(Dân trí) - Nhà tỷ phú Mỹ Leona Helmsley đã để lại một bản di chúc khác thường, trong đó bà tuyên bố tặng 12 triệu USD cho con chó cưng, trong khi hai 2 trong số 4 người cháu lại không được một đồng xu nào!
1. Leona Helmsley: Tặng 12 triệu đô cho một con chó
Leona Helmsley, nhà tỷ phú chuyên kinh doanh khách sạn và bất động sản ở New York, người có biệt danh là "Nữ hoàng keo kiệt", qua đời tháng 8/2007 vì căn bệnh suy tim sung huyết ở tuổi 87. Trong di chúc, bà Helmsley đã để lại 12 triệu USD cho con chó cưng Trouble, 2 người cháu mỗi người được 10 triệu USD, còn hai người cháu khác không được 1 đồng xu nào.
Nhưng sau đó, một thẩm phán đã rút số tiền dành cho Trouble xuống còn 2 triệu USD, sau khi người trông nom con chó khẳng định số tiền đó đủ để chu cấp cho cuộc sống nhung lụa của Trouble suốt cuộc đời còn lại.
2. Jeremy Bentham: Muốn được ướp xác trong tư thế ngồi
Sinh năm 1748, Jeremy Bentham là một triết gia, luật gia kiêm nhà cải cách xã hội người Anh. Ông là một trong những người đầu tiên trình bày về thuyết vị lợi và những lợi ích của giáo dục công cộng. Những ý tưởng và bài viết của Bentham là phôi thai cho sự thành lập London University (Đại học London) năm 1826 và ngày nay là University College London - trường đại học đầu tiên tại Anh tuyển sinh viên từ mọi chủng tộc, giới tính và tôn giáo.
Sau cái chết của Bentham vào năm 1832, thi thể của ông đã được ướp xác theo ước nguyện ghi trong di chúc. Bentham muốn được ướp xác, ăn mặc chỉnh tề và đặt trên chiếc ghế trong tư thế như thể ông đang ngồi suy tư. Thi thể của Bentham hiện vẫn đang được trưng bày trong lồng kính tại Đại học London.
Do phần đầu của Bentham đã bị hư hỏng trong quá trình ướp xác nên bộ phận này được bảo quản riêng biệt và thi thể trưng bày được lắp ghép phần đầu làm bằng tượng sáp. Trong dịp kỷ niệm 100 và 150 năm thành lập của trường, xác ướp của Bentham vẫn được đưa ra để tham dự cuộc họp của ban lãnh đạo trường. Bentham được coi là "người có mặt nhưng không bỏ phiếu".
T.M. Zink, luật sư từ bang Iowa (Mỹ), qua đời năm 1930. Ông này khinh miệt phụ nữ tới nỗi ông đã bày tỏ mong muốn được dùng khoản tiền tiết kiệm của mình để xây dựng một thư viện chỉ lưu giữ thành quả của các tác giả và nghệ sĩ là nam giới và cấm phụ nữ tới tham quan. Trong di chúc, ông nói rằng số tiền 35.000USD sẽ được đưa vào một quỹ dùng trong 75 năm và được sử dụng để xây dựng thư viện mang tên "Thư viện Zink vắng bóng phụ nữ", nơi tất cả các lối vào phải được treo biển "phụ nữ không được phép".
Tuy nhiên, con gái của Zink, người chỉ được thừa kế vẻn vẹn 5 USD trong cùng di chúc, đã kịch liệt phản đối bản di chúc này và một thư viện vắng bóng phụ nữ sau đó đã không bao giờ được xây dựng.
4. Jack Benny: Đặt hoa tặng vợ mỗi ngày
Trước khi qua đời vì bệnh ung thư tuỵ năm 1974, diễn viên hài lừng danh Jack Benny đã lên kế hoạch cho một hành động lãng mạn cuối cùng vì người vợ Mary Livingstone. Benny để lại một khoản tiền cho một thợ bán hoa địa phương để người này phải chuyển đến cho vợ ông một bó hoa hồng tuyệt đẹp mỗi ngày trong suốt cuộc đời còn lại. Nhưng bà Livingstone chỉ sống thọ hơn chồng được 9 năm.
5. Harry Houdini: Trao "mật mã" cho vợ để liên lạc từ thế giới bên kia
Pháp sư kiêm nghệ sĩ đào tẩu Harry Houdini qua đời năm 1926 vì bệnh viêm ruột thừa. Là một tín đồ của chủ nghĩa thần bí, Houdini đã viết trong di chúc lời nhắn dành riêng cho vợ, hướng dẫn vợ thực hiện một nghi lễ vào mỗi dịp Halloween để ông có thể liên lạc với bà từ thế giới bên kia. Để phòng tránh những trò gian trá tinh vi của ai đó muốn đóng vai ông để liên lạc với vợ, Houdini đã bí mật nói cho vợ một cụm từ gồm 10 chữ mà ông sẽ sử dụng để bà nhận dạng ra chồng. Nhưng sau 10 năm, người vợ của Houdini đã bỏ nghi lễ này vì ông không bao giờ xuất hiện.
6. Frederic Baur: An nghỉ cùng hộp khoai tây chiên
Trước khi qua đời vào tháng 5/2008, Frederic Baur, cha đẻ của sản phẩm khoai tây chiên Pringles, đã nói với các con rằng ông muốn được yên nghỉ cùng với sản phẩm của mình. Ban đầu, các con của Baur hơi hoài nghi về mong muốn của cha mình. Nhưng sau khi ông qua đời, họ đã thực hiện ước nguyện của ông khi mai táng thi hài cha cùng một hộp khoai tây chiên Pringles.
7. Mark Gruenwald: Trộn tro hỏa táng vào mực để in truyện tranh
Là một trong những người tiên phong của truyện tranh siêu nhân hiện đại, Mark Gruenwald từng là giám đốc điều hành của hãng truyện tranh Marvel Comics, phụ trách các bộ truyện tranh kinh điển như Captain America và Iron Man. Tuy nhiên, thành tựu đáng tự hào nhất của ông là tác quyền 12 tập truyện tranh mang tên Squadron Supreme, viết về một nhóm các siêu nhân từ một vũ trụ khác đã cố gắng sử dụng sức mạnh của họ để vận hành một thế giới hoàn hảo.
Khi Gruenwald qua đời vì bệnh tim năm 1996, thi thể của ông đã được hoả thiêu. Theo đúng di chúc của Gruenwald, tro của ông được pha trộn với mực in để in ra 4.000 cuốn truyện tranh.