Người Hà Nội đi chợ thời giãn cách: Mang cả sổ tay cho khỏi... quên

Toàn Vũ Hoài Trang

(Dân trí) - Những quy định mới tại các chợ dân sinh trong thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đã khiến thói quen đi chợ của nhiều người dân thay đổi "chóng mặt".

Những ngày đi chợ phải tính toán từ hôm trước, viết danh sách vào sổ tay

"Lần đầu tiên trong đời tôi mang phiếu đi chợ như thế này. Thật tình, cũng loay hoay lắm vì chưa quen", ông Tạ Văn Đề (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) vừa cầm trên tay tờ phiếu đi chợ vừa bộc bạch.

Ông Đề từ quê lên Hà Nội làm thợ xây nhiều năm nay. Từ hôm qua (27/7), ông được chủ nhà trọ đưa cho tấm phiếu đi chợ theo ngày chẵn, lẻ. Trước nay ông thường tranh thủ chạy qua chợ mua đồ về nấu khi hết giờ làm, chẳng mấy khi tích trữ đồ ăn vì không có tủ lạnh. 

Người Hà Nội đi chợ thời giãn cách: Mang cả sổ tay cho khỏi... quên - 1

Ông Tạ Văn Đề phải tính toán khi đi chợ mua đồ ăn.

"Nói thật, cả tối qua tôi phải nhẩm tính xem mua đồ thế nào để ăn được trong vài ngày mà không lo hỏng. Tôi đang không có việc nên kinh tế eo hẹp lắm, phải tính toán chút một", ông Đề chia sẻ. Sáng nay, cầm theo tấm phiếu, ông đi chợ sớm, chọn mua ít cá về kho ăn dần, rau xanh để ăn trong ngày, thêm quả bí xanh. "Bí có thể để được 2-3 hôm mà không lo hư", ông nói.

"Cũng bất tiện thật đấy nhưng thời điểm dịch bệnh mình nên chấp hành quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người. Nay nhìn khu chợ vắng vẻ hẳn so với mọi khi, ai cũng cẩn thận khẩu trang, đứng giãn cách", ông Đề chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, UBND phường Nhật Tân đã tiến hành cấp phiếu đi chợ cho người dân. Sau một ngày tiến hành giăng dây, thu phiếu, kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang trước khi vào chợ, hầu hết người dân đều thực hiện nghiêm túc, người không có phiếu hoặc không mang phiếu khi đi chợ sẽ không được vào chợ.

Người Hà Nội đi chợ thời giãn cách: Mang cả sổ tay cho khỏi... quên - 2

Người dân phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) vào chợ phải thực hiện quy định xuất trình phiếu chẵn, lẻ.

Người Hà Nội đi chợ thời giãn cách: Mang cả sổ tay cho khỏi... quên - 3
Việc phát phiếu đi chợ nhằm hạn chế tập trung đông người tại các khu chợ dân sinh.

Khác với ông Đề, chị Nguyễn Thị Oanh (23 tuổi, phường Âu Cơ) đã quen với việc đi chợ mua đồ tích trữ, dùng dần trong 3-4 ngày để tiết kiệm thời gian. Quy định đi chợ theo ngày chẵn, lẻ không làm khó chị là mấy. "Có điều, giờ trước khi đi chợ cũng phải ngồi vạch ra danh sách cần mua để tránh thiếu những thứ lặt vặt như quả ớt, quả chanh, bó hành... Bây giờ không như trước đây, thiếu thì mình chạy ù ra chợ mua được nên phải cẩn thận hơn", chị cho biết.

Người Hà Nội đi chợ thời giãn cách: Mang cả sổ tay cho khỏi... quên - 4
Hầu hết người dân đều đồng tình và tuân thủ quy định phòng dịch và quy định ra vào chợ của UBND phường.

Tương tự như chị Oanh, chị Mơ cũng cẩn thận ghi lại từng món đồ cần thiết rồi mới đi chợ chọn mua.

"Tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp nên mình cũng phải có trách nhiệm với cộng đồng chứ. Để đảm bảo phòng dịch, mỗi hộ gia đình chúng tôi có thể đi chợ 4 lần/tuần, luân phiên vào một khung giờ nhất định. Để thuận tiện cho người dân, trên mỗi tờ phiếu có ghi rõ thời gian đi chợ. Buổi sáng từ 6 giờ 45 phút, buổi chiều từ 16 giờ 45 đến 17 giờ 45 phút và chia theo các ngày thứ Hai, Tư, Sáu và thứ Bảy; Ba, Năm, Bảy và Chủ nhật nên rất tiện", chị Mơ chia sẻ.

Người Hà Nội đi chợ thời giãn cách: Mang cả sổ tay cho khỏi... quên - 5

Chị Mơ đang tranh thủ kiểm tra những thực phẩm còn thiếu vào cuốn sổ tay đi chợ.

"Khi vào chợ, tôi được cán bộ Quản lý chợ yêu cầu xuất trình phiếu đi chợ, đo thân nhiệt và rửa tay khử khuẩn rồi mới cho vào chợ. Tuy hơi phức tạp nhưng người dân vào chợ cũng phần nào an tâm hơn. Hy vọng dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để cuộc sống người dân trở về như trước đây", chị Mơ nói.

Với việc phát phiếu đi chợ, số lượng người đến chợ thưa hơn. Theo chị Tâm (một tiểu thương kinh doanh hàng thịt tại chợ Nhật Tân) cho biết, những ngày này thì người thưa nhưng buôn bán vẫn tạm ổn vì nhu cầu mua đồ ăn của các gia đình sẽ nhiều hơn gấp hai, ba lần. So với bình thương, giá các mặt hàng như thịt, trứng sẽ nhỉnh hơn một chút do việc vận chuyển khó khăn.

Người Hà Nội đi chợ thời giãn cách: Mang cả sổ tay cho khỏi... quên - 6
Do nhu cầu nấu ăn tại gia đình của người dân trong những ngày giãn cách tăng cao nên cửa hàng thịt lợn của chị Tâm bán được gấp đôi so với ngày thường.

Bên cạnh đó, trong quá trình mua bán, người dân vẫn phải thực hiện giữ đúng khoảng cách 2m. Khi số lượng người vào chợ đông cùng một khung giờ, ban quản lý sẽ không cho thêm người vào cho đến khi có người ra khỏi chợ. Hầu hết việc phát thẻ đi chợ để hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người đều được người dân hưởng ứng chấp hành.

Một số khu chợ khác tại Hà Nội cũng có nhiều cách khác nhau để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Người Hà Nội đi chợ thời giãn cách: Mang cả sổ tay cho khỏi... quên - 7

Lo ngại dịch bệnh, các tiểu thương tại khu chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) thiết lập tấm chắn để hạn chế tiếp xúc gần với khách hàng. Tiểu thương Nguyễn Văn Hậu - chủ sạp hàng thực phẩm cho hay, khi lắp thêm tấm chắn, tiểu thương và khách hàng cũng yên tâm hơn. Việc lắp tấm chắn giúp hạn chế tiếp xúc, ngăn giọt bắn mà không ảnh hưởng đến việc mua bán.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm