Nhiều cô gái trả tiền triệu thuê bạn trai giả dịp Tết để... đối phó cha mẹ

Nghi Phương

(Dân trí) - Theo SCMP, tại Việt Nam, hàng loạt hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện, cung cấp dịch vụ cho thuê người yêu.

Ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn kết hôn muộn. Điều này chủ yếu đến từ khát khao phát triển sự nghiệp hoặc những khó khăn trong việc tìm kiếm người bạn đời phù hợp.

Theo SCMP (Tờ South China Morning Post ở Trung Quốc), tại Việt Nam, hàng loạt hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện, cung cấp dịch vụ cho thuê người yêu. Quản trị viên của một diễn đàn với hơn 20.000 thành viên cho biết, gần đây có sự gia tăng số lượng phụ nữ thuê bạn trai để làm "bùa hộ mệnh" cho các cuộc gặp gia đình, giúp xoa dịu những lời giục giã từ cha mẹ.

Nhiều cô gái trả tiền triệu thuê bạn trai giả dịp Tết để... đối phó cha mẹ - 1

Hợp đồng thuê bạn trai thường bao gồm các điều khoản nghiêm ngặt như không phát sinh tình cảm, cấm quấy rối tình dục (Ảnh: ShutterStock).

Minh Thu (30 tuổi, Nam Định) chia sẻ, cô không hẹn hò trong suốt 5 năm qua vì công việc quá bận rộn. Để thúc giục con gái dẫn bạn trai về ra mắt gia đình, cha mẹ Thu đã tạo áp lực cho cô bằng việc giả vờ ốm.

Lo lắng bố mẹ buồn, Thu quyết định thuê một người đàn ông giả làm bạn trai. Người này hơn Thu 5 tuổi. Cô đã chi vài triệu đồng để anh ấy đóng vai bạn trai của mình.

Trước khi gặp gia đình Thu, chàng trai có buổi làm quen với Thu để trao đổi thông tin và xây dựng mối quan hệ tình cảm giả trong vòng một tuần. Khi đến thăm nhà Thu, anh giúp mẹ cô nấu ăn, trò chuyện vui vẻ với người thân, họ hàng.

"Lâu lắm rồi, tôi mới thấy cha mẹ hạnh phúc và tự hào về tôi như vậy", Thu chia sẻ.

Tương tự, Khánh Ngọc (33 tuổi) - người chưa từng có mối quan hệ nào - cũng thuê chàng trai có ngoại hình thu hút, kém cô 4 tuổi. Cô kể, lần đầu tiên bạn trai giả đến thăm gia đình, anh đã để lại ấn tượng rất tốt với cha mẹ cô. "Mối quan hệ của tôi với cha mẹ đã được cải thiện rất nhiều từ đó", Ngọc cho hay.

Huy Tuấn (25 tuổi, sống ở Hà Nội) làm nghề bạn trai giả cho nhiều khách hàng trong hơn một năm qua. Anh cho biết, để đáp ứng yêu cầu của khách, anh phải học thêm các kỹ năng như nấu ăn, hát, chụp ảnh và luyện tập khả năng giao tiếp.

Anh chỉ nhận khoảng 3-4 khách hàng mỗi tháng để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Một buổi hẹn hò đơn giản như đi uống cà phê hay mua sắm có giá từ vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, một cuộc gặp gia đình có thể lên đến một triệu đồng.

Hợp đồng thuê bạn trai giả thường bao gồm các điều khoản rõ ràng như cấm liên quan đến tình cảm và không quấy rối tình dục.

Nhiều cô gái trả tiền triệu thuê bạn trai giả dịp Tết để... đối phó cha mẹ - 2

Các chuyên gia cảnh báo, việc thuê người yêu tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì những thỏa thuận này thiếu sự bảo vệ pháp lý (Ảnh: ShutterStock).

Xu hướng thuê người yêu hay bạn đời hiện thu hút sự chú ý mạnh mẽ trên mạng xã hội. Một dân mạng để lại bình luận: "Thuê người yêu hay bạn đời là giải pháp đôi bên cùng có lợi, làm cha mẹ bạn vui và giảm bớt áp lực cho bạn".

Ngược lại, người khác lo ngại: "Tôi không thể tưởng tượng được cảnh cha mẹ sẽ đau lòng như thế nào khi phát hiện ra đó là lời nói dối".

Hiện tượng này không chỉ phổ biến ở Việt Nam, mà còn đang xuất hiện ở Trung Quốc - nơi tỷ lệ kết hôn giảm mạnh. Nửa đầu năm nay, chỉ có 3,43 triệu người Trung Quốc đăng ký kết hôn, mức thấp nhất trong suốt một thập kỷ qua.

Tại Trung Quốc, không ít người trẻ thuê bạn đời cho các dịp lễ quan trọng như Tết Nguyên đán hay Tết Trung thu, với chi phí khoảng 1.000 nhân dân tệ (gần 3,5 triệu đồng) mỗi ngày.