chuông trong lễ hội truyền thống làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) chiều 30/1 (tức mùng 9 Tết), Triệu Sơn Nam và Dương Xuân Toàn (cùng 17 tuổi) múa nhịp nhàng, từng điệu lắc thân, mắt "liếc ngang, liếc dọc" kiểu lẳng lơ.

Mặt tô son, thoa phấn, đầu chít khăn mỏ quạ, hai chàng trai mặc áo mớ ba mớ bảy, ánh mắt lúng liếng đưa tình, miệng cười xinh, đang thực hiện những động tác múa "con đĩ đánh bồng".

"Đây là lần đầu tiên chúng em múa bồng trong hội làng", Nam nói, không hề lo lắng, thay vào đó là cảm giác háo hức và tự hào khi được là một phần của hội làng, biểu diễn trước người dân và du khách thập phương.

Những chàng trai Hà Nội mỗi năm giả gái một lần, múa điệu lẳng lơ - 1

Dương Xuân Toàn, học sinh lớp 11, tự trang điểm, chuẩn bị múa điệu "con đĩ đánh bồng".

Những chàng trai Hà Nội mỗi năm giả gái một lần, múa điệu lẳng lơ - 2

Trai làng tự trang điểm, mặc trang phục sặc sỡ, sẵn sàng cho ngày hội làng lớn nhất trong năm.

Năm 13 tuổi, Nam và Toàn cùng ba người bạn khác tìm đến nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng (sinh năm 1946) xin học điệu múa bồng. Đây là thế hệ cuối cùng được chính nghệ nhân Hồng đào tạo trước khi ông qua đời giữa năm 2020 vì bệnh hiểm nghèo.

Dù các nghệ nhân của làng Triều Khúc không còn, nhưng câu lạc bộ và các lớp học múa bồng trong trường học vẫn được duy trì, do những người múa bồng có kinh nghiệm truyền dạy.

Điều khó với các chàng trai đóng vai "con đĩ đánh bồng" là thể hiện được nguyên hồn cốt, thần thái của điệu múa. Tô son phải đậm, má cũng thật hồng, khăn mỏ quạ, áo mớ ba mớ bảy đan xen nhau. Những dải lụa màu rực rỡ được khoác thêm lên người để khi xoay sẽ tạo thành những vòng tròn kỳ ảo và biến hóa mang đến cho người xem một hiệu ứng thị giác vừa đẹp mắt lại vừa thần bí.

Trước kia, các thành viên tự trang điểm, tô vẽ qua loa, chủ yếu mượn son, phấn của mẹ, chị, em gái, tự học lẫn nhau. Từ ngày câu lạc bộ biểu diễn thường xuyên, họ chuẩn bị đồ nghề trang điểm và tự biết cách "họa mặt" chuyên nghiệp. 

"Cụ Hồng yêu cầu múa dẻo, cười xinh, mắt nhìn theo tay. Từ ánh mắt, nụ cười đến dáng dấp đều phải lả lơi giống con gái", Toàn cho hay.

Những chàng trai Hà Nội mỗi năm giả gái một lần, múa điệu lẳng lơ - 3

Đã ngàn đời nay, điệu múa "con đĩ đánh bồng" là "đặc sản" của làng Triều Khúc.

Những chàng trai Hà Nội mỗi năm giả gái một lần, múa điệu lẳng lơ - 4

Từ ánh mắt, nụ cười, đến ngón tay,... đều thể hiện cốt cách "sang chảnh", "lẳng lơ".

Về nguồn gốc điệu múa bồng, tục xưa kể rằng, vào thế kỷ thứ VIII, vua Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương tập kết các nghĩa sĩ tại làng Triều Khúc bao vây đạo quân nhà Đường.

Để khích động tướng sĩ và giải trí cho nghĩa quân, nhà vua đã cho binh lính đóng giả làm gái, ăn mặc sặc sỡ và đeo trống múa bồng. Kể từ đó, hàng năm vào mùa xuân, từ ngày 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội rước Thành Hoàng Phùng.

Trong lễ rước trang trọng, lễ hội của cả làng có nhiều nghi thức từ xưa truyền lại. Nhiều điệu múa được tổ chức linh đình, hấp dẫn và thu hút người xem. Quan trọng nhất là điệu múa trống bồng hay còn gọi là múa "con đĩ đánh bồng".

Từ "đĩ" vốn không phải là một từ mang ý nghĩa tiêu cực, dùng để ám chỉ những người con trai giả dạng nữ nhân. Cũng bởi vì thấy thuộc hạ nam nhân giả gái, múa may quá lả lơi mà nhà vua Phùng Hưng gọi họ là những "con đĩ".

Trong mỗi lần hội làng, ít nhất phải có 6 "con đĩ" nhảy điệu múa bồng. Họ đều là trai tân chưa vợ, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, tươi tắn, ngoan ngoãn, con nhà gia giáo. Mặt hoa da phấn, môi son, má hồng, mặc đồ giả gái, khoác trống bồng trước ngực, nhảy những điệu múa phải cực kỳ lả lơi, quấn quýt bên nhau. 

Điệu múa đánh bồng phóng khoáng, dứt khoát mạnh mẽ, nhưng cũng rất mềm mại, linh hoạt. Chỉ có mấy động tác đơn giản như xoay tròn, dựa lưng, úp mặt vào ngực nhau nhưng mang vẻ "kiểu cách", "sang chảnh", không phải ai cũng bắt chước được.

Múa bồng được bảo tồn, phát triển và trở thành một trong 10 điệu múa cổ Thăng Long được duy trì thường xuyên trong đời sống đương đại. Không chỉ biểu diễn trong hội làng, điệu múa này còn xuất hiện tại nhiều sự kiện, lễ hội quảng bá văn hóa, du lịch Hà Nội.

Những chàng trai Hà Nội mỗi năm giả gái một lần, múa điệu lẳng lơ - 5

Các trai làng mặt tô son, thoa phấn, đầu chít khăn mỏ quạ.

Những chàng trai Hà Nội mỗi năm giả gái một lần, múa điệu lẳng lơ - 6

6 "con đĩ" nhảy điệu múa bồng đều là trai tân chưa vợ, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, tươi tắn, ngoan ngoãn, con nhà gia giáo.

Vũ Minh Hoàng, 18 tuổi, cũng học điệu múa bồng từ nghệ nhân Triệu Đình Hồng. Những ngày đầu, chân tay Hoàng cứng đờ, múa ngượng nghịu, nhưng được ông Hồng động viên, chia sẻ kinh nghiệm.

"Một số làng khác cũng có điệu múa bồng, nhưng đặc sắc và đẹp nhất, thì không đâu bằng Triều Khúc", Hoàng tự hào năm thứ hai được vinh dự biểu diễn hội làng.

Hướng đến con đường múa bồng chuyên nghiệp, chàng trai biểu diễn nhiều nơi, như Hoàng Thành Thăng Long, làng Đan Phương, thiêng liêng nhất là chuyến đi Tuyên Quang trong lần lễ hội làng Triều Khúc nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Không sợ dị nghị "trai giả gái", ngược lại, Hoàng thích thú khi người dân và du khách đổ dồn ánh mắt về mình mỗi khi hóa trang.

"Nếu người ta nhìn mình với ánh mắt cười cợt, chế giễu, thì tôi càng có động lực, cố gắng múa đẹp hơn", Hoàng tâm sự.

Theo chàng trai, trước khi qua đời, nghệ nhân Triệu Đình Hồng áy náy và trăn trở với niềm yêu di sản, lo lắng điệu múa cổ của làng bị thất truyền. Ông hy vọng đời sau gìn giữ và tiếp nối điệu múa mà ông đã mất cả đời vận động, thuyết phục người làng tham gia.

Những chàng trai Hà Nội mỗi năm giả gái một lần, múa điệu lẳng lơ - 7

Nguyễn Văn Chí Hiếu đã bắt đầu học múa bồng từ nhỏ, được nghệ nhân Triệu Đình Hồng đào tạo và truyền dạy kinh nghiệm.

Những chàng trai Hà Nội mỗi năm giả gái một lần, múa điệu lẳng lơ - 8

Dân làng và khách thập phương tập trung đông đúc theo dõi hội làng Triều Khúc chiều 30/1.

Lễ hội làng Triều Khúc 2023 là năm thứ 7 Nguyễn Văn Chí Hiếu (21 tuổi, làm nghề kinh doanh) múa điệu "con đĩ đánh bồng". Anh bắt đầu tập múa bồng từ khi 12 tuổi, luyện tập hàng tháng ở đình làng cùng nghệ nhân Hồng.

Nam thanh niên thuần thục đến nỗi chẳng cần chuẩn bị nhiều, cứ hễ cảm được tiếng trống hoặc chiêng, là tự động hòa vào đối phương lả lơi nhảy, đôi mắt đong đưa trìu mến.

Cũng giống bất cứ thanh niên nào khi tham gia múa "con đĩ đánh bồng", cảm giác đầu tiên của Hiếu là ngượng ngùng, sợ bị dị nghị: "Ai đời trai tráng trong nhà lại đánh phấn, bôi son đỏ chót".

Bản thân nghệ nhân Hồng cũng từng không dám đi đâu, chỉ ở nhà đóng cửa tập luyện. Nhưng rồi từ lúc ngại ngùng đến khi cái duyên tự "bám" vào mình, trống bồng sẽ "quyện" vào người nghệ sĩ lúc nào không hay.

"Trang điểm trai giả gái, chúng tôi từng lo sợ bị người đời nói ra nói vào. Nhưng người dân đi xem hội không ai trêu đùa mà rất kính trọng, còn khen chúng tôi xinh trai. Từ đó, thay vì sợ hãi như trước là cảm giác tự hào, khát khao gìn giữ điệu múa truyền thống của làng", Hiếu nói.

Những chàng trai Hà Nội mỗi năm giả gái một lần, múa điệu lẳng lơ - 9

Thế hệ trẻ Triều Khúc tự hào tiếp nối văn hóa truyền thống quê hương.

Dù thỉnh thoảng múa còn lệch nhịp, quên động tác, nhưng Sơn Nam không nản chí. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc, cậu nhớ đến lời dặn của nghệ nhân Triệu Đình Hồng, rằng cần phải giữ hồn cốt truyền thống, cách đưa tay ra sao, bước chân thế nào, ánh mắt phải ra cái thần "con đĩ đánh bồng".

"Em vui mừng được gia đình ủng hộ. Mẹ còn may cho em bộ quần áo nhảy điệu con đĩ đánh bồng", Nam hào hứng khoe.

Dù bận rộn với cuộc sống thường nhật, nhưng Hiếu, Nam hay Toàn, đều ý thức được nghĩa vụ bảo vệ văn hóa truyền thống, bởi đó là gốc rễ cội nguồn và điệu múa bồng là di sản thiêng liêng của người Triều Khúc, tiếp nối thế hệ sau, như cách mà ông cha đã truyền lửa cho họ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm