Cô gái Tây Nguyên dũng cảm chống hủ tục, nuôi 2 người con
(Dân trí) - Đang ở tuổi cắp sách đến trường, nhưng Y Byen đã phải chứng kiến cảnh một đứa bé đang còn “đỏ hỏn” bị bóp cổ vì hủ tục “chôn theo mẹ” nên cô bé đã bất chấp để xin đứa bé về nuôi. Làm mẹ nuôi ở tuổi 14 với bao khó khăn, nhưng 10 năm sau Y Byen tiếp tục cứu một đứa bé bị bỏ tại nghĩa địa và nhận làm con.
Người con gái Banar “chống hủ tục” cứu 2 đứa con
Ngôi nhà Y Byen (28 tuổi, ca sĩ tại Nhà hát ca múa nhạc Đam San, Gia Lai) nằm sâu trong con hẻm cụt của làng Piơm.
Bà con trong vùng, không ai là không biết chị Y Byen, người con gái không chồng nhưng lại chống “luật Yàng” để giành 2 đứa con từ tay “thần chết”.
Nhìn hai đứa bé đang nô đùa, ông Ý Byêm (cha của Y Byen) trở ngược dòng thời gian về hơn 15 năm trước. Ông Ý Byêm kể lại, lúc đó vào năm 2004 thì Y Byen lên 14 tuổi, chiều đi học còn sáng thì đi bán đồ cùng mẹ.
Một hôm, khi tận mắt chứng kiến cảnh một người cha đang bóp cổ đứa bé còn “đỏ hỏn”, cô bé Ý Byen đã dũng cảm lao tới và giành đứa bé, nói: “Xin đừng giết đứa bé, cháu xin được nuôi đứa bé này, nếu Yàng phạt cháu xin gánh hết…”, ông Ý Byêm kể lại.
Lúc đó nhà Y Byen cũng nghèo lắm. Tuy là cô bé học lớp 9, nhưng Y Byen tỏ là một người mẹ đảm đang, chịu khó, cần mẫn đi mót mủ cao su để mua sữa cho đứa con mình vừa giành được. Tối đến, bên trang sách học bài cô bé lại đung đưa chiếc võng ru đứa bé ngủ.
Nhưng khi kinh tế gia đình khó khăn, thương đứa con, đứa cháu mà Y Byen mới cứu được nên gia đình ông Y Byêm đã thống nhất bán đi đàn heo để lấy tiền mua sữa cho đứa bé.
Nói đến đây, ông Byem thở dài: “Khi thằng bé chịu bú sữa, gia đình chưa kịp mừng thì nó đổ bệnh nặng. Để có tiền đưa cháu đi chạy chữa thì nhà tôi phải bán cả bò, cả ruộng mới cứu được nó. Tội nhất con Y Byen, hầu như “trắng đêm” để nằm trông con. Kinh tế kiệt quệ, phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi để trả tiền vay”.
Chỉ vào tay vào đứa cháu ông Byêm cười nói: “Các cháu nhìn xem thằng Song “đỏ hỏn”, to bằng bắp tay ngày nào, giờ cao lớn và học đến lớp 7 rồi đấy”.
Thời điểm chúng tôi đến, Y Byen đang bận chuyến công tác dài ngày tại TP.HCM. Dù công việc bận rộn nhưng Byen vẫn dành chút thời gian ngắn ngủi để chia sẻ với chúng tôi.
Qua điện thoại, Byen kể : “Năm 2015, có một người quen gọi điện cho Byen nói tại nhà ma thuộc làng Plei Chuyết (xã Chư Á, huyện Đắk Đoa), có một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi Byen có nhận nuôi không. Lúc này trong lòng Byen tình thương trỗi dậy muốn chạy thật nhanh đến để đưa ngay đứa bé về nhà. Nhưng có phần hơi lo lắng vì lúc đó hoàn cảnh gia đình cũng đang rất khó khăn ruộng, rẫy đã bán hết.
Tôi sợ cha mẹ không đồng ý nên đã lao nhanh về hỏi mẹ và cha “Có nuôi con người không, có một đứa trẻ nữa bị người ta bỏ ngoài nhà ma”. Byen vừa dứt lời thì cha Byen nói: “Nuôi chứ... nuôi chứ”. Vậy là Byen mừng rỡ chạy ra nghĩa địa bế đứa trẻ về”.
Cũng ngày đó Y Byen có thêm đứa con thứ hai và đặt tên là Y Sơn.
Bố mẹ và 2 đứa con mà Y Byen đã giải cứu từ tay "thần chết". Hai đứa con được mẹ Y Byen nuôi nay đã khỏe mạnh và học giỏi
Gác hạnh phúc, lo cho 2 đứa con
Khi nhận nuôi bé thứ hai, cuộc sống gia đình chị cũng chẳng khấm khá hơn là bao. Hằng ngày, Byen phải đi mò cua bắt ốc, đi mót mủ cao su để kiếm sống. Có bao nhiêu tiền, chị đều dành dụm mua sữa cho hai đứa con.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, giờ đây người con lớn của Byen là Y Song đã học lớp 7 và con nhỏ là Y Sơn đã được 3 tuổi. Byen đã có việc làm, kinh tế gia đình giờ đã tạm ổn.
Nhưng hạnh phúc của những cô gái đôi mươi như Y Byen là có được một người chồng. Còn Y Byen đã đến cái tuổi 28, nhưng cô gái Tây Nguyên này vẫn chưa lấy chồng. Người con gái ấy đã gạt đi rất nhiều niềm vui, quên đi bao hạnh phúc của bản thân để dành tất cả tình thương cho 2 đứa con của mình trong suốt 14 năm qua.
Byen bộc bạch: “Một mái ấm gia đình, một người chồng yêu thương mình cái đó là điều mà bất kỳ một người con gái nào cũng mong muốn.
Với Byen cũng vậy, có nhiều người lui tới nhưng chưa tìm được người nào rộng lượng, thật lòng thương hai đứa nhỏ…Nếu có thương mẹ, mà không thương con thì Byen sẽ không yêu, không cưới đâu…”.
Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc năm 2018, thì Y Byen đã vinh dự là một trong 70 điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc. Đây được có là điển hình về nét đẹp cuộc sống, cũng là những người đi đầu nhằm khi phá vỡ những hủ tục còn tồn tại trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Nói về việc làm của Y Byen, bà Hà Thị Giang Thảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai cho biết: “Trước hành động thiết thực, ý nghĩa của Y Byen, ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng đã đến tận nhà để trao tặng bằng khen, động viên khích lệ tinh thần.
Ngoài ra, Y Byen còn là tấm gương tiêu biểu được tỉnh đoàn bầu chọn tham gia Đại hội thanh niên làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ 5 được tổ chức tại TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Phạm Hoàng