Nhân viên tàu du lịch khổ vì điều tiếng "săn đại gia" và góc khuất ít ngờ
(Dân trí) - Khi làm việc trên các tàu du lịch, nhân viên được hưởng một số đặc quyền riêng, nhưng ngược lại họ phải chấp nhận lịch sinh hoạt "khác thường" và không ít vấn đề khác nảy sinh.
Tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin chọn việc dọn phòng
Ann Knypl, 32 tuổi, đến từ thành phố Quezon, Philippines, hiện đang sống và làm việc trên một con tàu du lịch. Từ năm 4 tuổi, cô gái đã quen cách sống trên tàu vì mẹ cô cũng từng làm công việc như vậy.
Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân công nghệ thông tin, Ann tâm sự không thể tìm được việc làm ở quê nhà với mức lương mong muốn. Trong khoảng thời gian này, cô tới Singapore khi tàu du lịch nơi mẹ đang làm cập bến tại đó.
Khi lên tàu tham quan, Ann rất bất ngờ. Kể từ đó, cô quyết định theo đuổi công việc giống mẹ. Cô gái Philippines cho rằng, công việc dọn phòng "không dành cho người yếu tim".
"Đó là việc khó khăn dù người ngoài tưởng rằng đơn giản. Áp lực tâm lý rất cao khi bạn phải chịu ánh mắt soi mói của những người xung quanh", cô tâm sự.
Ann cho rằng, điều này rất phổ biến ở châu Á, nơi thường quan niệm việc lao động chân tay là "thấp kém". Với người có bằng đại học như cô, việc chấp nhận đi làm các công việc tay chân khiến có người cho rằng có thể chuyện làm trên tàu chỉ là "cái cớ" để "kiếm đại gia".
Bỏ qua lời gièm pha, Ann làm việc trên tàu du lịch loại nhỏ khoảng 3 năm. Sau đó, cô chuyển tới làm trên tàu lớn hơn. Đến nay, cô nhận vị trí giám đốc tiếp thị và truyền thông của tàu du lịch.
Nhiều quyền lợi nhưng giờ giấc sinh hoạt "oái oăm"
Khi làm việc trên tàu du lịch, Ann cho biết có nhiều quyền lợi riêng. Cô không phải lo chỗ ăn, nghỉ. Trang phục mặc hàng ngày cũng được người khác giặt sạch.
"Trên tàu luôn có sẵn các món ăn tự chọn nên nhân viên không phải đi chợ hoặc tự nấu ăn. Ngoài giờ làm, tôi vẫn có thể vui vẻ cùng bạn bè tại quán bar hay các sự kiện nào đó - điều không bao giờ thiếu trên tàu du lịch cỡ lớn. Và khi tàu cập bến, không còn ca làm, tôi có thể lên bờ để thăm thú đâu đó", cô nói.
Bên cạnh những thuận lợi trên, làm việc trên tàu du lịch "không hoàn toàn là màu hồng".
"Công việc này chịu nhiều áp lực lớn. Làm trên tàu du lịch có nghĩa là bạn không bao giờ được ngừng nghỉ. Ngay cả khi tan ca, bạn vẫn ở trên tàu", Ann nói.
Các nhân viên luôn phải tuân thủ những quy tắc nhất định như không đi dép xỏ ngón trong hành lang, không dùng đồ uống có cồn khoảng 4 tiếng trước ca làm.
Ngoài ra, các nhân viên sẽ ký hợp đồng theo tháng, thường 6 tháng một lần. Như trường hợp của Ann, cô ký nửa năm một lần và làm liên tục không có ngày nghỉ. Sau 6 tháng, cô sẽ được nghỉ một vài tháng rồi tiếp tục hợp đồng mới.
Nếu ở vị trí dọn phòng sẽ ký 9 tháng một lần. Còn ở vị trí nhân sự cao cấp hơn thường có hợp đồng ngắn hơn như 4 tháng một.
Với lịch trình như vậy, Ann xa gia đình suốt thời gian dài. Cô không có khái niệm "ngày nghỉ cuối tuần", khó duy trì các mối quan hệ thân mật bởi tính chất công việc "khác thường". Do đó, khi tới độ tuổi kết hôn, Ann nghĩ mình cần cân nhắc xem nên dừng lại kết hôn để ổn định cuộc sống hay tiếp tục theo đuổi.
Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, Ann vẫn lựa chọn công việc yêu thích này. Cô thường xuyên chia sẻ những trải nghiệm mới lạ của mình trên các chuyến tàu lên trang cá nhân, nơi thu hút hơn 500.000 người theo dõi.
"Nhiều người nói rằng tôi đang truyền cảm hứng cho họ. Đó là động lực để tôi tiếp tục", cô nói.