Quảng Nam:

Nhọc nhằn mưu sinh sau gánh “lá mùng 5”

(Dân trí) - Băng rừng, lội suối… tìm “lá mùng 5”, nhiều phụ nữ bất chấp nguy hiểm của bản thân để tìm kiếm các loại lá thuốc, bởi theo họ “lá thuốc càng hiếm thì càng được tiền”.

Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch) những người phụ nữ ở khắp các vùng quê Quảng Nam lại tất bật chuẩn bị các dụng cụ để vào cuộc “săn tìm lá mùng 5”.

Đến dịp Tết Đoan Ngọ, nhiều người phụ nữ lại tất bật lên rừng tìm hái lá thuốc
Đến dịp Tết Đoan Ngọ, nhiều người phụ nữ lại tất bật lên rừng tìm hái lá thuốc

Đôi tay thô gầy, sạm đen vì nắng gió, những vết cắt cũ mới đan xen đang thoăn thoắt bó từng nắm lá thuốc, cô Trần Thị Lựu (xã Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam) chia sẻ: “Những loại lá thuốc khó tìm, hiếm gặp thì giá thành sẽ cao hơn. Muốn tìm những loại này, chúng tôi phải vào tận khu vực rừng núi của huyện Quế Sơn, Đông Giang… Việc băng rừng, lội suối hay tai nạn xảy ra trong quá trình hái thuốc là không tránh khỏi. Nhiều lúc “say” hái lá, mình dùng lực quá mạnh khiến tay bị cứa vào thân cây chảy máu, hay té ngã khi qua các đoạn rừng khó đi…”.

Nhiều người mua về bán lại, hoặc đi thành từng nhóm, vợ chồng lên rừng tìm hái các loại lá thuốc mang về xuôi
Nhiều người mua về bán lại, hoặc đi thành từng nhóm, vợ chồng lên rừng tìm hái các loại lá thuốc mang về xuôi

Theo bà Lựu, mỗi năm chỉ có một lần, lượng người đi hái lá khá đông nhưng không có chuyện tranh giành hay cãi nhau, bởi ai cũng thấu hiểu được hoàn cảnh nghèo khó của nhau. Người đi tìm lá thường chia thành từng nhóm nhỏ 3-4 người hoặc vợ chồng đi cùng để tiện bề giúp đỡ. Để có được nhiều loại lá thuốc phục vụ cho thị trường ngày mùng 5, người ta phải đi từ trước đó 10 đến 15 ngày.

Có những người trồng sẵn hoặc săn tìm lá quanh vùng
Có những người trồng sẵn hoặc săn tìm lá quanh vùng

Nhiều người dân Quảng Nam được cha ông truyền lại rằng ngày mùng 5 tháng 5 (Tết Đoan Ngọ) hái lá thuốc nam về phơi khô uống sẽ trị được nhiều bệnh tật. Các loại lá mùng 5 thường có: chè già, hóc hương, lá dâu, rẻ quạt, gốc sát, bù xít, mồng gà trắng, đại tướng quân, lá dằn, lá chổi… Gần đến ngày này, nhiều người lại lên đường tìm “lá mùng 5”.

Không chỉ tìm hái ở các vùng rừng núi Quảng Nam, nhiều người còn “nhảy tàu” lên đèo Hải Vân.

Có những người phải mạo hiểm tìm kiếm lá thuốc để cung cấp thị trường “lá mùng 5”
Có những người phải mạo hiểm tìm kiếm lá thuốc để cung cấp thị trường “lá mùng 5”

Một chuyến buôn bán lời lãi lắm mới kiếm được chừng vài triệu mà mất gần cả tháng. Tiền ấy để phụ cơm nước mỗi chuyến “săn lá”, rồi lo cho gia đình đã tốn biết bao nhiêu, lấy đâu ra chi phí đi lại. Vậy là để đỡ một đoạn đường dài đến đèo Hải Vân, để qua đèo và tìm đường vào rừng họ phải chọn cách “nhảy tàu”.

Biết giờ tàu chạy, mọi người tập trung đâu đó ven đường, đợi tàu chợ với tốc độ chậm đi qua, họ nhảy lên thanh nối giữa các toa tàu. Ngồi im và chờ tới đoạn có lối xuống rừng, tàu chạy chậm là bắt đầu nhảy xuống. Nhiều tai nạn xảy ra khi nhảy tàu, hay đường núi hiểm trở… nhưng với họ, đó là điều bình thường.

Dù khó khăn, vất vả nhưng bù lại họ có thêm thu nhập
Dù khó khăn, vất vả nhưng bù lại họ có thêm thu nhập

Phiêu lưu, mạo hiểm là vậy nhưng cũng đã có người gắn bó với nó hơn mấy chục năm, bà Lê Thị Năm (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề cho hay, bà làm nghề hái lá thuốc này quanh năm, nhưng cao điểm nhất là mùng 5 tháng 5. Sau khi gom đủ hàng bà lại chở về bỏ sỉ cho bạn hàng lâu năm từ Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi, còn dư lại thì mang đi bán lẻ. Bà nói làm nghề này phải đi thành từng nhóm mới an toàn, chứ đèo núi hiểm trở nhỡ gặp chuyện còn có người mà cầu cứu.

Theo tập tục cha ông để lại, nước lá mùng 5 có tác dụng chữa bệnh hiệu quả, được người dân tin tưởng…
Theo tập tục cha ông để lại, nước lá mùng 5 có tác dụng chữa bệnh hiệu quả, được người dân tin tưởng…

“Buôn có bạn, bán có phường”, chúng tôi “sát cánh” bên nhau cũng gần mấy chục năm, vui buồn đủ cả, ai cũng khó khăn tất bật mưu sinh cuộc sống mới phải đánh cược mạng mình như vậy. Âu cũng là phận”, bà Năm chia sẻ.

Gửi con cho nhà nội, hai vợ chồng chị Lê Hồng Phúc (Bình Triều, Thăng Bình, Quảng Nam) cùng nhau khăn gói lên rừng hái lá thuốc. Ngày thường tất bật với công việc đồng áng, sau khi xong mùa vụ cũng là lúc chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ.

Cả những người tuổi đã ngoài 70 vẫn tất bật mưu sinh
Cả những người tuổi đã ngoài 70 vẫn tất bật mưu sinh

“Lá thuốc bình thường, thông dụng thì bán được khoảng vài ngàn/bó, những loại lá thuốc khó tìm thì bán được cao hơn giá từ 20-30 ngàn/bó. Chúng tôi hái lá thuốc bán để kiếm thêm thu nhập, mỗi năm chỉ có một lần làm ăn nên hai vợ chồng phải cố gắng. Mỗi đợt Tết Đoan Ngọ, hai vợ chồng bán 3 ngày (từ mùng 3-5/5) cũng kiếm được từ 2-3 triệu, thêm tiền trang trải cho cuộc sống”, chị Lê Hồng Phúc cho biết.

N.Linh