ĐBSCL:

Người trồng hoa nơi vui cười chờ Tết, nơi “méo mặt” đối phó hạn mặn

(Dân trí) - Như thường niên, vào khoảng thời gian này người dân trồng hoa ở làng hoa lớn nhất miền Tây TP Sa Đéc (Đồng Tháp) và Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) tất bật vào vụ hoa Tết. Năm nay cũng thế, nhưng đối với người dân trồng hoa ở Chợ Lách đang khổ sở vì bị nước mặn bủa vây.

Đến làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) những ngày này mới thấy không khí nơi đây tất bật như thế nào. Từ sáng sớm, các nhà vườn đã ra cánh đồng hoa chăm bón phân, tưới nước, cắt tỉa cành, tạo dáng… Ở tuyến đường hoa Sa Nhiên – Ca Dao những chiếc xe thùng ngược xuôi chở hàng. Lúc nào, đường hoa, làng hoa cũng tất bật, rộn rã như Tết đến.

Chị Bé – chủ một vườn hoa phường Tân Quy Đông, cho biết, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, giá cả phân thuốc, vật liệu phục vụ cho ngành hoa có tăng nhưng không đáng kể. Hiện người dân chỉ mong thời tiết không xảy ra điều gì bất thường để người trồng hoa có cái tết như ý.

Người trồng hoa nơi vui cười chờ Tết, nơi “méo mặt” đối phó hạn mặn - 1

Người dân trồng hoa ở làng hoa Sa Đéc đang tất bật chăm sóc vụ hoa tết

Hàng chục ngàn chậu cúc mâm xôi bắt đầu hé nụ. Theo các nhà vườn đến 23 âm lịch thương lái bắt đầu đến xem và mua hoa, hoạt động này  xôm tụ nhất từ 23 -28 âm lịch. Do vậy, thời gian này, dân trồng hoa tập trung hết sức lực vào việc chăm sóc vườn hoa, kiểng.

Ông Võ Minh Thông – Phó phòng Kinh tế TP Sa Đéc, cho biết, hiện làng hoa Sa Đéc có trên 550ha trồng hoa kiểng. Riêng vụ hoa tết 2020 Sa Đéc cung cấp ra thị trường trên 3 triệu vỏ hoa với nhiều giống hoa nhưng chiếm ưu thế là các loại hoa cúc, hồng nhung.

Người trồng hoa nơi vui cười chờ Tết, nơi “méo mặt” đối phó hạn mặn - 2

Đến làng hoa Sa Đéc, không khí mua bán hoa kiểng luôn diễn ra tấp nập nhưng hoạt động này càng nhộn nhịp hơn từ 23 -28 âm lịch hàng năm

Còn tại làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách Bến Tre) nơi hàng năm cung cấp trên 10 triệu vỏ hoa, người dân cũng đang tất bật với mùa hoa tết. Tuy nhiên, năm nay bà con trồng hoa tốn thêm nhiều chi phí công sức cho vụ hoa tết vì bị nước mặn bủa vây.

Theo phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết,  hiện có hơn 13.000 hộ nông dân sản xuất hoa kiểng, ước tính cung cấp khoảng 10 triệu sản phẩm dịp Tết 2020.

Người trồng hoa nơi vui cười chờ Tết, nơi “méo mặt” đối phó hạn mặn - 3

Năm nay, nước mặn vào các sông ở huyện Chợ Lách sớm hơn mọi năm nên bà con đang căng mình đối phó với hạn mặn

Bà Nguyễn Văn Năm, ngụ xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, cho biết, nhờ ngành chức năng huyện và xã cho hay về tình nước nước sông nhiễm mặn nên bà con kịp thời ứng phó. Hiện tại, người dân dùng tấm nhựa hoặc bạt nilon chứa nước ngọt để tưới hoa kiểng. Một số hộ dân có điều kiện thì mua những túi nhựa chứa nước “khổng lồ” với sức chứa từ 15-20m2, giá khoảng 2 triệu đồng/túi.

Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết, nước mặn đang xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 600ha với hơn 11 triệu sản phẩm hoa kiểng phục vụ Tết nguyên đán 2020 của người dân. Tình trạng thiếu nước tưới sẽ xảy ra và chất lượng của các loại hoa kiểng và hơn 5.000ha cây ăn trái.

Người trồng hoa nơi vui cười chờ Tết, nơi “méo mặt” đối phó hạn mặn - 4

Ngoài các giải pháp che chắn gốc cây, giảm lượng nước tưới thì bà con dùng bạt, túi nilon để trữa nước ngọt phục vụ cho vụ hoa tết

Theo ông Liêm, nguyên nhân Chợ Lách bị nước mặn về sớm là do nguồn nước thượng nguồn đổ về các sông Cổ Chiên và Hàm Luông ít, kèm lượng mưa ít nên nước mặn về sớm và bất ngờ, không loại trừ kéo dài đến 5/2020. Đây cũng là đợt nước mặn xâm nhập sớm nhất trong vòng 10 năm qua.

Cũng theo ông Liêm, huyện Chợ Lách và ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp giúp người dân giảm thiểu thiệt hại do nước mặn đến sớm, như: tưới nước tiết kiệm, che nắng tủ gốc giảm thoát hơi nước. Đặc biệt, biện pháp trữ nước ngọt, vận chuyển nước ngọt từ nơi khác về để phục vụ cho sản xuất các loại sản phẩm phục vụ thị trường Tết.

Nguyễn Hành