Người mẹ hơn 50 năm gọi "Tùng ơi, ăn cơm" khắp phố cổ Hội An
(Dân trí) - Hàng ngày, cứ đến bữa ăn, cụ lại xách lồng cơm đi tìm đứa con trai 55 tuổi vì sợ con đói. Hơn 50 năm qua, đây là công việc thường nhật của người mẹ 87 tuổi ở phố cổ Hội An.
Người mẹ với hình ảnh tới bữa lại chạy tìm con quen thuộc với người dân ở phố cổ Hội An ấy là cụ Nguyễn Thị Dy (còn gọi là cụ Quý) 87 tuổi, nhà ở số 29 Nguyễn Phúc Tần, phường Minh An, TP Hội An và người con trai điên dại là ông Đỗ Thanh Tùng, 55 tuổi.
"Tùng ơi, ăn cơm…"
Chúng tôi gặp cụ Nguyễn Thị Dy tại căn chòi bùng binh đường Bạch Đằng, phố cổ Hội An, cụ mệt mỏi thiếp đi trong lúc chờ con. Hơn 11h trưa, ông Tùng "đúng hẹn" có mặt, thấy mẹ ngủ quên, ông hờn dỗi không chịu vào ăn cơm. Buồn cười, mọi người vội vàng đánh thức cụ dậy.
"Sao chừ mới tới, má chờ nãy giờ. Nhanh vô ăn cơm, nhanh, đói lắm chưa, sao không vô. Không vô tao về nè, cho nhịn nghe, đói ráng chịu nghe…", cụ Dy làm bộ bỏ cơm vào lại giỏ xách, đội nón định ra về. Thấy vậy, ông Tùng vội vàng đi vào ngồi ngay ngắn chờ mẹ đút cơm cho.
Được biết, cụ Dy là dân gốc Hội An. Cụ lấy chồng rồi sinh được 7 người con, 6 người đều lành lặn và đến nay đều ổn định cuộc sống, riêng ông Tùng thì không hiểu sao lại bị điên. Chúng tôi cố hỏi chuyện nhưng phải ghé vào tai cụ hét thật to thì cụ mới có thể trả lời.
"Nó bị vậy từ lúc lên 2-3 tuổi mà không hiểu lý do, vợ chồng cũng chạy chữa nhiều nơi nhưng không có kết quả. Người ta cũng từng định đưa nó vô bệnh viện tâm thần, nhưng thương con quá, tôi không cho. Nhìn vậy thôi chứ hiền lắm, ai chào cũng cười ngô nghê. Đến bữa ăn phải tất tả đi tìm, hơn 50 năm rồi, chỉ biết ư ư, tôi không lo cho nó thì ai lo giờ", cụ Dy tâm sự.
Cụ Dy cho biết, lúc các con còn nhỏ, ông Tùng được mấy anh chị phụ mẹ trông nom, cho ở trong nhà vì sợ đi ra ngoài lỡ may té ngã thì nguy hiểm. Nhưng lần lượt các con lớn và lập gia đình, chỉ còn lại cụ vừa một tay đi làm công, một tay chăm sóc, theo từng bước chân ông Tùng chẳng khác gì cảnh mẹ già chăm con mọn.
Hiện nay tuổi cụ đã cao, không đủ sức lang thang khắp ngõ tìm con. Cụ tập cho ông Tùng đúng giờ trưa thì đến bùng binh Bạch Đằng tìm mẹ, không thấy con thì nhờ người dân gọi giùm. Ở đây ai cũng biết mặt ông Tùng, lắm lúc ông đi lạc cũng là họ giúp cụ tìm về.
Hành trình hơn 50 năm theo bước chân con
Tuổi già, mắt kém, tai nặng nhưng suốt mấy chục năm nay, cụ Dy vẫn chăm sóc chu đáo cho đứa con "bé bỏng" của mình. Và cứ thế, hơn 50 năm qua, hình ảnh cụ Dy tay xách làn cơm đi tìm con cho ăn đã quá quen thuộc với người dân phố cổ Hội An.
Bà Nguyễn Thị Hồng, bán hàng rong tại phố cổ Hội An cho hay, mỗi lần thấy cụ Dy đi tìm con là mọi người sẽ để ý giúp, ai gặp thì vỗ vai ra hiệu ông về ăn cơm. Ở đây ai cũng thương 2 mẹ con cụ, những lúc không thấy ông Tùng lang thang khắp phố thì lại thấy thiếu thiếu.
"Cụ Dy thương Tùng lắm, ngày nào cũng sợ con đói, dù già yếu nhưng chưa khi nào cụ ngừng bước theo con. Mặc cho Tùng có quấy cỡ nào, lắm lúc khó dỗ dành nhưng cụ không bao giờ la mắng nặng lời, mà chỉ ôn tồn răn dạy. Tùng cũng chỉ nghe lời mỗi cụ Dy, chắc nó cảm nhận được tình thương yêu của mẹ", bà Hồng chia sẻ.
Những hôm cụ đau ốm thì người con trai chẳng ai đút ăn, vệ sinh chẳng ai dọn dẹp, cứ lang thang như cây cỏ. Cụ thương con, thương hơn cả bản thân mình. Đó không chỉ là tình thương đơn thuần của một người mẹ, mà đó là sự hy sinh lớn lao không thể nào tả nổi với một đứa con không bình thường. Mà điều ấy, cụ đã làm hơn nửa thế kỷ qua.
Nhìn cảnh bà lão lầm lũi bên đứa con, ai cũng xót xa. Vậy mà hỏi cụ nghĩ gì, lo gì nhất, cụ chỉ nhìn đứa con trai rồi bảo: "Sợ nhất nó đói thôi, nhiều lúc đi xa quá không tìm được thì lại đói lả ra". Cụ cả đời chỉ biết làm được vậy cho con.
Ông Tạ Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch phường Minh An, TP Hội An cho biết: "Gia đình cụ Nguyễn Thị Dy là trường hợp đặc biệt tại địa phương. Con trai cụ Dy là ông Đỗ Thanh Tùng bị bệnh tâm thần. Trước đây địa phương đã phối hợp cho đi điều trị, nhưng gia đình xin về vì hoàn cảnh khó khăn và thương con.
Nhiều người dân và khách du lịch nhìn thấy hoàn cảnh của hai mẹ con nên ngỏ ý muốn giúp đỡ, nhưng cho tiền thì cụ không nhận. Cứ mua bánh, sữa hay hoa đăng (cụ Dy hiện bán hoa đăng tại phố cổ để mưu sinh nuôi con - PV) để ủng hộ cụ Dy là được".
Được biết, 2 mẹ con cụ Dy vẫn được nhận suất hỗ trợ của nhà nước dành cho hộ nghèo. Hàng tháng, ông Tùng cũng nhận được trợ cấp dành cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, cụ Dy mưu sinh bằng nghề bán hoa đăng tại phố cổ, mỗi tháng các con cụ vẫn hỗ trợ một ít cho mẹ. Với cụ Dy, cụ chẳng cần giàu sang gì, chỉ mong đủ sức lo từng bữa cơm cho đứa con khờ của mình.