Cà Mau:

Nhọc nhằn nghề săn ong lấy mật ở rừng U Minh Hạ

(Dân trí) - Theo chân thợ săn ong một ngày mới biết được thế nào là nghề săn ong lấy mật mà dân miền Tây Nam Bộ vẫn thường gọi là “ăn ong”. Để có được những giọt mật ngọt ngào chắt chiu từ thiên nhiên, người nuôi ong phải nhọc nhằn rong ruổi khắp chân núi, cửa rừng, đi theo những mùa hoa, trải qua bao hiểm nguy vất vả.

Ông Út Nhì bắt đầu băng rừng để ăn ong
Ông Út Nhì bắt đầu băng rừng để "ăn ong"

Sau nhiều lần thiết tha đề nghị, ông Trần Văn Nhì (ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề ăn ong mới cho chúng tôi đi theo. Dù biết ong rừng là một loài vật hoang dã rất hung dữ, nếu không may bị chúng đốt, mặt sẽ sưng phù hai, ba ngày nhưng người viết vẫn muốn đi với lý do đơn giản là để khám phá và trải nghiệm.

Ông Út Nhì (tên thường gọi của ông) cho biết, hiện nay hệ thống kênh rạch tại các khu rừng ở đây đã hoàn thiện nên người đi ăn ong có thể chạy xuồng máy (phương tiện di chuyển trên sông nước chủ yếu ở Cà Mau) vào rừng, rồi sau đó xuống lội bộ băng qua các cánh rừng có gác kèo để ăn ong.

Những tổ ong đầy mật được ông Út Nhì thu hoạch tại rừng U Minh Hạ
Những tổ ong đầy mật được ông Út Nhì thu hoạch tại rừng U Minh Hạ

Để chuẩn bị cho một chuyến ăn ong, phải có các dụng cụ cần thiết như: bó đuốc con cúi làm bằng xơ dừa khô được bó chặt lại để hun khói, một thau hoặc xô đựng tàn ong, một cây dao và tấm lưới trùm đầu tránh bị ong đốt.

Trước khi lội bộ vào những nơi đã gác kèo ong, sẽ có một người đi “tiền trạm”, xem ong đã xuống làm tổ chưa, có đủ mật để lấy hay không. Khi đã xác định được địa điểm có mật, mọi người sẽ trùm lên đầu một mảnh lưới dày để bảo vệ mình, còn ông Út Nhì thì không cần tấm lưới vì ông đã quen với nghề 40 năm nay rồi.

Săn ong lấy mật ở rừng U Minh Hạ - Cà Mau

Ông Út Nhì đi trước, trên tay cầm theo bó đuốc con cúi. Khi đến gần tổ ong ông hun khói một cách nhẹ nhàng để ong say khói túa ra bay đi khắp nơi. Tiếp đến, ông dùng dao cắt tàn ong chứa đầy mật cho vào xô.

Đến tổ thứ 2, ông cũng làm rất nhanh và chuyên nghiệp, lần này không may cho tôi, bởi có rất nhiều con ong bu khắp người. Nhưng nhớ kỹ lời chú ông Út Nhì dặn, tôi không dám làm chết con ong nào, vì làm chết một con thì sẽ có rất nhiều con lao tới cắn mình.


Mỗi tổ ong trung bình có từ 3 đến 5 lít mật

Mỗi tổ ong trung bình có từ 3 đến 5 lít mật

Theo lời ông Út Nhì thì không phải ai cũng có “duyên” với việc gác kèo ong đâu, có người gác kèo hoài mà ong không đến làm tổ. “Người ăn ong phải chọn vị trí gác kèo sao cho buổi nào cũng phải có ánh mặt trời chiếu vào, kèo được gác chếch cỡ tầm đầu người. Sau nửa tháng kể từ khi ong xuống làm tổ sẽ cho đợt mật đầu tiên, sau đó, cứ khoảng 10 ngày lấy được 1 đợt mật”, ông Út Nhì kể.

Mật ong rừng U Minh Hạ có 2 mùa, mùa mưa và mùa hạn. Mật mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 5 đến khoảng tháng 8 âm lịch; mùa hạn bắt đầu từ khoảng tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Rừng U Minh Hạ (Cà Mau), điều kiện sinh trưởng của ong tốt nên các tổ ong thường rất to, có tổ dài cả mét, mỗi tổ ong trung bình sẽ có từ 3-5 lít mật, tổ lớn có đến hàng chục lít mật.

Công đoạn cuối cùng là vắt các tổ ong để lấy mật
Công đoạn cuối cùng là vắt các tổ ong để lấy mật

Kết thúc buổi vào ngày vào rừng lấy mật, ông Út Nhì nói như phân trần: “41 năm trong nghề gác kèo ong lấy mật, mỗi lần lấy ong về là vắt mật rồi cho vào chai bán liền. Nếu ai nói, dân ở đây pha mật ong là tội lắm! Chúng tôi sống nhờ cánh rừng. Đây sản vật tự nhiên mà ông trời ban tặng chúng tôi phải biết cách lưu giữ để bảo vệ thương hiệu mật ong rừng U Minh Hạ”.

Được biết, mật ong rừng tràm U Minh Hạ hiện đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp năm 2011 và nó đã trở thành một đặc sản nổi tiếng của vùng Tây Nam Bộ.

Ngọc Chúc