Người phụ nữ giới thiệu Việt Nam với thế giới bằng tranh cát
(Dân trí) - “Trên mỗi bức tranh cát ấy là hình ảnh quê hương đất nước, con người Việt Nam, là hình ảnh thành phố Nha Trang - Khánh Hòa xinh đẹp”, nghệ nhân Trần Thị Thu (SN 1942, TP Nha Trang) - người sáng lập ra tranh cát Hồng Châu Sa nổi tiếng chia sẻ với PV Dân trí.
Đến nay, nghệ nhân Trần Thị Thu đã có 13 năm vẽ tranh cát và là gương mặt không còn xa lạ gì với những người yêu nghệ thuật tranh cát ở phố biển Nha Trang. Năm 2004, sau khi về hưu và nhàn rỗi, tình yêu nghệ thuật thời trẻ chợt trỗi dậy khiến bà nảy sinh ra ý tưởng vẽ tranh cát.
Để có cát làm nguyên liệu vẽ tranh, ngày ấy, người phụ nữ này đã đi đến khắp các bãi biển ở Nam Trung Bộ như: Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa… để tìm kiếm. Điều đáng nói, cát dùng để vẽ tranh không phải nơi nào cũng có và việc tìm kiếm ra chúng cũng không hề dễ dàng.
Đang trò chuyện cùng khách, người nghệ nhân này bất ngờ đi lấy ra một số mẫu cát mà bà dùng để vẽ. Đó là các mẫu cát nhỏ li ti, mịn màng và mang nhiều màu sắc tự nhiên rực rỡ khác nhau.
“Ngày ấy, việc đi tìm nguyên liệu vô cùng công phu và tự mình phải đi tìm chứ không ai có thể làm thay được. Tôi nhớ có lần thậm chí phải lội khe, lội suối…”, bà Thu hồi tưởng.
Sau khi có cát đảm bảo yêu cầu, bà Thu bắt tay vào việc vẽ tranh cát trong các hộp thủy tinh hình khối như hình vuông, hình chữ nhật, hình ô van… Sau một năm mày mò nghiên cứu và thử nghiệm hết cách này đến cách khác, người phụ nữ cũng đã cho ra sản phẩm hoàn hảo đầu tay.
Tuy nhiên thay vì vui mừng ngay, bà lại di chuyển sản phẩm bằng nhiều cách khác nhau để nhằm kiểm tra mức độ đảm bảo về mặt kỹ thuật, hình vẽ bằng cát có bị xô lệch, hư hỏng hay không.
Những thử nghiệm khắt khe nhất liên tục được thực hiện và bức tranh cát vẫn tựa y như khi nó mới ra đời. Thành công này khiến bà đưa đến quyết định mang tranh cát tham dự triển lãm tại Hà Nội vào năm 2005 để giới thiệu ra công chúng và giới nghệ thuật cả nước.
Chủ đề mà bà đưa vào tranh cát là vẽ về phong cảnh quê hương, đất nước Việt Nam cùng các danh lam thắng cảnh, di tích ở TP Nha Trang, Khánh Hòa. Ngoài ra, tranh cát của bà cũng tập trung vẽ chữ nghệ thuật, các con giáp mỗi khi Tết Nguyên đán đến, hay vẽ chân dung…
“Vẽ tranh cát không hề đơn giản chút nào và rất kỳ công! Tức là, người vẽ dùng những hạt cát li ti để đổ rất tỉ mỉ vào những cái ly hoặc khung thủy tinh trong suốt. Bức tranh sẽ được vẽ từ dưới vẽ lên và khi đổ cát vào phải có một nghệ thuật để giữ hình vì không có một chất nào kết dính nó lại với nhau, còn khi di chuyển không bị xáo trộn hình vẽ ra”, bà Thu tâm sự.
Nhiều năm trước, Nha Trang - Khánh Hòa đón một lượng lớn du khách quốc tế như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Úc, Nhật Bản… Những bức tranh cát tuyệt đẹp ra đời dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân này không những được du khách trong nước và cả những du khách quốc tế đón nhận.
“Những du khách nước ngoài như Anh, Nhật Bản, Đức… đi trên các con tàu du lịch viễn dương cập cảng Nha Trang và đã mua tranh cát do tôi sáng tác mang về đất nước của họ. Trên mỗi bức tranh cát ấy là hình ảnh quê hương đất nước, con người Việt Nam, là hình ảnh thành phố Nha Trang - Khánh Hòa xinh đẹp. Qua bức tranh cát, tôi muốn họ hiểu thêm về cảnh đẹp, về đất nước Việt Nam nói chung và Nha Trang nói riêng”, người phụ nữ tâm sự.
Theo nữ nghệ nhân, tranh cát có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau. Với bức nhỏ bằng lòng bàn tay thì thời gian hoàn thiện sẽ mất từ 1-2 ngày, còn những bức kích thước bằng cuốn sách mất 7 đến 10 ngày.
Những năm gần đây, bà Thu cho biết mình không còn vẽ tranh cát nhiều như trước. Thay vào đó, người phụ nữ tài hoa tập trung truyền nghề cho 5 người con của mình. “Giờ đây, tôi muốn gìn giữ và phát triển nghệ thuật này bằng cách truyền lại cho con cháu”, bà tâm sự.
Đến thăm tháp bà Ponagar Nha Trang, danh thắng Hòn Chồng, du khách sẽ bắt gặp gian trưng bày tranh cát Hồng Châu Sa của nghệ nhân Trần Thị Thu. Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, cho biết, tranh cát Hồng Châu Sa là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng tại Nha Trang - Khánh Hòa.
“Cái này từ thiên nhiên, qua đôi bàn tay của người nghệ nhân để đưa ra thế giới những sản phẩm giá trị nên đó là một ý tưởng hay. Đây là một trong những sản phẩm đặc trưng của mình, tạo ra sự phong phú về các sản phẩm lưu niệm, đồng thời cho thấy giá trị của những con người Việt bằng những đôi tay để tạo ra những sản phẩm đỉnh cao”, ông Dũng nói.
Viết Hảo