Người Việt đi lễ đầu năm: "Càng sờ, càng xoa tượng, càng nhiều lộc"?

Minh Nhân

(Dân trí) - Một số người dân hành hương về các đền, chùa dịp đầu năm hành xử kém văn minh như rải tiền lẻ, xoa mòn tượng, vì quan niệm "càng sờ, càng xoa, càng nhiều tài lộc".

"Hành xử" kém văn minh của người đi lễ đầu năm

Tính từ mùng 1 đến mùng 7 Tết Quý Mão, chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã đón hơn 31.000 lượt du khách. Ngoài cầu bình an, thưởng ngoạn phong cảnh, nhiều người dân đến với ngôi chùa này để… chữa bệnh bằng cách dùng dầu gió xoa lên tượng "thần hổ".

Sau khi thắp hương khấn vái, họ dùng tay sờ, xoa tượng rồi xoa lên người mình. Hành động này khiến nhiều vị trí của tượng hổ chuyển từ màu vàng sang đen.  

Ông Võ Thành Chung, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích cho biết, tượng "thần hổ" liên quan đến truyền thuyết công chúa Diệu Thiện, song chưa có cơ sở khoa học khẳng định việc sờ tượng có thể chữa bệnh. 

"Trước kia, chúng tôi dựng biển nghiêm cấm sờ tượng hổ, nhưng sau đó do số lượng du khách quá đông nên khó kiểm soát", ông Chung nói.

Người Việt đi lễ đầu năm: Càng sờ, càng xoa tượng, càng nhiều lộc? - 1

Du khách chen chân xoa tượng hổ để... chữa bệnh. (Ảnh: Xuân Sinh).

Trên thực tế, không riêng chùa Hương Tích, mà nhiều tượng khắp các đình, chùa trên cả nước bị xoa mòn, vì người dân quan niệm "càng sờ, càng xoa, càng nhiều tài lộc". 

Thậm chí, nhiều người còn rải tiền khắp nơi, từ bệ thờ, bát hương, tháp chuông, bia công đức, khắp mình tượng, nhét vào tận tay, tận… miệng tượng Phật, "ép" phải nhận. 

Năm 2020, du khách "vung tay" ném tiền lẻ, sờ tượng, nhét tiền "hối lộ" vào tay Phật để cầu may tại nhiều nơi trong chùa Bái Đính (Ninh Bình). Dù nhiều năm qua, Ban Quản lý liên tục nhắc nhở, nhưng vẫn không thể chấm dứt tình trạng này. 

Người Việt đi lễ đầu năm: Càng sờ, càng xoa tượng, càng nhiều lộc? - 2

Năm 2020, du khách nhét tiền lẻ, sờ tay phật cầu may tại Hành lang La Hán và nhiều nơi trong chùa Bái Đính.

Cách đây nhiều năm, tại chốn non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh), khách thập phương dùng tiền… "đánh bóng chùa Đồng". Mỗi người cầm trên tay một tờ tiền, rồi thi nhau chạm vào chùa Đồng. Phong trào "lấy may" này xuất hiện từ khi chùa được khánh thành vào năm 2007. 

Dù không có sự tích nào được lưu truyền về việc phát tài, phát lộc theo cách "xoa tiền" này, khách hành hương tới chùa Đồng vẫn rất hào hứng thực hiện. Nhiều người dù không hay biết nhưng cũng làm theo chỉ vì thấy những người xung quanh liên tục "xoa tiền".

Người Việt đi lễ đầu năm: Càng sờ, càng xoa tượng, càng nhiều lộc? - 3

Năm 2014, người dân thi nhau xoa tiền vào quả chuông trên đỉnh chùa Đồng để cầu may mắn.

"Thế tục hóa", "thương mại hóa" ngày lễ đầu năm

Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia văn hóa Nguyễn Ánh Hồng cho biết, đầu năm đi lễ chùa là phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt. Đi lễ đầu năm không chỉ thực hành nghi lễ văn hóa, gợi nhắc các giá trị được trao truyền, mà người dân còn cầu mong bình an, sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. 

Tuy nhiên, theo bà Hồng, nhiều năm trở lại đây, việc đi lễ đầu năm không còn đúng với ý nghĩa ban đầu. Một bộ phận người dân hành xử không đúng chuẩn mực, như rải tiền lẻ, tiền mệnh giá lớn vào các pho tượng, xoa mòn tượng, chen lấn, xô đẩy,… với quan niệm "lấy phúc, lấy lộc, lấy may mắn" đem về phát tài phát lộc cho gia đình.

"Cũng có người cố đặt tiền lẻ vào tay các pho tượng, vì họ cho rằng làm như vậy mới đánh đồng được Đức Phật và khi đó, Phật mới phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình. Theo tôi, tất cả những hành động trên đều không đúng và không nên", bà Hồng cho hay. 

Vị chuyên gia phân tích, người ta thường nói "Tâm xuất Phật chứng", nghĩa là hướng về Phật cốt ở tâm thành, đừng câu nệ lễ vật sang hay hèn. Khi thành tâm, tất cả mong muốn đều đạt được, không cần "xuất vi", chỉ cần "xuất tâm", trong suy nghĩ của chúng ta có tinh thần hướng thiện, thì phúc lộc sẽ đến, Phật sẽ phù hộ. 

Nếu có tâm thành, khách thập phương chỉ cần nén hương thơm và bông hoa tươi cũng được coi là đủ lễ vào chùa. Còn muốn phát tâm công đức thì chỉ cần bỏ tiền vào "hòm công đức" là đã được Đức Phật chứng giám, chứ không phải tìm mọi cách chen lấn, nhét tiền vào tay Phật. 

"Phật diệt tham, sân, si, nên nếu tham vọng về vật chất, thì chính con người với những hành vi đó đã làm hoen ố tính linh thiêng của đền chùa. Phật cho chúng ta sự thanh tịnh, an yên, cái tâm nhân đức, những giá trị nhân văn. Chúng ta chỉ cần hướng đến Phật bằng cái tâm, không nên hành xử sai trái", chuyên gia nhấn mạnh.

Người Việt đi lễ đầu năm: Càng sờ, càng xoa tượng, càng nhiều lộc? - 4

Người dân dùng xe kéo chở lễ "khủng" dâng hương, cầu cúng ở Đền Hoàng Mười (tỉnh Nghệ An) ngày 29/1. (Ảnh: Hoàng Lam).

Bà Ánh Hồng cho rằng, không riêng đầu năm, mà vào các ngày lễ, ngày rằm, mùng 1, đến bất cứ ngôi chùa nào, người dân và du khách thập phương không nên có những hành vi "thế tục hóa", thậm chí "thương mại hóa", vì nghĩ những đồng tiền đó sẽ sinh sôi, nảy nở và giúp họ làm giàu. 

Trước đó, năm 2015, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từng có công văn, yêu cầu các Sở Văn hóa, Ban Quản lý di tích, chấn chỉnh việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội. 

Đồng thời, Bộ yêu cầu vận động, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh, sử dụng đồng tiền hợp lý, có mục đích văn hóa, khắc phục tình trạng sử dụng tùy tiện đồng tiền Việt Nam, đặc biệt tiền có mệnh giá nhỏ và tiền quốc tế, trong các hoạt động tín ngưỡng lễ hội. Những trường hợp vi phạm sẽ bị yêu cầu xử lý nghiêm minh.

Theo vị chuyên gia, người dân nên cư xử văn minh mỗi khi đi lễ chùa, như ăn mặc kín đáo, lịch sự; đi nhẹ nói khẽ, ứng xử chuẩn mực, không chen lấn, xô đẩy. 

Người hành hương nên lấy tiêu chí - thước đo quan trọng nhất, là sự thành tâm, hướng thiện, thay cho lễ vật. 

"Lễ vật cao quý nhất mà con người dâng lên cho Đức Phật chính là lòng thành của chính mình, không cần sắm nhiều, chỉ cần một tấm lòng, một bông hoa, kín đáo đặt tiền "giọt dầu" vào hòm công đức.

Chúng ta không cần khua chiêng gõ mõ, cứ lặng lẽ như vậy. Một chút lặng lẽ đấy cũng đủ tạo nên một sự giao cảm giữa con người với các thần linh", chuyên gia văn hóa Nguyễn Ánh Hồng nói. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm